Bản sắc

Thư viện của những “cuốn sách sống”

Đúng như tên gọi, “sách” của thư viện là những con người sống, đang hít thở và mọi người đến thư viện này được mời “mượn” một cuốn và “đọc” chúng trong các thư viện, bảo tàng, lễ hội, trường học và trường đại học trên toàn thế giới...
0:00 / 0:00
0:00
Thư viện của những “cuốn sách sống”

“Đừng đánh giá một cuốn sách qua trang bìa” (hay đừng “trông mặt mà bắt hình dong”) là một trong những điều mà thư viện này hướng tới nhằm xóa bỏ định kiến và quan niệm sai lầm khi nhìn nhận một con người. Cô Iben 46 tuổi là nạn nhân của lạm dụng tình dục, lặng lẽ với các vấn đề về sức khỏe tâm thần, là một trong tám “cuốn sách” mà những người tò mò có thể hỏi mượn vào mùa thu này ở Copenhagen.

Thư viện của những “cuốn sách sống” ảnh 1

Hai phụ nữ trò chuyện tại một sự kiện của Thư viện con người tại London năm 2018. Ảnh | CNN

Trong 30 phút, bạn có thể trực tiếp hỏi cô bất cứ điều gì bạn muốn. Đây là điều thường thấy tại Thư viện con người - Thư viện sách sống, nơi bạn có thể mượn một người kể cho bạn nghe câu chuyện cuộc đời của họ.

Ông Ronni Abergel, người khởi xướng dự án này cho một sự kiện ở Đan Mạch vào năm 2000 cho biết: “Thư viện con người là một không gian an toàn, nơi chúng ta có thể khám phá sự đa dạng, tìm hiểu chúng ta khác biệt với nhau thế nào, tương tác với những người chúng ta thường không bao giờ gặp... và thách thức định kiến vô thức của bạn”.

Thư viện của những “cuốn sách sống” ảnh 2

Thư viện con người tại Đan Mạch. Ảnh | HUMAN LIBRARY

Ông tiếp tục xây dựng thư viện thành một tổ chức phi lợi nhuận và đã có “sách” xuất bản ở hơn 80 nước trên khắp thế giới. Mỗi cuốn sách con người đại diện cho một nhóm trong xã hội bị định kiến, kỳ thị hoặc phân biệt đối xử vì lối sống, niềm tin, khuyết tật, địa vị xã hội, nguồn gốc dân tộc...

Vì vậy, bạn có thể tìm hiểu về Nghiện rượu, Tự kỷ, Lưỡng cực, Bị quấy rối, Người Hồi giáo, Người theo chủ nghĩa tự nhiên, Đa ái... bằng cách đặt câu hỏi và lắng nghe câu chuyện của họ, với thái độ “không phán xét một ai”. Người đọc không được chọn cụ thể người mà họ sẽ mượn. Thay vào đó, “thủ thư” sẽ tư vấn về các “sách” có sẵn trong ngày hôm đó. Và tất cả dịch vụ là miễn phí, dành cho tất cả mọi người, cả người đọc lẫn những người là “sách”.

Ông Abergel giải thích thêm: “Đọc (sách) thật sự là một cuộc trò chuyện. Thường tôi sẽ dành một vài phút để giải thích chủ đề của tôi, lý lịch của tôi và bảo đảm rằng bạn có thể hỏi tôi bất cứ điều gì về việc nhiễm HIV, khuyết tật, chuyển giới, tị nạn, Do Thái hoặc Hồi giáo...”.

Cô Katy Jon Went, điều phối viên của Thư viện con người tại Anh, cho biết: “Chúng tôi tạo ra nền tảng cho các cuộc đối thoại. Đó là 30 phút trong một vai trò khác và điều này tạo cơ hội cho những người thiệt thòi cất lên tiếng nói của mình”.

Cô Went đã chuyển giới từ 15 năm trước và có rất nhiều thắc mắc chưa được giải đáp. Nhờ internet, cô đã tìm thấy một phụ nữ chuyển giới sống tại địa phương, người đã mời Went đến tham dự một sự kiện của Thư viện con người ở Norwich, nơi cô ấy đang đóng vai trò là một cuốn sách. Cuộc gặp gỡ đã thay đổi cuộc đời của Went. Đó là bước đầu tiên để cô tự mình trở thành sách và cô đã làm điều này trong suốt 11 năm qua, thực hiện hơn 1.000 cuộc trò chuyện với người lạ. Nó đã thay đổi cách nhìn và nhận thức về bản thân của cô.

“Tôi đã từng là một đứa trẻ thiếu cảm giác an toàn và luôn sợ hãi. Bây giờ tôi thích trò chuyện với những người lạ. Nó cho tôi hy vọng về một xã hội tốt đẹp hơn”, cô chia sẻ.

Ông Tom Fadden, 34 tuổi, là một chủ doanh nghiệp ở Norwich bị bại não. Ông đã là một cuốn sách từ năm 2016, “xuất bản” với tựa đề Người dùng xe lăn và Người khuyết tật. Ông cho rằng thư viện đã giúp đỡ ông rất nhiều, đặc biệt là trong vai trò là nhà vận động cho người khuyết tật.

