Tiếng Việt với bạn bè Nga

“Tiếng Việt là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên trường MGIMO trong giờ học tiếng Việt.
Sinh viên trường MGIMO trong giờ học tiếng Việt.

Đó là chia sẻ của Naina Taibova, sinh viên Nga năm thứ 3 trường Đại học ngôn ngữ Moskva tại Ngày hội Tiếng Việt được Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức tại Moskva hưởng ứng ngày Tiếng Việt trên toàn thế giới 8/9.

Bằng ngữ điệu nhẹ nhàng và giàu cảm xúc, những câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” được Naina ngâm nga một cách đầy biểu cảm trong phần biểu diễn của buổi lễ nhận được sự hoan hô cổ vũ nhiệt tình không chỉ của các đại biểu Việt Nam mà còn của cả đông đảo các bạn sinh viên Nga.

Lần đầu tham dự Ngày tiếng Việt tại Moskva vừa được tổ chức năm thứ hai, tôi thật ngạc nhiên và khâm phục khi gặp rất nhiều giảng viên, các chuyên gia về Việt Nam học và các bạn sinh viên Nga nói rất giỏi tiếng Việt, không chỉ về phát âm, cách sử dụng ngữ điệu mà cả sự tinh tế trong lối dùng.

Chị Svetlana Glazunova là giảng viên chính Khoa tiếng Trung, Việt, Thái, Lào tại Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) thuộc Bộ ngoại giao Nga. Mọi người nhận xét, chị nói tiếng Việt hay như người Hà Nội gốc. Quả vậy, sự nền nã trong cách nói chuyện, âm thanh nhẹ nhàng của chị khiến tôi thán phục. Chị Svetlana rất thân thiện chia sẻ cách để học tiếng Việt thuần thục đó là ngoài các kỹ năng nghe nói đọc viết, dịch thuật điều quan trọng phải tập tiếp xúc với ngôn ngữ mình học và tìm hiểu về đất nước và con người, văn học, thơ ca của thứ tiếng mình học. Như đối với tiếng Việt, chị giờ còn có thể nghe hiểu tiếng của các địa phương khác nhau ở Việt Nam. Chị nói trước đây chủ yếu chị học tiếng miền bắc, nhưng nay ngay cả trên các phương tiện truyền thông cũng sử dụng ngôn ngữ của các vùng miền khác nhau, cho nên việc học kỹ năng nghe hiểu là rất quan trọng. Trường MGIMO chuyên đào tạo các cán bộ ngoại giao nên phải hiểu sắc thái khác nhau trong ngôn ngữ và điều này đòi hỏi việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử của thứ tiếng mình học.

Được biết, trường MGIMO là một trong những trường đại học đầu tiên ở Liên bang Nga giảng dạy tiếng Việt từ những năm 1950. Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm, sinh viên theo học lúc rất đông lúc ít tùy thuộc hoàn cảnh trong nước và quốc tế. Hiện nay, cũng theo xu hướng chung MGIMO đã tuyển sinh thêm sinh viên học tiếng Việt cho các chuyên ngành khác như kinh doanh quốc tế, quản trị du lịch, thể thao... Trường cũng có chương trình đào tạo thạc sĩ tiếng Việt cho chuyên ngành kinh tế chính trị.

Còn thầy Maxim Syunnerberg, Viện Các nước châu Á và châu Phi thuộc Đại học Quốc gia Moskva mang tên Lomonoxop thì chia sẻ, các bạn sinh viên ở đây được học tiếng Việt bằng cách đọc sách. Bắt đầu từ những câu chuyện cổ tích đơn giản, một trang sách dần dần nâng lên vài ba trang cho đến khi có thể đọc được cả cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Việt. Điều quan trọng đối với giáo viên là tìm được những cuốn sách giàu tính văn học, thơ ca để có thể nhìn thấy những đặc điểm và vẻ đẹp của ngôn ngữ mình học, tìm ra những cái khó trong việc học ngôn ngữ đó để có những biện pháp khắc phục. Cách người Nga học tiếng Việt và chia sẻ việc học tiếng Việt cho thấy sự chuyên cần, chú tâm, đặc biệt là tình yêu với công việc mà họ làm.

