Lấy hiệu quả làm gốc

Sắp xếp lại đơn vị hành chính là việc cần được nghiên cứu thận trọng, bảo đảm các tiêu chí hiện hành, phù hợp tính chất vùng, miền; mức độ phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc trong tình hình mới hiện nay và tương lai; cũng như là việc khi tiến hành không thể bỏ qua ý kiến của nhân dân. Quan trọng hơn, đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chi tiêu thường xuyên có giảm không? Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương có được nâng lên hay không? Chỉ số hài lòng của người dân có tăng lên hay không? Những câu hỏi xác đáng này rất cần được trả lời cụ thể, với số liệu và "địa chỉ" rõ ràng.

Một buổi làm việc của lãnh đạo huyện Tri Tôn (An Giang) với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Lương An Trà. Ảnh: NGÔ CHUẨN
Một buổi làm việc của lãnh đạo huyện Tri Tôn (An Giang) với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Lương An Trà. Ảnh: NGÔ CHUẨN

"Sắp xếp thế nào thì cuối cùng vẫn phải là nâng cao năng lực, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, tuyệt đối không lấy hai anh mạnh để nhập lại thành một anh yếu", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều này khi bàn về kế hoạch giám sát việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Không chia nhỏ đơn vị hành chính

Để có thể đánh giá toàn diện, sâu sắc và đưa ra những nhận định xác đáng nhất, cụ thể nhất về việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, sẽ còn phải đợi kết quả giám sát thực tế của Quốc hội. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau hơn hai năm (2019-2021) thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, theo đề nghị của các địa phương, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 85 Nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Nhìn chung, kết quả bước đầu đã khắc phục cơ bản tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính trong các nhiệm kỳ trước, bước đầu giảm được tám đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 đơn vị xuống còn 705 đơn vị), giảm 563 cấp xã so với năm 2016 (từ 11.162 đơn vị xuống còn 10.599 đơn vị), phù hợp quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa ở các địa phương.

Bộ Nội vụ nhấn mạnh, quá trình thực hiện Nghị quyết, không có trường hợp chia đơn vị hành chính các cấp và từ nay cũng sẽ không chia nhỏ nữa, trừ trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh (do Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định).

Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được nhìn nhận "đã tiến hành trên cơ sở đồng thuận cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở".

Chưa có sự thay đổi nào được thực hiện đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh, song khả năng sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng đã được nghiên cứu, đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương. Ngày 4/5/2021 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ nghiên cứu phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Phải đánh giá tác động nhiều chiều

Cái được đầu tiên có thể thấy là số lượng cán bộ công chức đã hoặc sẽ giảm. Qua sắp xếp đã chỉ ra được hơn 9.000 vị trí dôi dư mà khi xử lý xong sẽ làm cho bộ máy hành chính gọn gàng hơn, gánh nặng tiền lương cũng nhẹ bớt.

Nhưng công bằng mà nói, trong suốt 5 năm, từ 2016 - 2021, tỷ lệ sắp xếp được còn khá khiêm tốn. Chẳng hạn như cấp huyện, chỉ giảm được tám đơn vị, bằng hơn 1,1% số đơn vị hành chính cấp huyện. Trong khi, theo thống kê của Bộ Nội vụ, có tới 259/713 đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và/hoặc quy mô dân số (chiếm 36,33%). Cấp xã cũng có tới 6.191/11.160 đơn vị chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và/hoặc quy mô dân số (chiếm 55,46%).

Bộ Nội vụ đề xuất trong ba năm 2019-2021 sẽ sắp xếp lại khoảng 16 quận, huyện và 637 xã, phường, thị trấn chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Sau đó, sẽ xem xét để sáp nhập 200 huyện và hơn 6.000 xã có một trong hai tiêu chí diện tích hoặc dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn.

Nếu cứ với tiến độ này thì bao nhiêu năm nữa mới thực hiện rà soát, sắp xếp xong? Đâu là những lực cản cần đến sự quyết đáp của Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội? Bên cạnh đó, làm thế nào để đạt được sự đồng thuận của nhân dân, vì khác với nhiều công việc khác, đây là tiến trình đòi hỏi phải phổ biến, thuyết phục để người dân tin tưởng và ủng hộ.

Quan trọng hơn, đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chi tiêu thường xuyên có giảm không? Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương có được nâng lên hay không? Chỉ số hài lòng của người dân có tăng lên hay không? Những câu hỏi xác đáng này rất cần được trả lời cụ thể, với số liệu và "địa chỉ" rõ ràng.

Tinh giản biên chế là việc không chỉ cần làm mà còn là yêu cầu bắt buộc phải làm trong bối cảnh ngân sách khó khăn, phải gánh vác quá nhiều nhiệm vụ chi; trong khi hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ công chức nói chung còn chưa cao. Tất nhiên, sắp xếp lại đơn vị hành chính là việc cần được nghiên cứu thận trọng, bảo đảm các tiêu chí hiện hành, phù hợp tính chất vùng, miền; mức độ phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc trong tình hình mới hiện nay và tương lai; cũng như là việc khi tiến hành không thể bỏ qua ý kiến của nhân dân.

Song, đây là điều hoàn toàn có thể làm tốt. Còn nhớ năm 2018, Thủ tướng Phạm Minh Chính - khi đó là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - đã đề cập chuyện Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Coi đây là một "bài học thành công sống động", góp phần tinh giản đội ngũ, đồng chí Phạm Minh Chính nêu câu hỏi rất đáng suy nghĩ: "Sáp nhập tỉnh lớn như vậy còn làm được, vậy xã, phường tại sao lại không làm được"?.