“Đối với tôi, Thư viện con người có ảnh hưởng rất mạnh mẽ bởi mọi người có thể hỏi những câu hỏi kỳ cục mà họ băn khoăn và việc trả lời như thế nào là tùy thuộc vào cuốn sách là tôi”, ông nói.

Ông cho biết không hề cảm thấy bị xúc phạm hay có bất kỳ trải nghiệm khó chịu nào trong vai trò là một cuốn sách. “Tôi thấy những câu hỏi mang tính tò mò rất thử thách vì tôi muốn hiểu những người không khuyết tật - hoặc những người khuyết tật khác - muốn biết điều gì”.

Được kiểm tra sức khỏe trước khi ra mắt công chúng, những cuốn sách sống cũng được đào tạo đầy đủ. Họ phải được chuẩn bị cho tất cả các loại câu hỏi và để bảo đảm rằng họ cảm thấy thoải mái và có thể xử lý các câu hỏi khó mà không cảm thấy bị xúc phạm. Went thừa nhận có những cuộc trò chuyện khó khăn như trò chuyện với một phụ nữ thích phê phán: “Cô ấy nói không đồng tình với những người như tôi.

Cô ấy hỏi tôi có muốn kết thúc cuộc trò chuyện không và tôi nói, “Ngược lại, tôi rất muốn có cuộc trò chuyện này”. Sau đó hóa ra là một cuộc trao đổi “rất dễ chịu”, độc giả thừa nhận đầu óc đã được mở rộng về các chủ đề tình dục và giới tính, thậm chí đã chịu gọi Went là “cô ấy”.

Ông Abergel cũng cho rằng, mọi người được khuyến khích “đặt những câu hỏi thật sự khó”, và không có gì là vượt quá giới hạn cả. Những người mượn cô Iben có thể chọn giữa ba cuốn sách theo chủ đề: nạn nhân lạm dụng tình dục, sống chung với rối loạn nhân cách hoặc rối loạn căng thẳng nghiêm trọng sau chấn thương.

Khi không muốn trả lời một câu hỏi nào đó, cô nói rằng “trang đó vẫn chưa được viết”. Nhưng cô chưa bao giờ có một trải nghiệm tồi tệ trong bốn năm làm sách của mình. “Các câu chuyện của tôi luôn khác nhau và chúng đã phát triển qua nhiều năm. Khi bắt đầu, tôi rất khác. Tôi đã khiến mình trở nên tốt đẹp hơn trong nhiều năm qua. Được là một cuốn sách thật sự là một món quà đối với tôi”, cô tâm sự.

Những trải nghiệm này là một cách học hỏi đáng quý và có tác động rất lớn đến người đọc. Ông Abergel kể rằng, gần đây ông liên hệ với một độc giả đã mượn một cuốn sách sống vào năm 2004. “Cô ấy đã nói với chúng tôi về tác động (của cuốn sách) đối với quan điểm của cô ấy về người Hồi giáo. Và cô ấy đã sử dụng thông tin đó trong 17 năm qua. Vì vậy, đó là lợi ích của cộng đồng, của cô ấy và những người theo đạo Hồi khác”.

Trong một thế giới ngày càng phân cực, ông Abergel hy vọng sáng kiến của mình sẽ giúp mọi người “bớt e ngại, cởi mở hơn, hiểu biết hơn và chấp nhận quyền được khác biệt”. Đây là một cơ hội để bạn tham gia, tìm hiểu về bản thân và các nhóm khác.

Ông nói: “Được nhìn thấy và lắng nghe và nhìn rộng ra, toàn bộ câu chuyện gần như đang diễn ra trước mắt bạn” là điều rất “cảm động”. Nó cho mọi người thấy rằng sau rất nhiều định danh, chúng ta đều là những con người bằng xương bằng thịt”.

Dự án cũng có rất nhiều ứng dụng thực tế như tạo mối quan hệ hợp tác với Đại học Glasgow để khuyến khích 300 sinh viên y khoa trở thành độc giả của Thư viện để học các kỹ năng cần thiết để trở thành các bác sĩ tương lai. Tiến sĩ Lynsay Crawford, giảng viên Đại học nói rằng “chúng tôi hy vọng sẽ tổ chức chương trình hàng năm để các sinh viên tốt nghiệp Glasgow sẽ học cách “không phán xét”.

Điều này sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho sinh viên của chúng tôi mà còn cho những bệnh nhân và đồng nghiệp mà họ sẽ gặp trong tương lai. Sinh viên y khoa cần có một nền tảng kiến thức rộng có thể học được từ các cuốn sách truyền thống, nhưng để trở thành bác sĩ nhân ái và thật sự hiệu quả, họ cần phát triển các kỹ năng đa dạng hơn như giao tiếp, đồng cảm, lắng nghe, phản ánh và còn cách nào tốt để đạt được điều đó hơn thông qua tương tác và kết nối với mọi người và trải nghiệm sống của họ - những cuốn sách sống”.

Đây thực sự là một lời nhắc nhở về giá trị của sự tò mò và giá trị của sự kết nối con người.