Bản sắc

Ước mơ của những phụ nữ hái rong biển

NDO - Nghề thu hái rong biển, nguồn thu nhập chính của nhiều phụ nữ ở quận Ramanathapuram, bang Tamil Nadu, đang bị đe dọa do những thách thức về môi trường và xã hội ngày càng tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Những bè rong biển được trồng mới là cơ hội kiếm thêm thu nhập cho cư dân đảo Pamban. Ảnh | FORBES INDIA
Những bè rong biển được trồng mới là cơ hội kiếm thêm thu nhập cho cư dân đảo Pamban. Ảnh | FORBES INDIA

Kế sinh nhai truyền thống

Sáng sớm trên bãi biển Akkal Madam trên đảo Pamban (Ấn Độ), một nhóm 10 phụ nữ tuổi từ 50 đến 60 mặc những chiếc áo và saree sặc sỡ, chân mang dép cao-su, các đầu ngón tay được quấn lại để bảo vệ bàn tay và chân khỏi những tảng đá sắc nhọn khi họ lặn xuống nước tìm rong biển. Họ đeo kính bảo hộ vì họ sẽ ở dưới nước 5-6 giờ mỗi ngày và lặn xuống biển thường xuyên, mỗi lần 2-3 phút.

Bà Bhagavath, ngoài 60 tuổi, đã lặn tìm rong biển từ năm 7 tuổi đùa: “Công việc này không dành cho những người yếu tim. Đó là lý do tại sao không có bất kỳ người đàn ông nào ở đây”. Những người phụ nữ khác cười lớn khi lội xuống làn nước ấm áp. Ước tính có hàng nghìn phụ nữ trong vùng hiện vẫn theo đuổi công việc này để kiếm sống. Bà Munniammal, ngoài 50 tuổi, cho biết: “Bà và cụ của chúng tôi đã theo chồng đi câu cá để hái rong biển. Đó là một truyền thống cũng như là kế sinh nhai của chúng tôi”.

Pamban là một hòn đảo hình giọt nước nổi tiếng với hệ sinh thái biển phong phú. Với hơn 4.000 loài động thực vật, nơi đây được UNESCO coi là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học hàng đầu thế giới. Hòn đảo này nằm giữa bán đảo Ấn Độ và Sri Lanka, được kết nối với bang Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Độ thông qua một cây cầu đường sắt và đường bộ trải dài hơn một dặm rưỡi qua vùng biển Ấn Độ Dương rộng lớn. Có rất nhiều cây bạch đàn, dừa và cọ, cùng những chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ bồng bềnh trên mặt nước mầu ngọc lam trải dài ngút tầm mắt.

Rong biển được thu hoạch theo cách này chủ yếu được xuất khẩu và chiết xuất làm phụ gia. Hiện nay, rong biển được sử dụng làm thực phẩm, mỹ phẩm, phân bón, chiết xuất chất gôm và hóa chất cho ngành công nghiệp và y tế.

Cô R.Suraganthi, 45 tuổi, trên đảo Pamban, người hướng dẫn một nhóm phụ nữ nuôi trồng rong biển, cho biết: “Mẹ tôi thường thu hái rong biển. Khi còn nhỏ, tôi đã theo mẹ đi biển và kể từ đó, rong biển là nghề của tôi”.

Rong biển là nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và dễ thu hoạch đối với phụ nữ trên đảo Pamban. Trong khi đàn ông đi khơi, phụ nữ thu thập rong biển ở gần bờ, đây là nguồn thu nhập chính của họ. Nhiều người trong số những phụ nữ này hiện đã ở độ tuổi 50, bắt đầu đi kiếm rong biển khi còn ở tuổi thiếu niên. Họ lặn dưới nước để thu hoạch rong biển và bán rong biển khô với giá 110-115 Rs/kg và rong biển tươi với giá thấp hơn ở mức 60 Rs/kg.

