Tiếp sức nền kinh tế, trị gốc thay vì chữa ngọn

Tính chung năm tháng đầu năm 2023, bình quân một tháng có 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đó là hệ quả của việc cùng lúc, các doanh nghiệp đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ thách thức khách quan cho đến những trở ngại nội tại của nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó khăn do thị trường suy giảm nhu cầu. Ảnh: TTXVN
Doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó khăn do thị trường suy giảm nhu cầu. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp "sa lầy", nền kinh tế gặp khó

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy: trong năm tháng đầu năm 2023, cả nước có 95 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 3,7% so cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 88 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước.

Do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Trong năm tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 2% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%). Một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp, hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.

Về tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tính đến ngày 20/5/2023, bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so cùng kỳ năm trước. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm tháng đầu năm 2023 có 47 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 142,7 triệu USD, giảm 51,4% so cùng kỳ năm trước; có 16 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 173,7 triệu USD, gấp 3,9 lần. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 316,4 triệu USD, giảm 6,5% so cùng kỳ năm trước.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy: tính chung năm tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam trong năm tháng qua ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng 63% so cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19…

Khó khăn bao trùm lên hầu hết các ngành nghề kinh tế, đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thu ngân sách nhà nước. Theo đó, lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước năm tháng đầu năm 2023 ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán năm, và giảm 6% so cùng kỳ năm trước.

Không làm phát sinh thời gian, chi phí tuân thủ quy định

GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) chia sẻ: Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên, còn những bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, quyết liệt; có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao;… Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp, kéo giảm tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Đây là những hạn chế cần thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục.

Bàn về giải pháp, Chủ tịch VAFIE cho rằng: Trong bối cảnh nền kinh tế có ít thuận lợi để tăng trưởng, bên cạnh thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa chắc chắn, chủ động, linh hoạt, Chính phủ cần có những giải pháp cấp bách, hỗ trợ đối với từng đối tượng, nhóm đối tượng cụ thể. Ngoài ra, cần có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, phát huy vai trò của thị trường trong nước. Cùng với tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng xuất khẩu, cần đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Theo TS Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Thống kê: Tuy có số lượng lớn (chiếm đến hơn 97% số doanh nghiệp cả nước, giải quyết việc làm khoảng 36% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp), thế nhưng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động với nguồn vốn, nguồn nhân lực rất hạn chế, nên dễ bị tổn thương hơn bởi những yếu tố bên ngoài tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần có những chính sách phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một giải pháp khác cũng được các chuyên gia kinh tế lưu ý, đó là tập trung tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế trong ngành du lịch để thu hút nhiều hơn nữa lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, bởi khi du lịch phát triển, sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngành nghề khác đi lên.

Xuất phát từ góc nhìn về nguyên nhân suy giảm tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng, có yếu tố khách quan từ dịch Covid-19 và giảm "cầu" từ bên ngoài, nhưng cũng có nguyên nhân nội tại, đó là sự đứt gãy niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào kết quả cải cách hành chính, trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay. Chính vì vậy, giải pháp được đặc biệt nhấn mạnh chính là tuyệt đối không được làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân khi ban hành các chính sách, quy định mới. Chính việc tạo ra môi trường thông thoáng, minh bạch mới là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp có điều kiện thực hiện chiến lược kinh doanh, phục hồi và phát triển.

Tiếp sức nền kinh tế, trị gốc thay vì chữa ngọn ảnh 1