Từ Tuyên bố Glasgow tới những hình mẫu bền vững

Không chỉ là “hành động”, mà còn phải là “hành động ngay lập tức”. Tuyên bố Glasgow - được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) - đánh dấu sự đồng thuận giữa các bên liên quan ngành du lịch toàn cầu, về khả năng của ngành trong việc áp dụng lộ trình carbon thấp cũng như mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030, tiến tới phát thải ròng hạ xuống mức 0 vào năm 2050.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vườn thẳng đứng - niềm tự hào của khách sạn Oasia (Singapore).
Khu vườn thẳng đứng - niềm tự hào của khách sạn Oasia (Singapore).

Một tiến trình chung đã được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) phác thảo qua Báo cáo thực hiện Tuyên bố Glasgow lần đầu (năm 2023). Báo cáo trình bày kết quả của một đánh giá có hệ thống, về tất cả các bản cập nhật tiến độ từ các bên tham gia ký kết Tuyên bố Glasgow. Nó thể hiện sự nghiêm túc của ngành du lịch quốc tế, trước đòi hỏi hành động nhằm chặn đứng các hệ lụy từ tình trạng biến đổi khí hậu cũng như ô nhiễm môi trường - “kẻ thù” của “ngành công nghiệp không khói”.

Thực tế, kể từ COP25 năm 2019, UN Tourism đã tham gia hội nghị cấp cao này hằng năm. Để hỗ trợ các bên liên quan, tháng 3/2023, UN Tourism công bố báo cáo Hành động về khí hậu trong ngành du lịch: Tổng quan về phương pháp và công cụ đo lường khí thải nhà kính, qua đó xây dựng những cơ sở đo lường và tiêu chí đánh giá cụ thể cho lĩnh vực hẹp này. Báo cáo được xây dựng với sự hỗ trợ của Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng Liên bang Đức (BMU), và được phát hành với sự hợp tác của UN Climate Change (UNFCCC - Cơ quan Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu).

Tháng 3/2024, UN Tourism tiếp tục cung cấp Hướng dẫn về chính sách có thêm sự hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP). Bản Hướng dẫn chính sách này được xây dựng nhằm hỗ trợ các cơ quan chính phủ chuyên trách, trong việc xây dựng các chính sách và sáng kiến ​​hành động, cũng như cung cấp các hình mẫu tiêu biểu trên khắp thế giới, về định hướng Du lịch Net Zero.

Singapore, quốc gia láng giềng của chúng ta trong khu vực Đông Nam Á, là một thí dụ điển hình và mẫu mực. Trong thực tiễn, bao trùm lên cả khái niệm “Du lịch Net Zero”, Singapore đã xây dựng cả một thiết chế phát triển bền vững với các trụ cột “kinh tế xanh”. Từ năm 2021, Kế hoạch Xanh Singapore 2030 đã nêu ra các mục tiêu cụ thể, phù hợp Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris, nhắm tới đích hạ mức phát thải ròng xuống bằng 0 vào năm 2050.

Các mục tiêu chính theo Kế hoạch xanh của Singapore bao gồm: Tăng thêm 1.000 ha không gian xanh vào năm 2035; tăng gấp năm lần mức triển khai năng lượng mặt trời; và tăng sản lượng lương thực địa phương để đáp ứng 30% nhu cầu của cả nước. Nói cách khác, đây là một kế hoạch tổng thể, toàn diện, đầy tham vọng, mà trong đó du lịch bền vững là một bộ phận cấu thành, cũng được hưởng lợi rất nhiều từ quyết sách này.

Sau ba năm triển khai, Singapore đã có thể tự hào tuyên bố: “Việc tham dự bất cứ sự kiện nào tại quốc gia của chúng tôi đều không phải trả giá đắt cho môi trường”. Bên cạnh chuyện có thể di chuyển khắp đảo quốc Sư tử bằng xe điện, tổ chức các cuộc họp tại vô số tòa nhà đã được trao chứng nhận Green Mark (Giá trị Xanh), các vị khách cũng có thể thoải mái lựa chọn nơi lưu trú phù hợp ngân sách, từ số lượng lớn các khách sạn xanh.

