Chào mừng Ngày bầu cử Ðại biểu Quốc hội khóa XV và Ðại biểu HÐND nhiệm kỳ 2021-2026

Lựa chọn cho được những người tài đức

Trong cuộc bầu cử đại biểu dân cử tới đây, bằng lá phiếu dân chủ của mình, người dân - cử tri Việt Nam sẽ lựa chọn được những người đại diện xứng đáng. Ðó cũng là điều kiện trực tiếp, quan trọng bậc nhất cho việc kiến tạo, xây dựng một bộ máy nhà nước hùng mạnh cho nhiệm kỳ mới.

ẢNH: ÐĂNG KHOA, DUY THÔNG, NGUYỄN ĐĂNG, CTV VÀ TTXVN
ẢNH: ÐĂNG KHOA, DUY THÔNG, NGUYỄN ĐĂNG, CTV VÀ TTXVN

Theo Ðiều 8 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, được sửa đổi bổ sung năm 2020 thì tất cả các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước ở Trung ương (Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội...) đều phải là đại biểu Quốc hội (ÐBQH), do Quốc hội bầu để nắm giữ các chức danh đó. Ðiều 67 của Luật này còn quy định: Các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng Dân tộc; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của các Ủy ban cũng phải là ÐBQH, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn để nắm giữ các chức danh trong cơ cấu tổ chức Quốc hội. Ngoài ra, trong nhiều khóa, các chức danh Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao cũng thường là ÐBQH. Nói cách khác, các chức danh chủ chốt trong ba nhánh quyền lực nhà nước đều là ÐBQH.

ÐBQH đạt được chất lượng cao tối ưu là những đại biểu có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, luôn luôn tận tâm, nhiệt huyết với công việc nhà nước. Những đại biểu như thế khi được Quốc hội bầu, phê chuẩn nắm giữ các chức danh trong bộ máy nhà nước, sẽ hành động sáng tạo, quyết liệt, sẽ làm cho bộ máy hoạt động có hiệu lực và hiệu quả nhất trong khả năng có thể. Vừa qua, trong ba lần hiệp thương, các cơ quan, các cấp có thẩm quyền và cử tri nơi cư trú, nơi làm việc của những người được giới thiệu và tự ứng cử trong cả nước đã sàng lọc, chọn lựa và xác định được 868 ứng cử viên (ƯCV) đạt tiêu chuẩn ở mức độ cao. Cử tri cả nước sẽ bầu chọn lấy 500 đại biểu đạt các tiêu chuẩn cao nhất, xứng đáng nhất vào Quốc hội khóa XV. Làm sao để cử tri “chọn mặt gửi vàng” đúng đắn nhất, chính xác nhất? Muốn vậy phải thực thi có hiệu quả các giải pháp cơ bản sau đây:

Tổng quát nhất về công tác chỉ đạo, hệ thống các tổ chức bầu cử từ Trung ương đến cơ sở phải áp dụng đồng bộ, đầy đủ, sát sao một hệ thống các biện pháp cụ thể mà các văn bản của Hội đồng bầu cử quốc gia, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ dẫn.

Về các giải pháp cụ thể, phải chuyển tải được thông tin đầy đủ, chính xác nhất của các ƯCV đến cử tri để cử tri thuận đường lựa chọn. Ở một vài cuộc bầu cử trước, không ít cử tri đã phát biểu rằng họ không biết gì nhiều về các ƯCV, bởi vì trong lý lịch trích ngang của ƯCV chỉ có các thông tin thông thường về họ tên, tuổi tác, quê quán, trú quán; trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình học tập và công tác... Khi vận động bầu cử, ƯCV cũng chỉ trình bày Chương trình hành động của mình nếu trúng cử...

