Giáo dục kỹ năng sống cần sát cuộc sống hơn
Trải lòng của giáo viên chủ nhiệm lớp Một lâu năm ở trường tiểu học điểm ngay giữa Thủ đô nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam: Giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học, bây giờ chịu nhiều áp lực hơn so với thời trước. Năm đầu tiên, ngoài học đọc, học viết, học làm tính, cô trò phải làm quen với một loạt các kỹ năng của một học sinh từ một đứa trẻ. Thực tế, tôi đã gặp nhiều bậc phụ huynh chưa tròn vai. Cứ đến trước cổng trường tiểu học trước giờ vào lớp, ta sẽ thấy, bữa sáng của trẻ vội vã và cẩu thả như thế nào, người lớn đã đối xử với trẻ như thế nào. Nhiều ông bố bà mẹ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với con, có người thì mắng nhiếc con xối xả... đã tạo nên những hình ảnh xấu xí, méo mó. Khẩu hiệu Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, vô hình trung đã bị chính bố mẹ các con phá vỡ ngay từ ngoài cổng trường. Sự bất ổn trong tâm lý con trẻ dẫn đến các biểu hiện tiêu cực như không cởi mở với cô và bạn bè chung quanh, hoặc hay gây rối, trêu chọc, phá bĩnh... chính là mầm mống ban sơ của thực trạng buồn bạo lực học đường.
Giáo dục công dân tốt góp phần ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh | HẢI THANH
Nhiều năm nay, tăng cường giáo dục kỹ năng sống luôn nằm trong nhóm giải pháp tối ưu trong nỗ lực đẩy lùi nạn bạo lực học đường. Bộ môn Kỹ năng sống cấp tiểu học hay Giáo dục công dân ở các cấp trung học dù có vẻ được nhắc đến nhiều hơn, quan tâm hơn nhưng thực tế, số giáo viên đào tạo đúng chuyên ngành vẫn chiếm tỷ lệ không đáng kể. Giáo viên lồng ghép kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng đối mặt thách thức, kỹ năng tự bảo vệ mình... trong các tiết sinh hoạt, các môn học, các buổi vui chơi dã ngoại, học ngoại khóa. Giáo viên truyền đạt nội dung bằng câu chuyện giả định, bằng tình huống cụ thể, rồi các nhóm thảo luận, giáo viên dẫn dắt, đưa ra các phương án giải quyết. Cách truyền tải nội dung linh hoạt này hấp dẫn người học hơn, mang lại hiệu quả rõ rệt so với trước.
Thật ra, bạo lực học đường hay bạo lực nói chung, biểu hiện cách này hay cách khác rất nhiều, nhiều đến nỗi người ta coi là... bình thường. Cái cốt lõi là tư duy giáo dục đang có vấn đề, từ nhiều phía - chuyên gia tâm lý học Trần Anh Châu đến từ Viện Tâm lý học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) là người có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động tham vấn đã đưa ra nhận định đó. Ông cho biết, lứa tuổi học đường chiếm tỷ lệ khách hàng rất thấp. Điều này khiến ông băn khoăn vì đây là nhóm đối tượng đang phát triển tâm sinh lý phức tạp, cần sự hỗ trợ tư vấn tâm lý cao nhất. Tuy nhiên, thói quen của người Việt khi gặp khó khăn, vướng mắc về tinh thần, thay bằng tìm đến bác sĩ tâm lý, người ta lại hướng đến những giải pháp mang tính tâm linh.
Có những trường hợp ông Châu từng gặp phải trong quá trình hành nghề làm ông nhớ mãi. Những đứa con là hậu quả của quan niệm giáo dục sai lầm, thương con không đúng cách. Đó là một học sinh trung học con nhà giàu có, được chiều chuộng, chăm bẵm từ trứng nước. Bố mẹ em đã sai lầm khi nghĩ chỉ cần chu cấp tiền cho con đầy đủ, ăn ngon mặc đẹp, thuê gia sư giỏi về kèm cặp con là đủ. Tuổi nổi loạn, đứa trẻ bị khủng hoảng tâm lý, cậu trở nên càn quấy, bắt nạt dọa dẫm bạn bè. Cho đến lúc cậu bế tắc và tìm cách hủy hoại mình, bố mẹ cậu mới bàng hoàng sửng sốt...