Bạn Evdokia Petronova, hiện đang công tác tại Trường đại học Saint Petersburg, từng sang Việt Nam học tiếng Việt một năm, chia sẻ: Khi mới học cô thấy tiếng Việt khó, nhưng điều đó càng làm cô thấy yêu mến tiếng Việt hơn. Đặc biệt, khi tiếp xúc với đất nước và con người Việt Nam, cô đã có những kỷ niệm và trải nghiệm không bao giờ quên. Phần lớn các bạn sinh viên Nga học tiếng Việt đều dành những tình cảm tốt đẹp cho tiếng Việt. Họ dùng từ tiếng Nga “kraxivui” nghĩa là “hay” là “đẹp” dành cho tiếng Việt.

Tiếng Việt với bạn bè Nga ảnh 1

Các em học sinh Nga học tiếng Việt tiêu biểu được nhận giấy khen của Đại sứ Việt Nam.

PGS,TS Nguyễn Văn Chính, giảng viên cao cấp khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết, trong năm học 2022-2023 trường có gần 30 bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học có môn tiếng Việt trên toàn nước Nga như Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moskva, Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, Đại học Tổng hợp Kadan, Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn đông... Đặc biệt, trường vừa đón 10 sinh viên Học viện Hành chính công và Kinh tế quốc dân Nga, năm học tới dự kiến từ 25-30 sinh viên sẽ sang Việt Nam theo chương trình này. Thầy Chính nhận xét, một nét đặc trưng của các sinh viên Nga là các em khi đã lựa chọn học tiếng Việt thì đều yêu mến tiếng Việt.

TS Mai Nguyễn Tuyết Hoa, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cho biết: Hiện nay, rất mừng là không chỉ có các trường đại học truyền thống có môn học tiếng Việt và Việt Nam học như một chuyên ngành, mà đã có nhiều trường đại học khác ở Nga sinh viên lựa chọn tiếng Việt là ngoại ngữ thứ hai rất phổ biến. Sinh viên Nga học tiếng Việt không chỉ quan tâm đến tiếng Việt mà còn quan tâm tìm hiểu văn hóa Việt Nam, lập các câu lạc bộ quảng bá tiếng Việt...

Chị Hoa cũng cho biết, điều đáng tiếc hiện nay là, chưa có chương trình chính thống để dạy tiếng Việt cho thanh thiếu niên Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Nga thế hệ F2. Việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt vẫn chủ yếu là tự phát. Ở Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moskva (Incentra), có một trung tâm mầm non thần đồng Á-Âu có dạy tiếng Việt, nhưng cô Nguyễn Thúy Nga, Hiệu phó Trung tâm này cho biết, còn nhiều khó khăn về nội dung chương trình giảng dạy, giáo viên. Cô Nga cho biết, điều quan trọng nhất là khuyến khích được bố mẹ các em quan tâm tới việc học tiếng Việt của con em mình. Ngoài những bộn bề cuộc sống, những nỗi lo cơm áo gạo tiền, giá trị lớn nhất của tiếng Việt là sự nhắc nhớ về nguồn cội và để khi trở về quê hương, con em họ vẫn hòa nhập được với gia đình và xã hội ở Việt Nam.

Có thể nói, Ngày Tiếng Việt là cơ hội không chỉ để quảng bá tiếng Việt, cổ vũ những người bạn Nga học tập và giảng dạy tiếng Việt, mà còn để chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp của tiếng Việt qua một lăng kính khác, giúp những người Việt Nam xa xứ thêm yêu và gắn bó với tiếng mẹ đẻ của mình.