Cử tri mong muốn được biết cụ thể, thực chất về mỗi ƯCV qua năm tiêu chuẩn ÐBQH. Thí dụ, tiêu chuẩn một, “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp... Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Cử tri rất muốn biết ƯCV đã và đang làm gì để thể hiện sự trung thành. Nếu ƯCV là đảng viên thì cử tri còn muốn biết rõ có suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không? Và các ƯCV nói chung có quốc tịch khác không? Có một thực tế khác là, những người có tài mà thiếu đức thì họ rất “nghệ thuật”, rất khéo léo, rất tinh vi trong việc che đậy thiếu sót, khuyết điểm, họ nói năng hoạt ngôn tới mức mà dường như ai nghe cũng xuôi tai. Vì vậy phải minh bạch, phải làm sáng rõ thực chất của mỗi con người. Về quốc tịch, thực tế đã từng có ƯCV không khai mình có hai quốc tịch, cho nên, khi bị phát hiện đã không được Hội đồng Bầu cử quốc gia công nhận trúng cử, hoặc bị bãi nhiệm. Hay là tiêu chuẩn hai, “... có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác”. Cử tri rất muốn biết từng hành vi cụ thể của ƯCV trong tiêu chuẩn này. ƯCV có cam đoan và chứng minh được rằng, mình hoàn toàn trong sạch, không tham nhũng, bản thân và gia đình không liên quan gì đến tham nhũng không? Tài sản của ƯCV có tương xứng với khả năng lao động, năng lực làm việc không?... Trong lúc này, đây là những vấn đề cực kỳ quan trọng; nếu phát hiện được trước, loại bỏ ngay khi bầu sẽ tốt hơn là để họ lọt vào bộ máy nhà nước, sau đó mới phát hiện, xử lý. Các tiêu chuẩn ba, bốn và năm cũng như vậy. Cử tri muốn biết tường tận uy tín, sự tín nhiệm và quan hệ của ƯCV với người dân nơi cư trú, với người lao động nơi làm việc như thế nào?

Lựa chọn cho được những người tài đức -0
 Ðược sự cho phép của Hội đồng Bầu cử Quốc gia ngày 16-5, tại xã đảo Sinh Tồn và Song Tử Tây, Ban bầu cử huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa tổ chức bầu cử.      Ảnh: HOÀNG TRIỆU

Sau cùng, nói đến phẩm chất đạo đức, năng lực, trí tuệ... của ÐBQH, nhất là những người nắm giữ các chức danh điều hành, lãnh đạo, không thể không nói đến bản lĩnh của họ. Thực tế không phải không có những đại biểu có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực trí tuệ ngời ngời nhưng bản lĩnh lại chưa cao. Trong những lần thảo luận kinh tế - xã hội, có đại biểu biết tường tận những hạn chế, thậm chí là yếu kém của các cơ quan trong bộ máy hành pháp, tư pháp, nhưng có thể vì lợi ích riêng của ngành mình, địa phương mình mà họ chỉ phát biểu theo kiểu đổ lỗi cho khách quan, hoặc bào chữa hộ. Trong thảo luận thông qua dự thảo luật, có đại biểu biết chắc chắn, nếu thông qua dự thảo luật đó thì sẽ chỉ đem lại lợi ích riêng cho ngành mình, còn xã hội thì chẳng có tác động tích cực gì, thậm chí là có hại, nhưng đại biểu thuộc ngành đó không hề phát biểu làm rõ sự thật, mà các đại biểu khác phải “phanh phui”... Quốc hội rất cần những đại biểu dám nghĩ, dám làm, thực hiện đến cùng những vấn đề mà mình cho là đúng đắn, có lợi cho đất nước, cho nhân dân; dám đối diện sự thật, luôn luôn có trách nhiệm với công việc và không ngần ngại thử thách với chính mình. Các cơ quan lãnh đạo công tác tổ chức cuộc bầu cử phải chỉ đạo thực thi cho được việc này.

Nói một cách tổng quát là, thông qua các tiêu chuẩn của ÐBQH, cử tri phải nắm bắt, hiểu biết được một cách sâu sắc, cụ thể, tường tận những quy định thuộc tiêu chuẩn mà ƯCV đã thể hiện trong thực tế cuộc sống để yên tâm lựa chọn chính xác trước khi quyết định, khắc phục tình trạng so đo bầu theo vị trí, chức vụ, theo trình độ học vấn từ cao đến thấp mà không rõ thực chất.

