Trên những ngọn sóng kỹ thuật số

"Sự phát triển của báo chí kỹ thuật số có thể được ví như sóng biển, cơn sóng sau vùi dập cơn sóng trước" - ông Thomas Jacob, Trưởng văn phòng điều hành của Hiệp hội Các Nhật báo và Nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) đã nhận định như vậy cách đây ba năm, trong một hội thảo về tương lai của truyền thông. Giờ đây các cơ quan báo chí của Việt Nam có thể xác nhận mức độ chính xác của dự báo này.

Với những lớp người hiện đại, "điện thoại di động đã trở thành một phần của hệ thần kinh".
Với những lớp người hiện đại, "điện thoại di động đã trở thành một phần của hệ thần kinh".

"Định danh" trên mạng

Thomas Jacob đưa thí dụ: Khi khái niệm "digital journalism" mới manh nha xuất hiện, AOL và Yahoo! là những gã khổng lồ chi phối toàn thị trường, có lẽ còn áp đảo hơn cả những gì Google và Facebook đang thực hiện ngày nay. Nhưng giờ, nếu hỏi một độc giả "thế hệ Z" ở Mỹ hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới, có lẽ chỉ khoảng 5% từng nghe tới cái tên Yahoo!, còn AOL thì chẳng khác gì người trẻ hiện đại nghe về giống người Neanderthal tiền sử.

Theo lý thuyết ấy, có thể thấy báo chí kỹ thuật số đã trải qua bốn thời kỳ. Sau thời của Portal (cổng thông tin điện tử như AOL và Yahoo!) thì tới thời đại của Search (công cụ tìm kiếm), qua Social (mạng xã hội bùng nổ) và giờ là đến thời của SaaS (tức Stories as a Service).

WAN-IFRA giải thích: SaaS chủ trương lấy người dùng làm trung tâm, xây dựng mối quan hệ bền vững với độc giả dựa trên dữ liệu thu thập được từ họ, giúp họ cá nhân hóa trang tin của mình. Nói nôm na, người dùng internet ngày nay không còn ẩn danh như trước đây nữa, mà đã được định danh. Mỗi hành vi của chúng ta trên mạng đều được các công ty công nghệ lưu lại và phân tích rồi biến chúng ta thành những "con nghiện trên internet" theo đúng nghĩa.

Chẳng hạn, dù chúng ta cùng ngồi trong một căn phòng, dùng chung một đường mạng và cùng mở trang Facebook, song "news feed" của tôi sẽ không giống với bảng tin của bạn vì chúng ta khác nhau về sở thích, lối sống, có nhóm bạn bè khác nhau. Công nghệ học máy (machine learning) đã chi phối tất cả, và trí tuệ nhân tạo thông minh đến độ nó có thể nhớ các hành vi của chúng ta còn hơn cả chính bản thân chúng ta.

Đơn cử là TikTok, mạng xã hội video ngắn có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong thời gian qua (đứng đầu về lượt tải năm 2020 trên cả AppStore lẫn Google Play). Trong tài liệu tập huấn gửi đến các cơ quan báo chí, TikTok cho biết khi người dùng tự quay video thì hệ thống học máy cũng sẽ nhận dạng được khuôn mặt để đoán biết giới tính, độ tuổi, từ đó sẽ phân phối luồng nội dung phù hợp đối tượng. Mà trong thời đại số, một trong những thực tế rất quan trọng là ai làm chủ được dữ liệu, người đó sẽ giành chiến thắng.

Báo cáo của Hootsuite đưa ra hồi tháng 1-2021 cho thấy: Trong ba hành vi phổ biến nhất của người Việt trên internet thì các hoạt động như nhắn tin, tương tác trên mạng xã hội và xem video chiếm tỷ lệ vượt trội so với các loại hình còn lại. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động (157,9%, chủ yếu là smartphone, theo Hootsuite) của người Việt thậm chí còn vượt cả một số nước phát triển.

Không gì là "vớ vẩn"

Vấn đề chỉ là: Các cơ quan báo chí có nắm bắt được điều này hay không mà thôi. Ở thời kỳ "tiền kỹ thuật số", người đọc hoàn toàn thụ động, báo chí cung cấp gì, người đọc tiếp nhận nấy. Trong thời kỹ thuật số, báo chí trở thành kẻ du mục, người đọc ở đâu, chúng ta phải tới đó. Với thế hệ Z hay M, thay vì chui vào đầu lũ trẻ để hiểu chúng nghĩ gì, báo chí phải tiếp cận được nền tảng mà chúng đang tập trung ở đó.

Đấy là lý do dự án chống tin giả của Thông tấn xã Việt Nam chọn cách tiếp cận giới trẻ bằng việc lập tài khoản trên TikTok, cũng như tổ chức các khóa đào tạo nhận diện tin giả cho học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố. Dự án này đã được trao giải "Best Project for News Literacy" tại Hội nghị Truyền thông kỹ thuật số châu Á 2020 do WAN-IFRA tổ chức.

Tại Hội nghị nêu trên, hai diễn giả George Brock (Giáo sư thỉnh giảng Trường Kinh tế London) và Grzegorz Piechota (Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard và Oxford) cho rằng kỹ thuật số đã khiến báo chí trở nên "bớt nghiêm túc hơn", theo nghĩa là đừng cố tập trung vào những loại hình xơ cứng như trước đây, mà còn cần phát triển cả những thứ mà chúng ta từng không đánh giá cao.

Xem lại tiến trình phát triển của "digital journalism", có thể thấy rõ điều đó. Khi AOL và Yahoo! ở "ngôi cao" thì Facebook và YouTube đã từng bị xem là "thứ vớ vẩn". Giờ "những thứ vớ vẩn" đó chiếm tới 70% thị phần quảng cáo kỹ thuật số. Mà theo dự báo của Mạng lưới truyền thông quốc tế thì năm 2021, lần đầu quảng cáo kỹ thuật số sẽ vượt mốc 51% thị phần toàn ngành. Một thống kê giáng đòn mạnh vào những loại hình báo chí truyền thống như báo in, truyền hình hay phát thanh. Nhà tương lai học hàng đầu nước Anh, Colin Blakemore, nhận xét: "Điện thoại di động đã trở thành một phần trong hệ thần kinh của con người".

Dĩ nhiên, khi sóng sau "dập" sóng trước, có thể đến một ngày nào đó, những "gã khổng lồ công nghệ" hiện nay sẽ phải nhường bước cho các đối thủ mới, nhất là khi chính phủ nhiều nước có những chính sách siết chặt quản lý các "big tech". Nhưng trong chiến lược ngắn hạn, "đứng trên vai người khổng lồ" cũng vẫn là một sự lựa chọn không tồi. Tại Việt Nam, chúng ta cũng không có nhiều lựa chọn khác với xu hướng chung của thế giới.

Với ngần ấy dữ kiện, liệu các cơ quan báo chí đã tìm được cho mình câu trả lời về đường hướng phát triển hay chưa?