Để tưởng nhớ nhà thơ, tháng 5-2004, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia cho ra mắt bạn đọc Tập sách: “Tố Hữu - người cộng sản trung kiên, nhà văn hóa tài năng”.
Tố Hữu được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”, “người có công đầu xây dựng nền thơ ca cách mạng Việt Nam”,”một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng - Nghệ thuật - Tình yêu”, “một viên ngọc trong nền văn hóa Việt Nam”, “nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn cách mạng”, v.v.
Xuyên suốt các tập thơ Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, Một tiếng đờn, Tố Hữu xứng đáng được tôn vinh như thế và nhiều hơn thế nữa.
Nay viết về Tố Hữu, qua lời các tác giả tập sách, tôi xin nêu thêm một số cảm nhận tự đáy lòng mình.
Từ ấy có thể được coi là Tuyên ngôn về cuộc sống của nhà thơ - một học sinh 16 tuổi đã tham gia cách mạng, 17 tuổi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, 19 tuổi bị thực dân Pháp bắt đi đày...
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Mặt trời chân lý ấy không gì khác là lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và tinh thần yêu nước thiết tha mà Đảng đã gieo vào lòng người chiến sĩ trẻ.
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
... Tôi đã là con của mọi nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha...
Và cũng từ ấy, Tố Hữu dấn thân vào con đường cách mạng, vừa làm cách mạng vừa làm thơ, làm thơ để làm cách mạng và làm cách mạng để làm giàu nguồn cảm hứng cho thơ.
“Trong thơ Tố Hữu, nét nổi bật đáng quý là sự nhất trí. Nhất trí giữa đời sống và nghệ thuật. Nhất trí giữa tình cảm, tư tưởng và hành động. Nhất trí giữa con người với thời đại, với tập thể”.
... “Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau”
Đó là nhận xét của nhà văn hóa bậc thầy Đặng Thai Mai.
Nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Tố Hữu là một nhà thơ có lý tưởng”. Giữa bao ngọn cờ sai lạc dưới thời Pháp thuộc, anh là lá cờ Đảng nêu lên thành thơ cái lý tưởng, cái triết học, cái lối sống đúng đắn duy nhất lúc bấy giờ:
Đã vay dòng máu thơm thiên cổ
Phải trả ta cho mạch giống nòi
Và Tổ quốc! “Lý tưởng ấy khiến cho nhà thơ luôn luôn nghe được bên tai tiếng gọi Tổ quốc, tự mình biến thành tiếng gọi ấy để thức tỉnh lòng người”.
Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng, khi đối diện phong trào Thơ mới đang thịnh hành, “Tố Hữu đứng trước hai con đường làm thơ: thơ lãng mạn cách mạng và thơ lãng mạn không cách mạng. Từ khi được Đảng giác ngộ: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim, Tố Hữu đã bước vào con đường làm cách mạng và con đường làm thơ cách mạng”.
Xuân Diệu, một kiện tướng trong phong trào Thơ mới, từng có những bài thơ về tình yêu làm xao xuyến trái tim của biết bao chàng trai, cô gái và một thời nổi danh ông “vua” của thơ tình lãng mạn. Tố Hữu há không xứng đáng được phong danh “ông hoàng” của thơ tình yêu lãng mạn cách mạng sao?
Nhà báo lão thành Hoàng Tùng, người nhiều năm cùng Tố Hữu giữ vai trò lĩnh xướng của dàn đồng ca tư tưởng, văn hóa và báo chí viết: “Thời gian đời người chẳng được là bao, hơn nhau hai chữ anh hào mà thôi. Tố Hữu là một anh hào và là một nhà thơ. Anh để lại cho đời hơn nhiều người của chúng ta với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và di sản thơ văn...”.
Nhà thơ Tố Hữu (thứ hai bên trái) thăm đập Cam Ly Thượng.Ảnh: TƯ LIỆU
Nhà lãnh đạo văn học, nghệ thuật Hà Xuân Trường khẳng định: “Với tư cách là người làm việc lâu năm với anh, tôi muốn nói một điều: Yêu dân, yêu nước, yêu Đảng, yêu Bác, yêu người thân, yêu bạn bè, tình yêu bao la không bờ bến... Thời gian qua đi, tất cả đều có thể nhạt nhòa, chỉ có tình thương yêu con người và sự tôn trọng phẩm giá con người là tồn tại mãi mãi với thời gian. Phẩm chất ấy là cốt lõi của thơ Tố Hữu, của nhà cách mạng Tố Hữu, của phong thái Tố Hữu:
Con người hai tiếng đơn sơ
Tự bao giờ đến bây giờ mai sau
... Trăm năm ngắn lắm người ơi!
