Những ngày này, lịch trình hoạt động của Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt luôn dày đặc các cuộc hẹn: phỏng vấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề… Vị tướng già đã sắp bước sang tuổi 85 có một trí nhớ mẫn tiệp. Là người trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn Tên lửa 261, Sư đoàn Phòng không 361) trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử ấy, ông nhớ rõ cả hành trình chuẩn bị, những bàn thảo và điều chỉnh kịp thời để có thể vạch ra được cách đánh B-52 gây ngạc nhiên cho ngay cả các chuyên gia Liên Xô có mặt tại Việt Nam thời ấy.
- Từ trận đầu bắn rơi B-52, ngày 17/9/1967, những kinh nghiệm đánh B-52 tại chiến trường, khi đưa vào áp dụng tại một số địa phương ở miền bắc và Hà Nội, tháng 4/1972, lại phát sinh nhiều vấn đề không hợp lý. Thí dụ như, ở chiến trường chúng tôi đánh từ cự ly 40-45km, rồi đánh bồi tiếp cho đến khi bắn trúng. Nhưng ở Hà Nội, lúc đầu vẫn giữ cách đánh đó, cự ly xa nên nhiễu còn rất dày đặc, không phát hiện chính xác được. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định để cho B-52 vào gần hơn mới đánh.
Tuy nhiên, cũng vì vậy mà có ý kiến cho rằng tên lửa toàn đánh trúng B-52 khi đã cắt hết bom. Lý do là thế này: các đơn vị tên lửa đều được bố trí ôm lấy Hà Nội, không có đủ lực lượng để bố trí kéo giãn ra, mà lại xác định đánh gần cho chắc chắn, nên khi bắn trúng B-52 thì hầu hết đã đến vị trí ném bom, và đã thả hết bom rồi. Nhưng cũng có một số trường hợp B-52 bị bắn rơi vẫn còn bom, nên nói hoàn toàn không còn bom là chưa chính xác. Thí dụ: chiếc B-52 rơi ở hồ Hữu Tiệp vẫn còn bom- do đơn vị bên Đại Chu-Bắc Ninh bắn trúng, hay chiếc do chúng tôi bắn rơi ở Hòa Bình, tại chợ Bến, chợ Ba Thá thì vẫn còn bom, khi rơi xuống vẫn nổ. Còn như chiếc ở Định Công, hay chiếc bị bắn trúng rồi rơi ở Thái Bình đúng là hết bom, chiếc rơi ở chợ Tương Mai... cũng đã thả hết bom.
Cũng cần nhìn nhận là do lưới lửa phòng không của ta đánh rất mạnh, cả tên lửa và các loại pháo cao xạ, nên máy bay địch phải lo đối phó nên cắt bom không chính xác, nếu không thì Hà Nội có thể còn thiệt hại nặng hơn nữa.
- Thưa ông, về con số B-52 bị thiệt hại trong 12 ngày đêm lịch sử ấy, có một số ý kiến cho rằng, con số giữa ta và Mỹ còn có sự chênh lệch?
- Điều đó là do phía Mỹ không công nhận số máy bay bị ta bắn trúng nhưng không rơi tại chỗ. Như có một chiếc bị đơn vị tôi bắn trúng, nhưng lại rơi bên Lào, mãi sau này, khi cùng phối hợp đi tìm kiếm hài cốt lính Mỹ bị chết tại Việt Nam, phía Mỹ mới công nhận điều đó. Tình báo Mỹ còn biết rõ phiên hiệu đơn vị và cả tên tôi- tiểu đoàn trưởng.
- Nói như vậy thì hoạt động tình báo của Mỹ đã nắm chắc về lực lượng phòng thủ của ta, tại sao Mỹ lại chủ quan đến vậy trong những ngày đầu tiến hành chiến dịch Lineback II, thưa ông?
- Một phần do ta ngụy trang kỹ. Địch toàn đánh đêm là để loại trừ Mig của ta, còn tên lửa thì chúng lại coi thường vì trước đó đánh nhiều trận không thắng.
Sau mấy ngày đầu bị thiệt hại nặng, địch có thay đổi đường bay, nhưng ta cũng đã phán đoán trước và nghiên cứu rất kỹ phương án đối phó. Đồng thời, do công tác tình báo của ta rất tốt, nên khi B-52 cất cánh là ta đã biết, lực lượng ta lập tức vào báo động cấp 1.
