Thúc đẩy di sản công nghiệp cất cánh

LỄ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề "Dòng chảy" đã tạo ra một làn sóng nhỏ trong đời sống văn hóa, nghệ thuật tại Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trong khuôn khổ tuần Lễ hội Thiết kế sáng tao Hà Nội 2023. Ảnh: Thành Đạt
Không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trong khuôn khổ tuần Lễ hội Thiết kế sáng tao Hà Nội 2023. Ảnh: Thành Đạt

Những ngày qua, người dân khu vực phố cổ Hà Nội chứng kiến dòng người cả già lẫn trẻ xếp hàng dài từ vườn hoa Hàng Đậu vào tham quan nghệ thuật sắp đặt ánh sáng, sắp đặt nước trong lòng tháp nước Hàng Đậu. Nhiều nghệ sĩ, khán giả còn lên tàu hỏa sang tận Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để thưởng lãm nghệ thuật sắp đặt hội họa diễn ra tại đây với những tác phẩm chất liệu lụa được thể hiện trong không gian của sắt thép. Nhìn chung, khán giả Thủ đô có cái nhìn tích cực đối với các sự kiện của Tuần lễ được khai thác theo cách đưa các không gian di sản công nghiệp, các không gian ngoài bảo tàng, triển lãm vào nghệ thuật sắp đặt… Tuy vậy, để có được "tính mới" cho sự kiện mang tính chắp nối những thế hệ nghệ sĩ đương đại trung tuổi và trẻ tuổi như vậy, chúng ta đã phải chờ đợi trong đằng đẵng.

Điểm lại chặng đường đã qua, có thể nhắc đến Lễ hội cầu rồng lấy chính cầu Long Biên làm nơi trưng bày, tham quan, tổ chức sự kiện. Thử nghiệm khá mạo hiểm khi ấy cũng đã tạo dấu ấn dù vẫn còn một số hạn chế về chất lượng, hiệu quả. Song, đến nay, cây cầu - một di sản công nghiệp tiêu biểu, một di tích - chứng nhân lịch sử quan trọng, dù vẫn thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước ghé thăm, "check in", vẫn chưa có lại được một sự kiện lớn nào như dự án quy mô từ năm 2009 nói trên.

Hay như không gian Zone 9 từ chục năm trước, đã từ một khu căn hộ bỏ không trở nên một tổ hợp sáng tạo nhộn nhịp của nhiều cá nhân, nhóm nghệ sĩ trước khi gặp sự cố hỏa hoạn, phải dừng hoạt động. Tiếp nối ý tưởng này, những năm gần đây, có một số nhà máy, nhà xưởng cũ được chuyển đổi công năng sang làm không gian sáng tạo, dành cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Những chuyển động này vẫn chỉ mang tính dò đường bởi thiếu đi một cơ chế rõ ràng mang tính "bà đỡ" cho những bước đi mới mẻ như vậy! Trong khi đó, như chia sẻ của nhiều nghệ sĩ, chuyên gia, các mô hình này đã rất phát triển, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa, du lịch ở nhiều quốc gia.

Trở lại với những tín hiệu tích cực về sự thu hút, đa dạng hóa "món ăn nghệ thuật" của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, có thể thấy, đây chỉ là hiệu ứng có được từ sự mới mẻ của bước đi ban đầu. Muốn đi đường dài, cần lắm sự mạnh dạn đổi mới trong cách thức kiến tạo những mô hình nghệ thuật mới mẻ đi đôi với tận dụng và phát huy hiệu quả các không gian "phi truyền thống". Quá trình này đòi hỏi phải có được sự nhập cuộc tích cực của lãnh đạo thành phố và chính quyền cơ sở; sự cởi mở, hợp tác và tạo điều kiện của ngành văn hóa Thủ đô với các trung tâm, doanh nghiệp nghệ thuật, các nhóm và cá nhân nghệ sĩ hoạt động độc lập. Cần lắm sự nâng cao nhận thức chung về mối quan tâm, ưu tiên cho phát triển văn hóa và những hành động cụ thể của việc chuyển đổi không gian cũ, nối dài sức sống di sản công nghiệp để tạo nên các địa điểm sáng tạo, trình diễn và thưởng thức nghệ thuật.

Hơn nữa, giới nghệ sĩ và công chúng kỳ vọng rất nhiều vào việc kiến tạo các không gian văn hóa mới, tích hợp với không gian xanh. Bởi Thủ đô vốn đã ngột ngạt với gần chục triệu dân và những khối nhà cao tầng chen đầy phố phường… đang "khát" những khoảng thở để phát huy được các thiết chế văn hóa.