Trở về nguồn cội để sải cánh bay xa

"Nguồn cội âm nhạc truyền thống đã cấp visa nghệ sĩ toàn cầu, đã giúp tôi có cơ hội sinh sống và làm việc tại môi trường nghệ thuật đỉnh cao tại châu Âu. Và từ đó quay lại thổi hồn đương đại vào những tinh hoa vốn cổ, qua lăng kính của riêng mình" - đây là chia sẻ của Ngô Hồng Quang, người chọn hành trình gian nan đưa tinh hoa âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra với bè bạn năm châu.

Ngô Hồng Quang (thứ tư, từ trái sang) trong dự án Xây những nhịp cầu ở Ascona, Thụy Sĩ, năm 2017. Ảnh: NVCC
Ngô Hồng Quang (thứ tư, từ trái sang) trong dự án Xây những nhịp cầu ở Ascona, Thụy Sĩ, năm 2017. Ảnh: NVCC

Những thanh âm và kỹ thuật chơi đàn môi, đàn k’ny, đàn tính, sáo, nhị, khèn H’Mông… những điệu xẩm chợ, chèo, ca Huế... là vốn cổ dân gian mà Ngô Hồng Quang chắt lọc sau năm tháng cần mẫn học hỏi trên nhiều vùng miền, đến với nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sở hữu bề dày văn hóa đồ sộ. Hòa quyện với world music, tất cả đường hoàng bước lên nhiều sân khấu lớn để chinh phục những đối tượng khán giả quốc tế khó tính nhất. Tất cả đủ sức thuyết phục nhiều nghệ sĩ có tên tuổi quốc tế cùng chung tay trong những dự án với biên độ sáng tạo không giới hạn, mở ra đối thoại âm nhạc Đông-Tây sòng phẳng, độc đáo và ấn tượng.

Thưởng thức những sản phẩm âm nhạc đậm đặc cá tính Ngô Hồng Quang, khán giả luôn có cảm giác anh là một "đầu bếp" đặc biệt tài năng. Trụ vững trên cái nền vốn cổ dân gian chắc khỏe, "nhón" chút chất liệu này, "gia giảm" nhạc cụ kia, "nêm nếm" vài ba sắc màu đương đại là có ngay "món đặc sản" chiêu đãi bè bạn năm châu bốn biển. Anh hòa giọng cùng nghệ sĩ Onno Krijn trong bài xẩm chợ Mục hạ vô nhân, song ca với Jean Marie Frederic rồi Leoni Jansen trong hai ca khúc Nếu gặp lại nhau và Tiếng Việt… Anh làm mới những làn điệu quan họ quen thuộc như Ngồi tựa mạn thuyền, Thả lái buông chèo hay Đêm qua nhớ bạn theo phong cách acapella với sự trợ giúp của beatboxer, được ngũ tấu đàn dây đồng hành vì "những kỹ thuật vuốt - rung - nhấn - luyến của nhạc cụ phương Tây hóa ra hoàn toàn phù hợp để kết nối, cộng hưởng với những làn điệu mềm mại uyển chuyển của dạng thức hát đối dân gian trữ tình vùng Kinh Bắc". Hay thể hiện những sáng tác cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam kết hợp cùng đàn santu và bộ gõ do hai nghệ sĩ Iran và Senegan trình tấu… Có thể nói, Ngô Hồng Quang đã nhập tư duy đương đại của thế giới vào vốn cổ Việt Nam, hoặc nói cách khác là đưa chất liệu truyền thống vào không gian đương đại bằng phương thức sáng tác mà anh giản dị định danh là "nhạc của tôi".

"Khi sáng tác, tôi không dựa trên một trong những hệ thống: ngũ cung (năm âm) của âm nhạc dân tộc, bảy âm hoặc 12 âm của quy chuẩn phương Tây dù đã nghiên cứu, nắm vững tất cả những niêm luật đó. Tôi chọn cách hòa trộn cả ba, đi chệch một chút ra khỏi âm chuẩn, theo kiểu "phi phô bất thành dân tộc" như đưa vào một số nốt thấp hơn vốn đã định hình nét đặc trưng cho âm nhạc truyền thống của ta. Kết hợp với phần hòa âm-phối khí-hòa thanh của riêng tôi, "nhạc của tôi" mang màu sắc riêng biệt, không giống với bất kỳ ai. Tôi áp dụng cách thức đó trong những sáng tác tiêu biểu như Ông Trời, Thuận pháp (Top 10 tác phẩm hay nhất trong Liên hoan sáng tác nhạc đương đại Đông Nam Á được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan năm 2013) hay Đêm qua nhớ bạn trong album Nam nhi... Ở nước ngoài, yếu tố duy nhất, độc đáo này được họ tôn vinh, đánh giá rất cao. Qua những sản phẩm của tôi, khán giả nhìn thấy quá khứ-hiện tại đồng hiện. Giờ thì biên độ sáng tạo của tôi là không cùng, khi ngày càng tiệm cận ngưỡng toàn cầu hóa, khi có thể dùng âm nhạc dân tộc "đối thoại" bình đẳng với tinh hoa của mọi nền văn hóa, nếu có ý tưởng hấp dẫn". "Nhạc của tôi" - qua lời giải thích của Quang có hình hài độc đáo như thế.

Những tháng ngày lưu diễn nước ngoài, rồi khoảng thời gian quý giá tận dụng tối đa hai học bổng toàn phần của Nhạc viện Hoàng gia Hà Lan cho hai khóa học về sáng tác âm nhạc đương đại và hoàn thiện đề tài "sử dụng văn hóa, nhạc tính của người H’Mông vào tác phẩm mới" đã giúp Quang nhận ra con đường mình muốn đi. "Mỗi lần đưa được tác phẩm hoặc chất liệu âm nhạc dân tộc vào một không gian mới như jazz, world music hay nhạc đương đại phương Tây, tôi thấy mình như được hồi sinh bởi tinh hoa vốn cổ lại có thêm một cơ hội được đối thoại, sẻ chia với những nền văn hóa đa dạng khác" - anh tâm sự.

Đi để học hỏi, đi để hòa nhập dòng chảy đương đại toàn cầu. Đi để thấy đất trời cao rộng, để nhìn nhận được chân giá trị kho tàng di sản vô giá mà ông cha để lại cho muôn đời hậu thế. Đi để tự tin trở về, để chọn lựa con đường "đi đến tận cùng cái của ta thì sẽ gặp nhân loại". Chọn nguồn cội dân tộc làm điểm tựa, Ngô Hồng Quang đã đi được những bước vững chãi, trên hành trình nối nhịp cầu Đông - Tây, như một sứ giả văn hóa đích thực.