Tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử

Bộ Tư pháp vừa quyết định tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND)".

Nội dung thi tìm hiểu về các quy định của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015; một số quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có liên quan đến bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND. Cuộc thi nhằm hưởng ứng cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, phát huy tinh thần chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật. Đồng thời, nâng cao hiểu biết về pháp luật, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ 0 giờ ngày 1-4 đến 24 giờ ngày 30-4 tại địa chỉ thitimhieuphapluat.moj.gov.vn hoặc truy cập Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp; Trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử Quốc gia; Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; Truyền hình QH Việt Nam; Báo Điện tử Đại biểu nhân dân và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử.

Hà Nội thí điểm mô hình trục vớt, cứu hộ cứu nạn trên sông Hồng 

Gần đây, tình hình thủy văn trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố nói chung và đoạn sông Hồng qua huyện Mê Linh nói riêng diễn biến phức tạp, mực nước sông xuống thấp bất thường, luồng lạch thay đổi không theo quy luật dẫn đến các phương tiện lưu thông bị mắc cạn, gây ùn tắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn, chìm đắm phương tiện giao thông đường thủy. Hiện chưa có doanh nghiệp nào được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp trong công tác cứu hộ, cứu nạn, nhưng lại xuất hiện một số nhóm tự phát tổ chức hoạt động gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến các hoạt động vận tải đường thủy tại khu vực này.

Từ thực tế đó, UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất chủ trương giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu thực hiện thí điểm mô hình trục vớt, cứu hộ, cứu nạn trên sông Hồng đoạn qua huyện Mê Linh để giải quyết vấn đề cấp bách trên.

Xây dựng bộ ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng bộ ảnh chuyên đề "Sắc màu các dân tộc Việt Nam". Dự kiến trong tháng tư, Ban Tổ chức sẽ thông báo đến các đơn vị liên quan, các nghệ sĩ nhiếp ảnh để mời tham gia. Bộ ảnh gồm khoảng 200 bức ảnh giới thiệu đầy đủ 54 dân tộc của Việt Nam, sẽ được hoàn thành trong tháng 11-2021.

Việc xây dựng bộ ảnh nhằm thiết thực phục vụ công tác giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá của Nhà nước trong các dịp lễ hội, các sự kiện lớn, các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước.

Đà Nẵng sẽ xây mới gần mười nghìn căn nhà giá rẻ cho người nghèo 

Thành phố Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ đầu tư gần tám nghìn tỷ đồng xây mới gần mười nghìn căn nhà ở xã hội cho người nghèo. Riêng nhà ở do người dân tự xây dựng, trong năm năm tới, TP Đà Nẵng có kế hoạch hỗ trợ, cải tạo xây mới, bảo đảm các tiêu chuẩn tối thiểu với số lượng dự kiến 24.200 căn nhà.

Việc xác định xây gần mười nghìn căn nhà ở xã hội là một trong những chủ trương đúng đắn của Đà Nẵng nhằm giúp người lao động khó khăn, người nghèo, gia đình chính sách có cơ hội tiếp cận nhà ở giá rẻ, để người lao động an tâm sinh sống, từ đó tham gia tích cực vào lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Thành phố Cà-phê tiên phong thực hiện sáng kiến trồng cây

Khởi công từ đầu năm 2018, dự án Thành phố Cà-phê tại trung tâm Buôn Ma Thuột được Tập đoàn Trung Nguyên Legend đầu tư xây dựng. Với tầm nhìn trở thành đô thị lõi của Tây Nguyên, Trung Nguyên Legend chú trọng lựa chọn các đối tác hợp tác phát triển từ quy hoạch, thiết kế kiến trúc, xây dựng...

Ngay từ khi khởi động dự án, Trung Nguyên Legend đã khởi xướng, kêu gọi cộng đồng trồng cây xanh tại Thành phố Cà-phê liên tục bốn năm liền vào ngày mồng 9 tháng Giêng hằng năm. Hàng nghìn cây xanh đã được trồng trên các tuyến đường nội khu của dự án theo quy định quản lý cây xanh đô thị. Hoạt động trồng cây xanh thường niên không chỉ trở thành một nét đẹp văn hóa dành cho cư dân Thành phố Cà-phê mà còn giúp định vị Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến văn hóa, bản sắc của vùng Tây Nguyên.

Mạnh Trường (Tổng hợp)