Từ sức mạnh nội sinh của văn hóa

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần nhiều suy ngẫm của bà từ thực tiễn khảo sát, nghiên cứu về sức mạnh mềm văn hóa quốc gia cùng các lý thuyết liên quan.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

- Thưa bà, văn hóa và di sản là những trụ cột của sức mạnh mềm của quốc gia. Là đồng chủ biên của công trình nghiên cứu công phu Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bà vui lòng cho biết thêm về xuất phát điểm của nghiên cứu này?

- Cá nhân tôi luôn trăn trở: Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, với hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá. Nhưng tại sao chúng ta lại chưa phát huy hiệu quả, chưa chuyển hóa được thành các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có khả năng thu hút, hấp dẫn trên thị trường quốc tế? Để có lời giải, tôi bắt đầu tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia Đông Á. Thời gian dành cho hướng nghiên cứu ban đầu này bắt đầu từ năm 2005, khi tôi vẫn còn làm việc tại Phòng nghiên cứu văn hóa và lịch sử Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Những kết quả ban đầu của cá nhân tôi đã được trình bày tại Nhật Bản, xoay quanh việc lý giải ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đến Việt Nam từ điểm nhìn lý thuyết sức mạnh mềm văn hóa, trong tương quan so sánh với Nhật Bản (năm 2010). Tôi tiếp tục đề xuất hướng nghiên cứu mở rộng ra một số nước Đông Á khác, và từng bước soi chiếu vào Việt Nam. Sau đó, tôi đề xuất nghiên cứu chuyên sâu về khả năng phát huy sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tôi chuyển công tác về Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, để có điều kiện tập trung vào các vấn đề liên quan sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

- Từ thực tiễn quá trình nghiên cứu, bà có nhận xét gì về sự cải thiện nhận thức của xã hội ta nói chung, nhằm phát huy sức mạnh của văn hóa trong hội nhập và phát triển?

- Thời điểm năm 2005, thuật ngữ sức mạnh mềm văn hóa có lẽ vẫn còn xa lạ với Việt Nam mình, ngay trong giới nghiên cứu. Nhưng theo thời gian, tình hình này đã được cải thiện, nếu không muốn nói là được cải thiện một cách nhanh chóng. Sự tiếp nối nghiên cứu của tôi kể trên, với tài trợ, hỗ trợ của nhiều bên liên quan có thể xem là minh chứng.

Đến năm 2016, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29, trong đó đề cập việc phát huy "sức mạnh mềm" của đất nước, bắt đầu từ văn hóa, đã tạo thay đổi lớn trong nhận thức xã hội. Các chương trình nghiên cứu liên quan đã được thực hiện, trong đó có đề tài "Nhà nước liên quan trực tiếp đến sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam" do tôi chủ nhiệm, triển khai cùng một nhóm nghiên cứu. Đề tài có tên Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, bảo vệ thành công trong năm 2020. Từ kết quả này, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện chuyên khảo Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế để xuất bản thành sách trong năm 2021.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các kênh truyền thông cũng góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức xã hội về sức mạnh mềm văn hóa, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều bạn có thể chưa diễn đạt rành rẽ về bản chất của sức mạnh mềm văn hóa, nhưng họ đã thực hành theo tinh thần phát huy sức mạnh này, như là tạo ra các sản phẩm văn hóa tiêu dùng có sức hấp dẫn khách hàng quốc tế bởi vừa thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc vừa có sự tiếp biến để đan cài được mầu sắc và sức sáng tạo cá nhân dồi dào. Từ một bộ phim độc lập hay chiếc khăn, bộ lót cốc, cái túi, áo phông… đến những phong cách âm nhạc thể hiện hướng đi riêng của họ là những minh chứng sống động.