Thương nhau cho nở nụ cười cùng hoa
Cho ta hạnh phúc cùng ta
Đời người không thể lại là kiếp con!
Với đất nước và dân tộc, Tố Hữu không chỉ nhìn hiện tại mà “Trông lại ngàn xưa, trông tới mai sau”. Để rồi tìm thấy sự đồng cảm về những “câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình” của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du.
Với Bác Hồ, có lẽ không ai trong chúng ta không thuộc ít nhất một bài thơ của Tố Hữu viết về Người.
Người là Cha, là Bác, là Anh
Trái tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ
... Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa.
“Tố Hữu là nhà thơ Việt Nam viết hay nhất về Bác Hồ, tình cảm của anh đối với lãnh tụ được coi là tình cảm đại biểu cho toàn dân. Tố Hữu xứng đáng với sự ngưỡng mộ và biết ơn của công chúng văn học hơn ai hết”. Một nhà thơ thời cách mạng của chúng ta quả quyết như vậy.
Với Đảng và Thơ, ở tuổi gần 70, Tố Hữu vẫn nồng nàn tâm sự:
Thuyền còn vượt sóng không nghiêng ngả
Nghĩa lớn xuôi dòng lộng ước mơ
Mới nửa đường thôi, còn bước tiếp
Trăm năm duyên kiếp Đảng và Thơ.
Tố Hữu là một “nhà thơ lớn”. Không phải riêng giới văn học nghệ thuật mà cả trong xã hội nói chung, danh xứng ấy được thừa nhận như điều hiển nhiên. Thế mà trong bài tưởng nhớ nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi chỉ ghi: “Vĩnh biệt nhà thơ của cách mạng”. Anh cắt nghĩa: “Có lần một người bạn gọi anh là nhà thơ lớn của cách mạng. Anh đã mỉm cười và chỉ nhận mình là một nhà thơ của cách mạng”. Phải chăng người bạn ấy chính là Nguyễn Đình Thi?
Tố Hữu là thế đấy. Không bao giờ tự đề cao, tự khen thơ mình. “Bây giờ có người bảo thơ tôi chỉ là “thơ thời sự”, tôi đồng ý ngay vì khi làm thơ, tôi đâu có mơ nó tồn tại thiên thu. Lại có người nói thơ tôi là loại “thơ phải đạo”. Tôi bảo họ, anh nói không sai vì cổ nhân nói “văn dĩ tải đạo” (văn là để chở đạo), vậy tôi cũng chỉ làm thơ theo lời dạy của cổ nhân thôi. Xét cho cùng, riêng cho tôi thì chẳng có gì đáng nói, nhưng tôi không biết lớp trẻ bây giờ có hiểu sai lạc thời kỳ đẹp nhất của văn nghệ nước ta?” - Tố Hữu tâm sự như vậy.
Tố Hữu lớn trong tư cách nhà thơ, lớn cả trong vai trò nhà lãnh đạo chủ chốt mặt trận tư tưởng, văn hóa văn nghệ nước ta trong thời gian dài - suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước và nhiều năm sau này. Là người hăm hở trong xây dựng nền văn hóa, văn nghệ nhân dân, cũng là người say mê trong xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, một nền văn hóa mang đậm tính dân tộc, tính tiên tiến và tính nhân văn. Tố Hữu rất coi trọng việc khai thác và phát huy các vốn cổ dân tộc, những loại hình văn học nghệ thuật dân gian, cổ truyền của cộng đồng, của từng dân tộc và từng địa phương.
Những đóng góp của Tố Hữu vào văn học, nghệ thuật nước nhà thật đáng trân trọng, đáng tự hào.
Ấy vậy mà... khép lại đời mình ở tuổi 82, Tố Hữu chỉ để lại mấy dòng thơ ngắn ngủi:
Tạm biệt đời ta yêu quý nhất
Còn mấy dòng thơ, một nắm tro
Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất
Sống là cho. Chết cũng là cho.
Đây là tấm lòng? Là triết lý sống? Hay cả hai?
Tố Hữu tạm biệt đời, nhưng vẫn còn có mặt dài lâu với đời. Nhà thơ để lại cho đời nhiều hơn rất nhiều những gì nhà thơ nói.
Tháng 10-2015