Ước mơ của những phụ nữ hái rong biển ảnh 1

Một phụ nữ lặn hái rong biển. Ảnh: NPR

Bà Usha Muniswamy, một nông dân khác cho biết: “Hằng ngày, chúng tôi đi bộ 3 km tới bờ biển Olaikuda trên vịnh Palk ở Pamban để lặn tìm rong biển, chúng tôi kiếm được khoảng từ 3 đến 5 kg rong mỗi ngày”. Giống như nhiều phụ nữ Ấn Độ khác, với một chiếc bao nhựa đơn giản buộc quanh eo và mặt nạ lặn, phụ nữ từ các ngôi làng ven biển ở Ramanathapuram dựa vào công việc kinh doanh đầy rủi ro là trồng và tìm rong biển để kiếm thu nhập.

Những người phụ nữ trẻ khỏe hơn từ Chinna Palam lại có cách làm việc khác. Không chỉ gom rong biển ở gần bờ biển như truyền thống, họ tìm kiếm rong biển ở xa ngoài khơi bờ biển của 21 hòn đảo nhỏ không có người ở nằm rải rác như những viên đá quý giữa Pamban và Sri Lanka. Những hòn đảo này hiện tạo thành Công viên quốc gia biển Vịnh Mannar. Nguồn lợi rong biển ở đây rất phong phú, đặc biệt là chung quanh các rạn san hô. Họ kiếm được gấp đôi thu nhập của những người hái rong biển ven biển. Vì phải dồn tiền thuê thuyền cho các chuyến đi nên họ chỉ ra khơi sáu lần một năm và để rong biển mọc chung quanh đảo Pamban cho những phụ nữ lớn tuổi thu hoạch.

Ðối mặt những thách thức

Lặn dưới nước hàng tiếng đồng hồ không phải là một nghề dễ dàng. Cô Dhanalakshmi S., một người hái rong biển ở Mangadu cho biết: “Nước đôi khi bị lọt vào trong mặt nạ khi đang lặn. Những tảng đá sắc nhọn dưới đáy biển nếu trượt ngã có thể gây chết người. Chúng tôi thậm chí không có phòng khám trong làng. Bệnh viện gần nhất cách nhà chúng tôi 8 cây số qua cầu Pamban”. Và tuy đã theo nghề nhiều năm, vẫn chỉ có số ít phụ nữ theo nghề biển, bao gồm những người hái rong được cấp ID chính thức để trình cảnh sát biển khi bị hỏi.

Ngày càng có nhiều phụ nữ ở quận Ramanathapuram ngăn cản con gái họ theo nghề biển vất vả này vì những áp lực về môi trường và xã hội.

Trên đảo Pamban, những người hái rong biển đặt ra lịch trình riêng theo chu kỳ mặt trăng, chỉ thu hoạch rong biển 12 ngày mỗi tháng, giảm 6 ngày so với trước đây. Họ làm việc 6 ngày, bắt đầu từ ngày rằm, sau đó là 9 ngày nghỉ. Sau đó, công việc sẽ tiếp tục trong 6 ngày nữa khi trăng non, tiếp theo là 9 ngày nghỉ. Đây là lúc thủy triều yếu hơn, nước hiền hòa hơn và thuận lợi cho việc thu hoạch rong biển. Khoảng cách giữa các chu kỳ là 9 ngày để rong biển có thể tái sinh. Thêm vào đó, lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm kéo dài 2 tháng và sự bất thường ngày càng tăng của thời tiết khiến phụ nữ chỉ làm việc được 7 tháng mỗi năm.

Ước mơ của những phụ nữ hái rong biển ảnh 2

Diện tích được thu hái rong biển tự nhiên cũng ngày càng bị thu hẹp bởi khu vực ngư trường truyền thống ở vịnh Mannar hiện đã được chuyển đổi thành điểm du lịch sinh thái, trở thành khu vực cấm đối với cộng đồng địa phương. Nó được công bố là Công viên quốc gia biển vào năm 1986 và sau đó được tuyên bố là khu dự trữ sinh quyển vào năm 1989.