Hiện nay theo quy định, cử tri được biết hai tài liệu về ƯCV, đó là tiểu sử tóm tắt và Chương trình hành động. Nhưng hai tài liệu đó, theo tôi, là chưa đủ thông tin để cử tri nắm được thực chất con người của mỗi ƯCV. Thực tế, khi ƯCV được giới thiệu về ứng cử ở địa phương, được phân chia về các đơn vị bầu cử thì còn có bốn loại văn bản tài liệu thông tin về ƯCV, đó là Ðơn ứng cử; Sơ yếu lý lịch; Tiểu sử tóm tắt và Bản kê khai tài sản, thu nhập. Cử tri cũng cần phải được thông báo về những nội dung đó. Vì vậy, cần có thêm một tài liệu thứ ba, đó là thông báo mức độ đạt được năm tiêu chuẩn luật định của ÐBQH đối với từng ƯCV. Trong đó có phần tự nhận xét, đánh giá của bản thân ƯCV; xác nhận của nơi giới thiệu người làm ƯCV, có nhận xét của nơi làm việc về quan hệ với quần chúng lao động, nhận xét của nơi cư trú về quan hệ với nhân dân, ở cả hai nơi về mức độ uy tín, tín nhiệm; đánh giá của cơ quan có thẩm quyền về sự trung thực trong kê khai tài sản, về bản lĩnh chính trị. Ngoài ra còn vấn đề kỷ luật đảng, chính quyền, đoàn thể (nếu có). Ðây vừa là giải pháp giúp cử tri lựa chọn đúng người xứng tầm, vừa là giải pháp tiếp tục phát huy dân chủ, công khai đầy đủ thông tin về ƯCV và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, của cử tri.

TS BÙI NGỌC THANH

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Luật sư Ðào Thị Liên, Giám đốc điều hành Công ty Luật Tiền phong:

Năm 2021 là tròn 30 năm thời điểm Ðại hội lần thứ VII của Ðảng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội, bảo đảm thực hiện trọn vẹn chức năng là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội lần này diễn ra trong giai đoạn đầy thách thức của đất nước, đặc biệt là trước những nguy cơ ngắn hạn và cả dài hạn của đại dịch Covid-19. Nhìn vào danh sách ứng cử viên, có thể thấy nhiều gương mặt trẻ, xuất sắc, thuộc nhiều thành phần khác nhau tham gia tranh cử. Tôi tin rằng nếu được tổ chức cẩn trọng và nghiêm túc, Quốc hội lần này sẽ có những đại biểu xứng đáng, tiếp tục góp phần đổi mới và nâng cao vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị nước nhà.

TS Phạm Huỳnh Công (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội):

Mong mỏi của cử tri, cũng như của cá nhân tôi về kỳ bầu cử lần này là: Ðất nước ta trong thời gian qua đã, đang phát triển toàn diện, vững mạnh là do công sức, trí tuệ của toàn Ðảng, toàn dân, trong dó có công của đại biểu ở cả các cấp do dân cử. Do vậy mong muốn của toàn dân chắc chắn là: Các đại biểu được bầu ra sẽ phát huy thành tựu của các nhiệm kỳ trước, sát dân hơn nữa, hòa nhịp với hơi thở và đời sống của nhân dân để có những ý kiến xác đáng, tinh túy giúp Nhà nước, giúp Ðảng ta đưa ra các đường lối chính sách phù hợp để phát triển toàn diện đất nước. Thời gian đến ngày bầu cử đã rất gần, mong rằng các ứng cử viên cùng các tổ chức bầu cử cần tích cực, nỗ lực hơn nữa, bảo đảm công tác tổ chức, sao cho mỗi cử tri đều vui vẻ, hăng hái đến nơi bỏ phiếu với tâm trạng tràn đầy tin tưởng.