Cách làm hay từ Đà Nẵng

Mạnh tay xử phạt các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn đã được chính quyền thành phố Đà Nẵng triển khai, thực hiện từ nhiều năm qua. Kết quả bước đầu đã được ghi nhận, tuy nhiên, cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị chức năng, xử phạt nghiêm để lập lại trật tự đô thị, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra, đo tiếng ồn.
Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra, đo tiếng ồn.

Thành lập tổ "phản ứng nhanh"

Phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà là một trong những địa phương quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm ô nhiễm tiếng ồn. Đây là phường có số khu chung cư nhiều nhất thành phố Đà Nẵng với hơn 54 khu cùng hàng nghìn hộ dân sinh sống. Việc quản lý an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phường thời gian qua được người dân ủng hộ, đồng tình, đặc biệt là ra quân xử lý, dẹp "vấn nạn" hát karaoke sử dụng âm thanh, loa di động có công suất lớn gây ô nhiễm tiếng ồn.

Từ năm 2019 đến nay, phường đã thành lập và duy trì tổ công tác gồm tám thành viên là lãnh đạo UBND phường, công an, dân quân, dân phòng. Lực lượng này là "hắc tinh" với vấn nạn hát kaorake xuyên ngày đêm. Hiện, đội phản ứng nhanh xử lý ô nhiễm tiếng ồn tiếp tục củng cố, duy trì, đồng loạt ra quân tuyên truyền, nhắc nhở hằng đêm từ 21 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút. Bắt đầu sau 22 giờ, nếu vi phạm sẽ lập biên bản theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP; tạm giữ hệ thống âm thanh, loa di động; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng kịp thời xử lý, trấn áp các đối tượng có hành vi manh động, chống đối cản trở... Các bộ phận trực ban liên tục cập nhật, phản ánh nạn "karaoke khủng bố" qua trang Facebook Phường Nại Hiên Đông, nhóm zalo, tin nhắn, gọi điện cho số điện thoại dây nóng... Ghi nhận của phóng viên sau khi được theo chân tổ phản ứng nhanh đi kiểm tra, nhắc nhở, xử lý, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm. Hơn một tuần nay, phường Nại Hiên Đông đã "bình yên trở lại". Bà Nguyễn Thị Hà, trú tại tổ 41, chia sẻ: Nhờ lực lượng chức năng làm nghiêm nên dân bớt bị áp lực tiếng ồn, đặc biệt là hát karaoke sử dụng âm thanh quá lớn, không còn bị ám ảnh bởi âm thanh hát hò "ngoại cỡ" thâu đêm.

Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Cao Đình Hải cho biết: Sau hơn một tuần đội phản ứng nhanh ra quân, đã nhắc nhở hơn 15 trường hợp, tạm giữ hai loa, lập biên bản một quán nhậu. Hiện nay trên địa bàn phường đã chấm dứt hẳn tình trạng hát karaoke quá giờ. "Khung giờ từ 6 giờ đến 22 giờ phải đo, vượt quá tiếng ồn cho phép mới xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, bất cập nảy sinh là địa phương không tự đo được, không đủ thẩm quyền, phải có cơ quan chuyên môn... Phường đã chủ động đề xuất mua máy đo tiếng ồn, để "nói có sách, mách có chứng", sẽ chỉ cho người dân thấy con số đo cụ thể, qua đó tuyên truyền, vận động trước. Rất mong thành phố sớm có hướng dẫn cụ thể để địa phương áp dụng thuận lợi, xử lý dứt điểm vấn đề này", ông Hải đề xuất.

Việc xử lý vi phạm pháp luật về ô nhiễm tiếng ồn tuy đã đạt được những hiệu quả tích cực nhưng lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở. Ngoài các cơ sở kinh doanh dịch vụ nằm trong diện Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Sở TN và MT kiểm tra, xử lý, thì cấp quận huyện, xã phường cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ này đối với hình thức karaoke gia đình, tiệc tùng mở nhạc công suất lớn, quá giờ quy định. Các vi phạm có tính hệ thống, tái diễn nhiều lần, lực lượng chức năng sẽ căn cứ phản ánh của nhân dân và trinh sát, kiểm tra thực tế để xử lý nghiêm.