Thói quen của người Việt khi gặp khó khăn, vướng mắc về tinh thần, thay bằng tìm đến bác sĩ tâm lý, người ta lại hướng đến những giải pháp mang tính tâm linh. |
Và sự cần thiết những mô hình tư vấn
Trong khi chờ có một mô hình “chuẩn” về tư vấn tâm lý, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn cả nước đã chủ động, sáng tạo đưa ra sáng kiến để xây dựng các mô hình tư vấn học tâm lý cho đơn vị mình. Thể hiện sự quyết tâm trong chiến dịch đẩy lùi nạn bạo lực học đường ra khỏi trường học, từ năm 2011, mô hình Phòng tư vấn tâm lý Tuổi hồng của Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chính thức đi vào hoạt động. Làm việc trực tiếp tại văn phòng gồm một Tiến sĩ Tâm lý học, một Thạc sĩ tâm lý học trẻ em và thanh thiếu niên và một Cử nhân chuyên ngành Tâm lý học. Phòng tư vấn luôn mở cửa trong suốt quãng thời gian học sinh có mặt ở trường sẵn sàng giải đáp, hỗ trợ xử lý những tình huống xảy ra trong học tập sinh hoạt của học sinh. Theo đội ngũ tư vấn, học sinh trung học cơ sở cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và sự sẵn sàng tâm lý để ứng phó có hiệu quả trước những tác động tiêu cực từ môi trường học đường. Với cách tiếp cận đó, mô hình phòng tâm lý học đường không tập trung nhiều vào các hoạt động trị liệu hay can thiệp mà chú trọng ở công tác dự phòng và can thiệp sớm. Yếu tố cốt lõi của mô hình này là không chỉ đánh giá hay trị liệu tâm lý, nhà tâm lý học đường còn phối hợp với giáo viên và phụ huynh để xây dựng và tập huấn cho học sinh các chiến lược hành vi thích hợp, các kỹ năng để ứng phó với mọi vấn đề trong cuộc sống.
Hầu hết các trường có nguồn kinh phí thấp chọn giải pháp bố trí giáo viên, hoặc cán bộ Đoàn có khả năng tư vấn tâm lý, hoặc mời chuyên gia theo định kỳ thực hiện tư vấn, trò chuyện giao lưu với các em theo các chuyên đề định sẵn, đưa ra những phân tích, lời khuyên thiết thực giúp các em giải tỏa được về mặt tinh thần, làm cho các em cảm thấy vững vàng, tự tin và trên cơ sở đó có thể tự giải quyết được vấn đề của mình theo hướng tích cực.
Chuyên gia tham vấn Vũ Thu Hà (Văn phòng tư vấn tâm lý Tuổi hồng) chia sẻ: Nắm bắt được tâm lý học sinh, chúng tôi thường trao đổi, trò chuyện với các bạn nhỏ về cuộc sống, giúp các bạn diễn đạt được suy nghĩ, tâm tư của mình thành lời. Nhiều bạn rơi vào tình trạng mâu thuẫn, giận dỗi với bố mẹ, bạn bè nhưng không có cơ hội để chia sẻ, không được giải tỏa khiến cho tâm lý tiêu cực tích tụ ngày càng nhiều lên, dẫn đến những phản ứng tiêu cực, hoặc đứa trẻ trở nên cục cằn thô lỗ với người thân bạn bè chung quanh, hoặc xa lánh, hoặc dễ nổi nóng, hay gây gổ... Tùy theo từng trường hợp cụ thể, người tư vấn tâm lý phải nắm bắt được những điểm mấu chốt của vấn đề để giúp các bạn trẻ tháo gỡ. Nếu tìm hiểu rõ ngọn ngành, các bạn nhỏ phản ứng như thế nào cũng có nguyên nhân, người lớn cần biết lắng nghe để hiểu con em mình, đừng vội chỉ trích, đừng vội kết tội con trẻ. Cảm nhận được sự thấu hiểu, tạo dựng được cảm giác tin cậy giúp bạn trẻ dễ dàng chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc.
Hiện nay, nếu chúng ta gặp bất cứ rắc rối gì trong cuộc sống, thấy cuộc sống bế tắc, mất lòng tin, chán nản, chỉ cần sử dụng công cụ tìm kiếm google trên mạng internet, người ta sẽ tìm được rất nhiều thông tin, địa chỉ tư vấn dưới nhiều hình thức, hầu hết trong số đó là miễn phí. Tuy nhiên giữa rừng thông tin chào mời đó, lựa chọn một địa chỉ tư vấn đáng tin cậy, hiệu quả trở nên khó khăn.
Nói về tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường hiện nay, đang trong quá trình hình thành, phát triển, các em rất có thể phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua. Đó là những vướng mắc khá phổ biến như căng thẳng trong học tập, các xung đột trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè; sự lúng túng trong định hướng nghề nghiệp; những vấn đề nảy sinh khi sử dụng internet... Nếu các em không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời, sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nếu nhẹ thì chán học, bỏ học; nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường, tự tử...
Tư vấn tâm lý học đường một mặt có thể giúp các em xử lý các vấn đề nảy sinh, mặt khác quan trọng hơn là thông qua hoạt động tư vấn tâm lý, có thể tổ chức ngăn ngừa bằng cách tăng cường khả năng thích ứng của HS trước các biến đổi của xã hội, tạo ra “khả năng miễn dịch” hay khả năng giải quyết tình huống phù hợp.
Hà Nội là một trong ít các địa phương đã xây dựng phòng tư vấn tâm lý ở một số trường học. Mô hình này được mở rộng hơn từ năm học 2014-2015, Hà Nội đã phối hợp với tổ chức quốc tế Plan để triển khai dự án Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng tại 20 trường THCS và THPT trên địa bàn. Từ lúc đi vào vận hành, tư vấn tâm lý là một trong những hướng hoạt động cơ bản, xuyên suốt.