Bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Vượt lên thử thách

Những ngày này, cử tri và nhân dân cả nước càng cảm nhận rõ ràng sự nỗ lực đồng hành của cơ quan lập pháp với Chính phủ trong xử lý các vấn đề khẩn cấp quốc gia.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Thời gian như nén lại cùng khối lượng công việc khổng lồ khi chương trình nghị sự tiếp tục được rút ngắn lần hai, kết thúc sớm hơn ba ngày so dự kiến. Vượt lên mọi khó khăn, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV bế mạc chiều 28/7, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình.

Hẳn là một kỳ họp thật đáng nhớ với cả các đại biểu Quốc hội và các lực lượng, bộ phận phục vụ kỳ họp. Suốt chín ngày Quốc hội làm việc, tình hình dịch diễn biến phức tạp, khó lường. Các cơ quan hữu quan, bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Không khí căng thẳng của công tác phòng, chống dịch Covid-19, áp lực thực hiện "mục tiêu kép" đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng được phản ánh trực diện, sống động trong nội dung thảo luận của các đại biểu. Trước tình hình đó, "Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã chủ động, tích cực, khẩn trương làm việc cả ngày và đêm, luôn thường trực tại Nhà Quốc hội để phối hợp chặt chẽ, trao đổi, thống nhất phương án, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chỉnh lý hoàn thiện, bảo đảm chất lượng các dự thảo", Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, chưa có tiền lệ, đòi hỏi cần có sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của Chính phủ.

Vì vậy, việc Quốc hội rút ngắn thời gian họp cũng như bổ sung vào Nghị quyết chung của Quốc hội khóa XV nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao, đồng thời khẳng định đây là quyết sách linh hoạt và quyết đoán. Thậm chí, trong tình huống khẩn cấp, "có những việc được rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết theo quy trình đặc biệt, thậm chí có những việc chưa được quy định trong luật nhưng nếu phát sinh thì cho phép Chính phủ chủ động xử lý", Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ nhấn mạnh.

Ðồng tình với quan điểm này, nhìn nhận ở góc độ lập pháp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội) cho rằng, cán bộ, nhân viên y tế rất cần hành lang pháp lý để yên tâm chống dịch, không phải lo đến quy định, thủ tục rườm rà "mà đôi khi vì khẩn cấp và đặt sức khỏe con người lên trên hết mà phải bỏ qua, rồi vi phạm quy định".

Mặc dù thời gian kỳ họp được rút ngắn nhưng khối lượng công việc không hề giảm bớt. Ðể bảo đảm chất lượng của kỳ họp, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc đã vận hành tối đa công suất, thật sự trách nhiệm, tận dụng mọi thời gian - cả trong giờ họp chính và ngoài giờ làm việc như các buổi tối để triển khai, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra về nội dung kỳ họp.

Mục tiêu kép", quyết tâm vừa chủ động phòng, chống dịch Covid-19, vừa nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, linh hoạt ứng phó trong bối cảnh "bình thường mới",… là những "từ khóa" được nhắc đi nhắc lại tại diễn đàn Quốc hội kỳ này.

Mang đến nghị trường thực tế nóng hổi từ tâm dịch, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ lạc quan về tương lai nếu Việt Nam "chủ động khai thác tối đa" các hiệp định thương mại tự do. Nhìn rộng hơn, vị đại biểu này cũng có nhiều trăn trở vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là liên quan sản xuất nông nghiệp. "Trong điều kiện an ninh phi truyền thống và dịch bệnh như thế này, sẽ dẫn tới sự chia cắt, đứt gãy của rất nhiều chuỗi cung ứng khác nhau. Tôi đề nghị thêm "giữ vững và quan tâm phát triển hơn nữa các vùng chăn nuôi, các ngành chăn nuôi chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu", đại biểu Nghĩa đề xuất.

Trên hội trường cũng như tại các phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu đánh giá cao những kết quả nổi bật của Chính phủ thời gian qua, như: tiếp tục chăm lo, củng cố những nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế ngay trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế đầu năm 2021 với nhịp độ 5,64% là chưa đạt như kỳ vọng, nhưng với quốc tế, với khu vực thì đây là một con số đáng mừng.

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần làm gì? Nêu câu hỏi và tự trả lời, đại biểu Vũ Tiến Lộc (TP Hà Nội) đề xuất một số giải pháp cụ thể cho cả việc trước mắt cũng như lâu dài. "Trong các biện pháp cải cách thể chế, chúng tôi rất hoan nghênh Chính phủ đã tập trung rà xét những bất hợp lý, chồng chéo để kiến nghị với Quốc hội. Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ thành lập các tổ công tác đặc biệt để có thể hỗ trợ cho các dự án thúc đẩy triển khai. Chúng tôi đề nghị không chỉ các dự án đầu tư công, không chỉ các dự án FDI mà các dự án của tư nhân hiện nay đang gặp trở ngại về thủ tục chúng ta cũng phải hỗ trợ cho họ để đưa nhanh các dự án vào sản xuất, kinh doanh. Ðó là biện pháp rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng tới", ông Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.

Sau các phiên thảo luận sôi nổi, trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm và nhiệt huyết của các đại biểu Quốc hội khóa mới được thể hiện bằng "nút bấm biểu quyết". Với tỷ lệ tán thành rất cao, các Nghị quyết của Quốc hội về công tác nhân sự, kiện toàn bộ máy Chính phủ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng luật, giám sát tối cao,… đều đã được thông qua. Từ thành công của kỳ họp thứ nhất này, cử tri và nhân dân tin tưởng, nhất định chúng ta sẽ vượt lên mọi thử thách, đưa đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

 KHÚC HỒNG THIỆN

Các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 vừa được Quốc hội thông qua: GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD; tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%,...