Thực hiện mục tiêu nâng tầm vị thế quốc gia

Đất nước đang bước vào giai đoạn mới, thực hiện khát vọng được cụ thể hóa thành mục tiêu, tầm nhìn phát triển tại Đại hội XIII của Đảng, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Quang cảnh Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Quang cảnh Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Trên chặng đường sắp tới, với thuận lợi và thành tựu tích lũy trong 35 năm đổi mới của đất nước, công tác đối ngoại tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là hội nghị lần đầu của Đảng chuyên về đối ngoại, điều này khẳng định sự quan tâm mức cao của Đảng đối với công tác đối ngoại, được thể hiện trên thực tế suốt quá trình xây dựng và triển khai đường lối phát triển đất nước.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc là nguyên tắc bất biến; bên cạnh cuộc chiến đấu bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền đất nước, ông cha ta luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng truyền thống và bản sắc riêng của đối ngoại Việt Nam. Truyền thống đó được phát huy, tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, phát triển thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại của dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta kế thừa, không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hòa bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Đóng góp nổi bật của đối ngoại vào thành tựu chung, mang tính lịch sử trong 35 năm đổi mới vừa qua của đất nước đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết: Phá thế bao vây, cấm vận, tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi và huy động các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế xã hội. Đóng vai trò tiên phong trong việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, đóng góp tích cực và có trách nhiệm giữ gìn hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ trên thế giới.

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Trong tổng thể thành tựu của đất nước có đóng góp không nhỏ của đối ngoại. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai và đạt kết quả quan trọng và toàn diện. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đối ngoại đã hoàn thành tốt sứ mệnh phát huy vai trò tiên phong, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.

Tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và có những diễn biến chưa có tiền lệ. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song các nhân tố gây bất ổn vẫn gia tăng. Hai năm qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống ở các quốc gia, cũng như gây tác động tới quan hệ quốc tế. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng căng thẳng, chủ nghĩa đa phương suy yếu, thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt. Xu hướng mới, định hình cấu trúc chính trị, kinh tế thế giới diễn ra nhanh chóng, với sự xuất hiện tập hợp lực lượng đa dạng, liên kết mới phức tạp, đan xen, tác động đa chiều tới hòa bình, an ninh và phát triển của các nước, các khu vực.

Bối cảnh quốc tế đó đem đến cơ hội, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức cho các nước, trong đó có Việt Nam. Công tác đối ngoại có sẵn thuận lợi, song cũng đứng trước những thử thách mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ tư tưởng, nguyên tắc, phương hướng và nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại trong thời kỳ mới. Đó là, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Mục tiêu là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới của đối ngoại là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ công cuộc phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.