Đơn cử, chuỗi khách sạn lớn như Pan Pacific Hotels Group đã cải tạo các cơ sở hiện có, để đưa vào các tính năng giúp giảm lượng điện sử dụng. Họ cũng cung cấp gói tổ chức hội nghị với các vật dụng ghi chép thân thiện với môi trường, cùng bữa trưa từ các nguyên liệu có nguồn gốc địa phương (nghĩa là không phát thải do vận chuyển quãng đường xa). Một khách sạn khác, Hilton Orchard Singapore, từ năm 2009 đã sử dụng LightStay, một nền tảng toàn cầu phục vụ công tác đo lường năng lượng, nước và chất thải, cho phép khách sạn quản lý tác động của họ đối với môi trường và xã hội. Hilton cũng đã được Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu (GSTC) công nhận tiêu chuẩn từ năm 2019.

Đối với các thương hiệu địa phương, Oasia Hotel Downtown hiện có một khu vườn thẳng đứng khổng lồ, giúp tái tạo đa dạng sinh học và giảm nhiệt độ trong tòa nhà. Những sáng kiến giàu tính thực tế như thế này chính là điều Singapore hướng đến, bởi hiệu quả to lớn và bền vững mà chúng mang lại.

Tại châu Âu, khu vực Scotland cũng là một hình mẫu Du lịch Xanh đáng chú ý. Tại xứ sở của những loại rượu whisky danh tiếng này, thí dụ, những chai rượu nổi bật của nhà chưng cất Eden Mill được cố ý thiết kế giảm kích thước, nghĩa là giảm lượng chất thải và sử dụng ít hơn gần 20% lượng thủy tinh, so trước đây. Hoặc, nhà hàng Mharanta tại Glasgow hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp thực phẩm và đồ uống địa phương (bao gồm Macsween Haggis, Graham’s Dairy và The Fish People), đồng thời chuyển các đơn đặt hàng mang đi sang bao bì được làm từ chiết xuất nước ép và mía.

Cũng có thể nhắc tới Vườn bách thảo Dawyk - vườn bách thảo trung tính carbon đầu tiên của Vương quốc Anh. Được cung cấp năng lượng từ thủy điện, không gian này có một “mái nhà xanh”, nhằm giữ lại hơi ấm do lò hơi sinh khối cung cấp, từ đó tránh lãng phí năng lượng bị khuếch tán. Hay lâu đài Inverraray, một lâu đài lãng mạn thế kỷ 18, nơi đặt ra các điều lệ cho khách tham quan nhằm tuân thủ hệ thống quy tắc bảo vệ môi trường. Trong khi đó, công ty du lịch Orkney cung cấp các tour du lịch bằng xe tải chạy hoàn toàn bằng điện, cũng có thể dùng làm xe cắm trại. Argyll, một đơn vị tổ chức tour đi bộ, thì quyên góp cho Trees for Life, một tổ chức hoạt động nhằm khôi phục lại khu rừng Caledonian cổ đại ở cao nguyên Scotland.

Ở khu cắm trại Lochranza đẹp như tranh, du khách có thể lưu trú tại một trong những khoang cách nhiệt. Nơi đây có mức thuế năng lượng xanh 100%, và đã thực hiện các bước để tăng cường đa dạng sinh học, giúp không gian tràn ngập hươu nai, chim, hoa dại, ong và sóc đỏ. Còn tại Burmieston Farm, rất nhiều nhựa tái chế và len cừu được sử dụng để cách nhiệt, bên cạnh hệ thống năng lượng mặt trời.

Ngành du lịch Scotland cũng có cả một “Đường mòn UNESCO”, làm nổi bật các doanh nghiệp bền vững, trong một hành trình khám phá thân thiện với môi trường. Trong đó, ngoài những địa điểm nêu trên, du khách còn có thể qua phà Pentland - nơi sử dụng ít hơn 65% năng lượng và thải ra ít hơn 62% khí CO2 so các tàu phà cùng kích thước.