Gần đây, trong một dự án hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào Pà Thẻn tại xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, Hà Giang, chúng tôi đã chia sẻ và đồng hành cùng bà con, trong việc thực hiện các giải pháp thiết thực, để vừa gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, vừa có thể phát huy giá trị của bản sắc ấy khi kết nối với doanh nghiệp làm du lịch bền vững. Đồng bào Pà Thẻn không có chữ viết riêng nhưng có nhiều giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá, lưu giữ lịch sử dân tộc, như lễ nhảy lửa, hát giao duyên, nghệ thuật may vá tuyệt vời. Một bạn trẻ đã nói: "Trước đây, em như người mù về văn hóa của dân tộc mình. Nhưng từ khi tham gia dự án, em đã biết cách hát lên bài hát về tình yêu, về nguồn cội lịch sử; khi may một bộ trang phục, em hiểu thêm nhiều điều về dân tộc mình qua từng họa tiết…". Lời chia sẻ ấy thật sự đã chạm đến cốt lõi của sức mạnh mềm văn hóa: Sức hấp dẫn, thu hút và thuyết phục từ sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Nhận thức của từng người dân thay đổi theo hướng trân trọng, tự hào mọi nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Từ đó, sức mạnh mềm văn hóa của cả đất nước được hội tụ và lan tỏa mạnh mẽ.

Từ sức mạnh nội sinh của văn hóa ảnh 1
Lễ nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn là Di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: Khiếu Minh

- Bà ấn tượng với cách phát huy sức mạnh mềm văn hóa của quốc gia, vùng lãnh thổ nào hơn cả? Và theo bà, Việt Nam có thể tham khảo gì từ họ?

- Hàn Quốc đã chọn chuyển hướng tập trung phát triển công nghiệp văn hóa trong nước, tạo làn sóng văn hóa Hàn Quốc ra bên ngoài biên giới đất nước, để sức mạnh này lại tạo động lực cho xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp khác. Lựa chọn ấy có thể được coi là "lựa chọn sinh tử", khi đất nước này đứng bên bờ vực khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90, thế kỷ trước. Việc tập trung phát huy sức mạnh mềm quốc gia của họ được thể hiện nhất quán trong hành động - từ người đứng đầu chính phủ đến các tập đoàn kinh tế, công nghiệp, kinh doanh giải trí, các cơ quan liên quan và từng cá nhân trực tiếp tham gia, với tầm nhìn xa để kéo dài vòng đời của sản phẩm văn hóa. Triết lý và cách làm chỉn chu đến từng chi tiết của họ trong phát triển công nghiệp văn hóa là điều Việt Nam có thể học hỏi.

Canada lại có thể là hình mẫu về việc sử dụng sản phẩm văn hóa như một biên giới mềm với quốc gia láng giềng, thông qua việc định hình các trung tâm công nghiệp sáng tạo có sức hội tụ và lan tỏa văn hóa… Ở sát bên một đất nước có nền công nghiệp văn hóa ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn cầu, nhưng Canada vẫn chủ động, mềm dẻo trong phát triển hình ảnh văn hóa đa dạng của mình.

Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế là chuyên khảo dày hơn 500 trang do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành. Chuyên khảo có hai đồng chủ biên: PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương và TS Nguyễn Cao Đức, với sự tham gia của 19 chuyên gia trong nước và quốc tế.

- Đã qua một thời gian kể từ khi công trình được xuất bản và đến tay bạn đọc. Nhân đây, bà có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa xã hội của nghiên cứu này?

- Công trình này là nền tảng và cảm hứng, để các thành viên tiếp tục đóng góp tâm sức vào nhiều công việc khác nhau, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa của đất nước. Có bạn đi du học, trải nghiệm và làm sắc bén hơn tri thức của mình để trở lại quê hương cống hiến. Nhiều bạn khác tiếp tục tham gia định hình ở trong nước một mạng lưới các thành phố sáng tạo, nhằm góp phần định vị thương hiệu địa phương trong thương hiệu quốc gia, phát huy cao nhất sức mạnh mềm văn hóa tại địa phương, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Từ những mối liên kết, hợp tác quốc tế trong công trình này, chúng tôi gia tăng quảng bá văn hóa đất nước ra thế giới, thông qua nhiều hơn những hội thảo, triển lãm, sự kiện nghệ thuật ở bên ngoài Việt Nam, tiếp tục mời các chuyên gia sang giảng dạy, tư vấn, hỗ trợ hoạch định chính sách cho công nghiệp văn hóa Việt Nam. Từ nền tảng công trình nghiên cứu phổ quát này, chúng tôi hy vọng sẽ sớm có các nghiên cứu nhánh, đi sâu vào những vấn đề cốt lõi của phát huy sức mạnh mềm văn hóa, như công nghiệp văn hóa, ngoại giao văn hóa, truyền thông đa phương tiện... để đưa ra các khuyến nghị, giải pháp hoạch định chính sách phù hợp.

- Trân trọng cảm ơn bà!