Tìm cơ hội tại thị trường nội địa

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng giảm sút, việc quay trở về khai thác thị trường nội địa là giải pháp giúp doanh nghiệp Việt tiêu thụ hàng hóa, tránh phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, "sân nhà" gần thì thật gần, mà xa cũng thật xa!
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp thủy sản đang quan tâm đến thị trường trong nước. Ảnh: Hoàng Vũ
Nhiều doanh nghiệp thủy sản đang quan tâm đến thị trường trong nước. Ảnh: Hoàng Vũ

Quay về chinh phục "sân nhà"

Đầu tiên phải nói đến sự linh hoạt của các "ông lớn" xuất khẩu ngành dệt may trước tình thế đơn hàng từ các thị trường chính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ bị sụt giảm mạnh. Để mở rộng thị phần trong nước, Tổng công ty cổ phần May 10 tập trung đưa công nghệ và quy trình giám sát chất lượng chặt chẽ vào khai thác dòng thời trang công sở đi đôi với liên tục cập nhật xu hướng tiêu dùng. Riêng với lĩnh vực thời trang bán lẻ trên thị trường nội địa, May 10 hiện có hơn 20 nhãn hiệu các loại như: May10 Classic, Cleopatra, Eternity GrusZ, May10 Expert,... Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết, doanh nghiệp này đang đẩy mạnh kênh phân phối, quảng bá thương hiệu qua hệ thống gần 200 cửa hàng, đại lý trên toàn quốc, đặc biệt phát huy lợi thế của các kênh thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội.

Mới đây, Công ty cổ phần M2 Việt Nam vừa khai trương thêm điểm bán hàng ở phố Minh Khai (Hà Nội). Ông Nguyễn Hải Đường - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần M2 Việt Nam chia sẻ, mở rộng kênh bán hàng nằm trong chiến lược của công ty, vừa duy trì đơn hàng xuất khẩu, vừa đan xen các lô hàng phục vụ cho thị trường nội địa để duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Nhóm doanh nghiệp thủy sản cũng ghi nhận chuyển động tại thị trường nội địa. Đại diện của Công ty cổ phần Nam Việt cho hay, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của công ty trong nửa đầu năm giảm đến 20% so cùng kỳ năm ngoái, bởi vậy chủ trương của công ty là đẩy mạnh thị trường nội địa. Công ty đã cùng hệ thống siêu thị bán lẻ Bách hóa Xanh ký kết hợp tác tiêu thụ 300 tấn cá tra phi lê/quý, bắt đầu thực hiện từ hồi tháng 3/2023.

Không chỉ dệt may, thủy sản, mà các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ cũng tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ trong nước để bù đắp cho doanh số xuất khẩu bị hao hụt. Các sản phẩm về nội thất khách sạn, nội thất gia dụng, bàn ghế-kệ sách học sinh,… là những sản phẩm được Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex tập trung khai thác. Hay như, Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành đặt mục tiêu doanh thu nội địa năm nay chiếm khoảng 20% tổng doanh thu, các năm trước chỉ khoảng 12-14%.

Nhiều trở ngại cần vượt qua

Bên cạnh lợi thế sở hữu nguồn lực nhân công có tay nghề cao, cùng kinh nghiệm sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật toàn cầu đáp ứng đối với cả những thị trường khó tính nhất, song, có nhiều khó khăn đã được chỉ ra đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cho dù là "sân nhà".

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, một trong những khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu tìm về "sân nhà" là phải tổ chức bộ máy phân phối rộng khắp, đối mặt với bài toán chi phí cho việc phân phối hàng hóa, cho quảng bá, hậu mãi, khuyến mãi,… Do tính chất khác biệt rất lớn giữa sản xuất, kinh doanh xuất khẩu với nội địa, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp xuất khẩu không tham gia thị trường nội địa, hoặc nếu có tham gia thì dưới hình thức tiêu thụ các sản phẩm sản xuất thừa (hoặc/và kém chất lượng) trong quá trình làm hàng xuất khẩu.

Xét về cấu trúc chức năng, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều có cấu trúc thuần sản xuất, trong đó vai trò của nghiên cứu thị trường, tiếp thị, phân phối, bán hàng gần như không có, hoặc rất hạn chế. Xuất khẩu hiện nay của chúng ta hầu hết là gia công, hoặc cao hơn là OEM (sản xuất thiết bị gốc) và như vậy, trên thực tế các doanh nghiệp chỉ mới thực hiện tốt duy nhất khâu sản xuất trong toàn bộ quy trình tạo giá trị. Trong khi để tham gia cạnh tranh tốt trên thị trường nội địa, cần thực hiện gần như đầy đủ tất cả các khâu của một quá trình tạo giá trị. Đây chính là trở ngại rất lớn, không thể là công việc một sớm một chiều.

Ngoài ra, trong quá trình tham gia xuất khẩu các doanh nghiệp cũng thực hiện một số các chức năng tiếp thị với khách hàng, nhưng là khách hàng công nghiệp với đặc tính hết sức khác biệt với các khách hàng là người tiêu dùng. Đó là chưa kể mạng lưới phân phối của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước không có, cho nên cạnh tranh bán lẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn; nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý chuộng hàng ngoại; chiết khấu cao từ các kênh bán lẻ lớn vẫn là khó khăn của doanh nghiệp tại thị trường nội địa,...

Bàn về giải pháp, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước cho rằng, khi tiếp cận thị trường nội địa, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chiến lược rõ ràng theo hướng chuyên nghiệp. Để làm được như vậy, ngoài yếu tố thiết kế, chất lượng, bán hàng và dịch vụ theo nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng đầu tư bài bản cho khâu phân phối tại từng khu vực và địa bàn. Tận dụng lợi thế "sân nhà" thông qua các hệ thống phân phối sẵn có của nhà phân phối trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, đưa các hàng hóa đã đạt tiêu chuẩn toàn cầu tiêu thụ tại các kênh phân phối. Bên cạnh đó, việc đưa sản phẩm tiếp cận thị trường nội địa thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm chuyên ngành cũng như các chương trình kết nối, kích cầu tiêu dùng là cần thiết.

Theo quan điểm của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), trong năm 2023, Chính phủ đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch như gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Tuy nhiên, các chính sách này mới tập trung chủ yếu cho các đối tượng trực tiếp sản xuất. Do đó, AVR kiến nghị, Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ tương tự đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ hàng hóa. Đồng thời, việc ban hành các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nên được xem xét thực hiện trong thời gian dài hơn, để doanh nghiệp có thể tận dụng được hết hiệu quả mà chính sách mang lại.