Báo chí quốc tế "thời Covid":

Như những chiến binh

Đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức chưa từng có với báo chí thế giới. Tài chính kiệt quệ, hiểm nguy rình rập khi tác nghiệp. Nhưng, "thế giới cần chúng ta"!

Như những chiến binh

Mất việc và nỗi ám ảnh cái chết

Trong điều kiện tài chính khó khăn, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Công, Trung Quốc) đã buộc phải cắt giảm lương của các nhân sự cao cấp, đồng thời yêu cầu các phóng viên luân phiên nghỉ không lương để giảm gánh nặng tài chính.

Trong khi đó, tập đoàn truyền thông SaltWire của Canada phải sa thải khoảng 40% số nhân viên trong ba tháng, vì "một nửa tổng doanh thu của chúng tôi bốc hơi trong chưa đầy một tuần", như Chủ tịch Mark Lever của SaltWire chia sẻ.

Nhưng ít nhất, các tờ báo kể trên còn có chút ít hy vọng. Giữa năm ngoái, tờ Tin tức Do thái (Canada) với lượng phát hành 32.000 bản mỗi tuần đã chính thức đóng cửa sau hàng chục năm hoạt động. Các phóng viên của tòa soạn này được thông báo quyết định đóng cửa qua một cuộc họp video, điều này càng cho thấy những khó khăn, chua chát của đội ngũ người làm báo thời đại dịch.

Giáo sư Emily Bell (Trường đại học Báo chí Columbia) đã làm khảo sát hơn 1.406 nhà báo của 125 quốc gia về các thách thức mà họ đối mặt trong mùa dịch. Kết quả, hơn 80% số người được hỏi ghi nhận tình trạng kiệt sức, khó ngủ và cảm giác bất lực khi phải đối mặt cảnh chết chóc khi tác nghiệp. Sốc hơn cả, 45% thừa nhận họ không được cung cấp bảo hộ y tế cần thiết khi "ôm" máy quay lao vào tâm dịch.

Tác nghiệp trong mùa dịch là chấp nhận rủi ro, chúng ta đều biết như thế. Nhưng làm sao có thể không đau lòng trước thông tin 602 nhà báo trên thế giới đã tử vong vì Covid-19 (số liệu thống kê của tổ chức Press Emblem Campaign - PEC có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ), nhiều người trong số đó nhiễm bệnh khi tác nghiệp?

Nhà báo Ellis-Petersen nghẹn ngào khi nhắc đến cái chết của các đồng nghiệp Ấn Độ - hiện cũng là quốc gia có số nhà báo qua đời vì Covid-19 nhiều nhất thế giới: "Ấn Độ rất rộng lớn, và tôi mang ơn các nhà báo địa phương. Họ có mặt ở hiện trường đếm các thi thể, phản ánh tình trạng thiếu hụt giường bệnh và oxy ở các bệnh viện để thế giới nắm được. Nhưng họ đã phải trả cái giá quá đắt: hơn 50 nhà báo đã ra đi mãi mãi sau khi đưa tin về đại dịch, chỉ trong vài tuần vừa qua".

Có thể nói, mỗi phóng viên thực địa đều đang phải đối diện với những nguy hiểm rình rập, không kém gì một phóng viên chiến trường đích thực.

Thế giới cần báo chí hơn bao giờ hết

Tuy nhiên, trong u ám mịt mù, còn một thứ đáng sợ không kém Covid-19 đang trỗi dậy mạnh mẽ: "Đại dịch tin giả". Thật vậy, thời điểm Covid-19 bùng phát dữ dội nhất cũng là lúc "đại dịch tin giả" đã tác động tiêu cực tới thông tin toàn cầu. Những thuyết âm mưu ngụy khoa học về nguồn gốc dịch bệnh xuất hiện khắp nơi trên internet, đến độ có không ít người còn tin rằng sóng 5G góp phần lây lan virus. Một số nhân vật truyền thông không có dụng ý xấu, tuy nhiên, do hiểu biết hạn hẹp và thiếu quy trình kiểm tra chéo thông tin, họ trở thành nơi phát tán những thông tin sai lệch về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.

Tin giả có thể giết người. Theo số liệu của WHO, chỉ trong vòng vài tháng đầu năm 2020, gần 6.000 người trên toàn cầu phải nhập viện vì thông tin sai lệch liên quan SARS-CoV-2, và có ít nhất 800 người đã chết do thiếu thông tin y tế.

Thực trạng trên buộc nền báo chí thế giới phải "xung trận". "Ngăn chặn sự lây lan" là tên một chiến dịch trong năm 2020 của hãng tin BBC, nhằm bóc trần những thông tin sai lệch về Covid-19 và giúp độc giả đề cao cảnh giác, tránh "ngộ độc" tin tức "bẩn".

Báo chí trở thành cầu nối giữa khoa học và người dân, biến những số liệu khô khan thành những diễn giải đơn giản để tiếp cận đại chúng dễ hơn, giúp ích nhiều hơn trong cuộc chiến với đại dịch. Giữa những khó khăn của đại dịch, các tờ báo chọn tư duy nhiều hơn để tồn tại. Tờ Nhật báo phố Wall điều chỉnh giao diện website và cách thức trình bày các luồng tin tức để thu hút độc giả. Các tờ báo ở Canada thì hợp tác cùng các nguồn lực xã hội để hỗ trợ những nhóm yếu thế trong dịch bệnh, với quan điểm: Báo chí chỉ "sống" nếu cộng đồng "sống".

Trên hết, những phóng viên - người trực tiếp sản xuất tin tức, vẫn duy trì ngọn lửa nhiệt huyết. "Đại dịch Covid-19 là thứ ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên thế giới và là chủ đề quan trọng mà báo chí cần dấn thân. Tôi đã không ngừng tác nghiệp kể từ khi đất nước phải giãn cách. Đó là công việc, là nhiệm vụ cao đẹp mà một nhà báo phải làm", nhà báo Leslie Rijmenams (Bỉ) khẳng định.

Trong khi đó, Trưởng ban Tin ảnh khu vực Bỉ, Hà Lan và Luxembourg của hãng tin Reuters - nhà báo Yves Herman - đã chọn cách truyền tải thông tin tích cực như một phương thức xua đuổi những cơn hoảng loạn. Herman chụp ảnh một bác sĩ đã 103 tuổi chạy marathon trong nhà để gây quỹ chống Covid-19. Hay như chùm phóng sự ảnh đầy cảm xúc của Reuters, về những "bức màn nhựa" để các gia đình có thể nhìn thấy nhau trong khu điều trị (trong ảnh).

Hơn hết, nhiệm vụ và vai trò của báo chí buộc các phóng viên đặt ra những phản biện hợp lý với ngay cả những nhà chuyên môn. Và để làm được điều đó, đội ngũ người làm báo dĩ nhiên phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức cơ bản.

Đối mặt với thực tiễn cực kỳ khó khăn, hết sức nguy hiểm, nhưng những con người đã lựa chọn nghề báo vẫn vô cùng kiêu hãnh và tự hào. Như những chiến binh!