Đà Nẵng còn tiếp nhận, xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn qua các trang website địa phương, mạng xã hội như trang facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng "Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp"; Góp ý Đà Nẵng, Tổng đài 1022, Zalo, các trang facebook của từng địa phương... Theo ông Nguyễn Minh Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, quận sẽ tổ chức đợt cao điểm ra quân tuyên truyền, nhắc nhở các hành vi vi phạm tiếng ồn; phát tờ rơi, cập nhật trên website các hành vi vi phạm, mức phạt để tuyên truyền đến từng tổ dân phố. Với phần mềm quản lý đô thị thông minh tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, quận sẽ bổ sung mục chuyên tiếp nhận phản ánh tiếng ồn. Khi phát hiện vi phạm, người dân chỉ cần thông tin vào đây, nội dung sẽ chuyển đến chủ tịch phường, lãnh đạo công an phường chỉ đạo xử lý kịp thời.

Xử lý quyết liệt

Năm 2019, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 2812/UBND-STNMT về việc giám sát, kiểm tra, xử lý tình trạng gây tiếng ồn do mở nhạc, hát karaoke trong khu dân cư, đô thị. Tháng 3-2021, khi tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tái diễn, TP Đà Nẵng tiếp tục ban hành văn bản khẩn số 1478/ĐTĐT yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý ô nhiễm tiếng ồn do các hoạt động mở nhạc, hát karaoke trong khu dân cư, đô thị trên địa bàn thành phố, kiên quyết xử lý dứt điểm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí để xem xét thi đua, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ và xét gia đình văn hóa trong năm. Từ ngày 1-4 đến ngày 31-5, UBND các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo UBND các phường, xã thông báo và tuyên truyền rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các tổ dân phố và nhân dân để biết, thực hiện. Kể từ ngày 1-6, tiến hành xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo đó, thành phố yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện tuyên truyền, xử phạt hành vi gây tiếng ồn theo quy định và lồng ghép với các nội dung của Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 25-12-2014 về Chương trình hành động "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015" của Thành ủy Đà Nẵng. Sở Tư pháp Đà Nẵng đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, theo đó, mức vi phạm cao nhất có thể bị xử phạt đến một triệu đồng.

Đánh giá kết quả sau hai năm thực hiện xử phạt ô nhiễm tiếng ồn, Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Đà Nẵng cho biết: Đến nay, Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức 55 buổi tuyên truyền cho người dân về các văn bản quy định xử phạt ô nhiễm tiếng ồn. Qua kiểm tra, đã phát hiện 1.338 trường hợp vi phạm, trong đó nhắc nhở 1.212, xử lý 126, tổng tiền số tiền phạt hơn 800 triệu đồng. Ba tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 104 trường hợp, lập biên bản xử phạt 21 trường hợp với số tiền 129 triệu đồng, cho viết cam kết. "Trong đó, xử phạt nhiều nhất chủ yếu là các quán bar, quán rượu, công ty, các trường hợp còn lại nhắc nhở vì là nhà dân, với mức độ ô nhiễm tiếng ồn không liên tục, khi được các lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu là người dân dừng ngay. Hiện nay, toàn thành phố đã lập danh sách 813 tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm; vận động, yêu cầu 767/813 tổ chức, cá nhân ký cam kết không vi phạm tiếng ồn. Tuy nhiên, khó xử lý nhất là tiếng ồn cơ khí vì âm thanh nhiều nơi chưa vượt chuẩn, nhưng âm ỉ trong khu dân cư khiến người dân bức xúc, trong khi đó, toàn thành phố chỉ có tám máy đo". Với những trường hợp có thái độ chống đối thì tổ trưởng và các tổ viên sẽ chỉ định một đồng chí liên hệ với Tổ công tác 8394 tiến hành xuống hiện trường nơi xảy ra việc hát nhạc ồn ào có hành vi chống đối để xử lý, đại tá Nhơn thông tin thêm.

Bằng những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn tại thành phố Đà Nẵng sẽ được chấn chỉnh, mang lại cuộc sống yên bình cho người dân.

Cách làm hay từ Đà Nẵng -0
Tổ phản ứng nhanh của phường Nại Hiên Đông ra quân nhắc nhở, xử lý ô nhiễm tiếng ồn tại khu dân cư. Ảnh | UBND Phường Nại Hiên Đông