Rong biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển. Nó được coi là loại tảo thông minh vì nó hấp thụ một lượng carbon đáng kể và làm giảm quá trình axit hóa đại dương. Một số nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò của rong biển trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự nóng lên toàn cầu đang làm giảm chất lượng rong biển trong đại dương. Về lâu dài, bản thân biến đổi khí hậu có thể khiến việc mở rộng nuôi rong biển trở nên khó khăn hơn.

“Phụ nữ làm việc trên biển đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của nghề cá và thường đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, họ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và có được mức giá hợp lý cho sản phẩm của họ”, Giáo sư Anjal Prakash, Giám đốc nghiên cứu Viện Chính sách công Bharti, Trường Kinh doanh Ấn Độ (ISB), chia sẻ và nói thêm rằng những người trung gian hoặc thương nhân có thể lợi dụng vị thế dễ bị tổn thương đó để làm giảm thu nhập của họ.

Những thay đổi tích cực

Ngày càng có nhiều cô gái trẻ không muốn tiếp tục theo nghề nghiệp vất vả và nhiều rủi ro này. Thậm chí những phụ nữ theo nghề trồng rong biển, hiện đang tìm kiếm cơ hội nhận lương thông qua Đạo luật Bảo đảm việc làm nông thôn quốc gia Mahatma Gandhi (MGNREGA). Họ cũng tìm ra những cách thu nhập mới. Trong thời gian nghỉ ngơi, họ sống bằng nghề bán đồ thủ công bằng vỏ sò và làm công ăn lương hằng ngày tại các nhà máy nuôi trồng thủy sản địa phương hoặc làm công việc do MGNREGA cung cấp.

Ước mơ của những phụ nữ hái rong biển ảnh 3

Cô Sugaranthi, người được đào tạo làm đồ thủ công bằng vỏ sò từ Viện Công nghệ Thời trang quốc gia, chia sẻ: “Chúng tôi có kiến thức về buôn bán trên biển cũng như kinh doanh trên đất liền. Tuy nhiên, chúng tôi không được đi học. Nếu các con gái của tôi được đi học và về làm ở ngành thủy sản thay vì đi biển thì nhiều gia đình như tôi sẽ được hưởng lợi. Vì chúng biết những khó khăn của nghề này nên có thể đưa ra những chính sách và kế hoạch tốt hơn phù hợp với chúng tôi”.

Khoảng 30 năm trước, một kế hoạch đã được ấp ủ để giúp đỡ những phụ nữ theo nghề này. Một nỗ lực nhằm mang lại cho phụ nữ một cách kiếm thu nhập mới bằng việc trồng một loại rong biển nhập khẩu trên bè với hàng trăm chiếc bè được dựng lên quanh đảo Pamban. Tuy nhiên, loài này đang gây tranh cãi vì theo một báo cáo khoa học đó là loài xâm lấn, che phủ các rạn san hô.

Đến năm 2025, Ấn Độ hy vọng sẽ mở rộng sản lượng rong biển lên ít nhất 1 triệu tấn mỗi năm. Bộ Thủy sản, Chính phủ Ấn Độ và chính quyền bang Tamil Nadu đang thúc đẩy việc phát triển rong biển để khai thác hết tiềm năng của khu vực này. Việc xây dựng Công viên Rong biển mới tại Thondi ở quận Ramanathapuram, bắt đầu vào ngày 2/9, với khoản đầu tư 1,27 tỷ Rs. Công viên Rong biển sẽ bao gồm những hoạt động đa dạng từ việc xác định nguồn tài nguyên rong biển tiềm năng ở các làng chài ven biển, đến thiết lập phòng thí nghiệm nuôi cấy mô và cơ sở R&D, xây dựng cơ sở hạ tầng trên bờ... Trọng tâm trước mắt của dự án là “tăng sản lượng (rong biển) bằng cách tăng số lượng nông dân”. Đây có thể là một tin tốt lành đối với những phụ nữ nhiều thế hệ theo đuổi nghề hái rong trên biển, không chỉ về sinh kế mà còn là duy trì một tập tục truyền thống đối với những cư dân ở đảo Pamban, những người nhiều đời bám biển.