Nói thêm về chuyện ngụy trang, những ngày đầu chúng tôi còn làm cả mô hình tên lửa giống hệt như thật, sau khi tên lửa ta xuất trận, bắn rơi B-52 xong thì lập tức di chuyển trận địa, nhưng chúng tôi lắp mô hình tên lửa thế vào vị trí đó, ngụy trang sơ sài để nghi binh. Địch cho máy bay do thám, hai ngày sau cho rất nhiều máy bay F các loại đến tập trung đánh trận địa giả đó, ta bố trí nhiều đơn vị cao xạ chung quanh, bắn rơi được 5 chiếc F. Các chuyên gia Liên Xô cũng ngỡ ngàng trước mưu trí của bộ đội Việt Nam.
- Liệu đó có phải là nguyên do của câu chuyện được lan truyền rộng trong nhân dân, rằng: bộ đội Việt Nam sáng kiến, đặt cả tên lửa lên bệ phóng bằng tre để bắn, thưa ông?
- Còn có nhiều câu chuyện được thêu dệt ly kỳ hơn nữa. Nên tôi muốn khẳng định lại như thế này: Liên Xô cung cấp khí tài cho Việt Nam. Các chuyên gia Liên Xô dạy bộ đội ta cách sử dụng và cùng bộ đội ta ứng dụng các kỹ thuật để đánh cho hiệu quả. Qua thực tế chiến đấu, bộ đội ta đã phát hiện và đề xuất nhiều cải tiến để chuyên gia Liên Xô thực hiện. Theo đó, chuyên gia Liên Xô đã thực hiện chín lần cải tiến lớn, 13 lần nhỏ. Nhiều đề xuất của bộ đội ta đã được chuyên gia Liên Xô điều chỉnh trong thiết bị mang lại hiệu quả cao trong thực tế, như nút bấm điều khiển mở ngòi nổ tên lửa (kỹ thuật bắn 11,5 giây chậm), công tắc phát tín hiệu tên lửa nhử máy bay F của địch (loại máy bay vốn rất sợ tên lửa), bật công tắc phát sóng, bọn F nháo nhào chạy, nhiễu của nó khác, mình nhìn vào đó để phát hiện vị trí máy bay trong dải nhiễu… Chứ khí tài của người ta, mình chưa đủ trình độ kỹ thuật để tự tiện can thiệp vào.
Chuyên gia Liên Xô, ông Anatoly Ivanovich Khiupenen, Thiếu tướng, trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô tại Việt Nam đến mãi năm 1975, có nói ở Bộ Tư lệnh Binh chủng như thế này: Chúng tôi trao khí tài tên lửa cho bộ đội Việt Nam như trao nó cho những bàn tay vàng, khối óc vĩ đại.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử ấy, bộ đội tên lửa phòng không đã đánh 192 trận, tiêu thụ 334 quả đạn tên lửa, tiêu diệt 36/81 máy bay các loại, trong đó có 29 máy bay B-52. Riêng trên bầu trời Hà Nội, tên lửa đã đánh 134 trận, tiêu thụ 241 quả đạn tên lửa, tiêu diệt 25 máy bay B-52, có 16 chiếc rơi tại chỗ và một F.4.
★★★
Lập thành tích ngay từ trận mở màn chiến dịch, nhưng đến trưa 28/12, Tiểu đoàn 57 bị địch phát hiện và dùng máy bay oanh tạc, thả đủ loại bom phá, bom bi, phá hỏng khí tài, cùng thời điểm với Tiểu đoàn 77. Một chiến sĩ hy sinh, bốn người bị thương. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt khi đó cùng các đồng đội được lệnh thu dọn chiến trường, kéo khí tài hỏng đưa lên Hòa Bình để sửa chữa và đến ngày 30/12 thì hành quân vào Nghệ An để nhận bộ khí tài mới. Đó cũng là ngày phía Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, cũng là chính thức công nhận thất bại của chiến dịch hủy diệt bằng đường không nhằm "đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá".
Có một điều ông không biết, là sau đó ít ngày, cậu em trai của vợ ông tìm đến trận địa ở Hà Nội, thì thấy một bãi đất tan hoang, hỏi thăm khắp nơi cũng không có thông tin chính xác. Cả gia đình đau đớn, và đã lập bàn thờ ông, hương khói… Cho đến sau Tết một thời gian, khi ông trở ra bắc.
"Cuộc chiến đó, nếu không có không quân và tên lửa thì không đánh B-52 được. Nhưng sự huy động tất cả các lực lượng, sắp xếp hợp lý, từ chính quy đến dân quân tự vệ, từ pháo cao xạ đến súng 12 ly 7… đã tạo nên một lưới lửa phòng không huyền thoại, và nhờ đó mà làm nên chiến thắng"- vị tướng già, trong buổi chiều cuối năm nắng lạnh, ở dấu mốc nửa thế kỷ nhìn lại, tâm đắc khẳng định.