Đất thép bên dòng Cửu Long Giang

Huyện cù lao Chợ Mới nằm giữa hai dòng sông Tiền, sông Hậu. Miền đất trù phú này là một trong những cái nôi cách mạng của vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc. Sự kiện lá cờ đỏ búa liềm phấp phới tung bay trên cột Dây thép vào năm 1930, khi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở đây được chính thức thành lập, đã khiến chính quyền Pháp và tay sai ăn ngủ không yên. Sau hơn 40 năm kể từ ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước nối liền một dải, Chợ Mới đã xây dựng quê hương phát triển mọi mặt, xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền nam thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Chợ Mới vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Và đ
Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền nam thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Chợ Mới vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Và đ

Tự hào là cái nôi cách mạng

Chợ Mới là huyện đầu tiên mà các chúa Nguyễn trong tiến trình Nam tiến đã đặt chân đến. Với lợi thế nằm giữa trục giao thông thủy vô cùng thuận lợi, những cư dân khai phá miền đất phương nam đã hình thành các xóm làng như đất Cù Lao Giêng, Chợ Thủ, Long Điền... mỗi địa danh đều gắn chặt với cuộc khai hoang mở đất, buôn bán và giữ vững bờ cõi quê hương. Thời Pháp thuộc, do phù sa màu mỡ, ruộng rẫy canh tác tốt, nên sưu cao thuế nặng luôn đè lên đôi vai những người nông dân chất phác. Cũng từ đó, tinh thần yêu nước, quật khởi luôn sôi sục trong tâm tư nhân dân. Chính tình cảnh ấy, dân làng vùng Cái Tàu Thượng (Hội An, Chợ Mới) thường ngâm bài vè vào những ngày xuân về, Tết đến:

“... Tưởng có mùa màng
Gặp cảnh hung hoang,
Chủ điền vét sạch
Trong ba ngày Tết,
Hương khói lạnh tanh...”.

Sống cảnh cùng cực dưới gông xiềng ngoại bang, chính quyền thối nát, bà con đất Chợ Mới luôn trào dâng ý chí đấu tranh. Chợ Mới đã trở thành cái nôi cách mạng của vùng đồng bằng sông Cửu Long với những cái tên đi vào lịch sử như Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Cưng, Lưu Kim Phong...

Đồng chí Tô Văn Chấn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Chợ Mới cho biết: “Từ những năm 1924-1926, Chợ Mới đã chịu sự ảnh hưởng lớn của các phong trào đấu tranh dân chủ đang sôi sục khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Đặc biệt, thời gian này, ở Chợ Mới có thầy giáo Châu Văn Liêm vừa bị điều chuyển từ trung tâm tỉnh lỵ Long Xuyên về Chợ Thủ dạy học do vi phạm kỷ luật “có đầu óc chống Pháp”. Cùng thời điểm ấy, ngược về thượng nguồn sông Tiền, ở Kiến An, những thanh niên yêu nước có học thức cũng giác ngộ tư tưởng yêu nước của Nguyễn An Ninh như Lê Triệu Kiết, Lê Văn Khiết, Lê Duy Hinh đã lập ra hiệu thuốc nhằm che mắt quân thù.

Đến tháng 8 năm 1927, Việt Nam cách mạng thanh niên Nam Kỳ được thành lập, đồng chí Nguyễn Ngọc Ba được Kỳ bộ phân công về Hậu Giang - Long Xuyên hoạt động với nghề dạy học. Như cá gặp nước, ngay khi về đất Long Xuyên, Nguyễn Ngọc Ba đã kết giao với thầy giáo Châu Văn Liêm và trí thức trẻ Ung Văn Khiêm tuyên truyền đường lối cứu nước của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc lập ra trên đất Quảng Châu (Trung Quốc). Cuối năm ấy, cả hai nhà yêu nước Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm được kết nạp vào Việt Nam cách mạng thanh niên tại xã Long Điền. Chính thức mở đường cho phong trào cách mạng nơi đây”.

Tháng 3 năm 1930, Ban chấp hành lâm thời của Đảng bộ tỉnh Long Xuyên chính thức được thành lập và Chợ Mới được chọn là nơi xây dựng các chi bộ Đảng đầu tiên. Tháng 4 năm 1930, một trong những chi bộ Đảng cấp quận huyện ở miền nam được thành lập ở Long Điền do đồng chí Lưu Kim Phong làm Bí thư chi bộ quận Chợ Mới, ghi mốc son chói lọi cho sự phát triển vững mạnh của Đảng ta những ngày đầu thành lập trên vùng đất địa đầu Tây Nam Tổ quốc.

Chào mừng sự kiện lịch sử ấy, Chi bộ đã giao cho thanh niên yêu nước Lê Văn Đỏ, một trong những quần chúng trung kiên, giác ngộ tinh thần cách mạng, trọng trách treo lá cờ Đảng trên đỉnh Cột Dây Thép - nơi được xem là biểu trưng cho sự phát triển, nguồn cung cấp thông tin liên lạc quan trọng nhất vùng của chính quyền Pháp và tay sai. Lá cờ đỏ búa liềm phấp phới tung bay giữa đôi bờ sông Tiền đã minh chứng cho sự tồn tại, phát triển của Đảng Cộng sản, khẳng định vùng đất Chợ Mới và cả miền nam đã có Đảng lãnh đạo nhân dân cần lao chống lại sự áp bức của chính quyền thực dân Pháp và phong kiến tay sai bù nhìn. Lịch sử đất Chợ Mới, Long Xuyên nói riêng và cả vùng đất Tây Nam Bộ đã sang trang mới khi lá cờ Đảng tung bay ngay đầu nguồn sông Cửu Long.

Xứng danh truyền thống

Tháng 4-2015, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền nam thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Chợ Mới vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Và đây là lần thứ hai Chợ Mới nhận phần thưởng cao quý do Chủ tịch nước trao, sau danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đón nhận năm 2000. Ngày vui ấy, chứng kiến đoàn diễu hành qua các tuyến phố trong huyện, bác Nguyễn Văn Xén, 75 tuổi, gắn cả đời mình với vùng đất cách mạng, rưng rưng xúc động: “Nhanh quá, vậy mà đã bốn mươi năm đất nước thống nhất. Ngày đầu giải phóng, ai nghĩ có phố xá khang trang vầy. Chợ Mới ngày đó nghèo lắm, có vài ba cái nhà tường, trường học cũng ít, vậy mà bây giờ đường rộng thênh thang, có cả cây cầu Ông Chưởng to đùng, rồi ruộng đồng thì luôn luôn cho thu hoạch hoa màu, cây trái hàng trăm triệu đồng. Nhà nào cũng ti-vi, tủ lạnh, xe cộ tùm lum... Có mơ tui cũng không nghĩ ra nổi chú ạ!”.

Hiện Chợ Mới là huyện đầu tiên của tỉnh An Giang đạt hai chỉ tiêu: thu nhập bình quân hơn 70 triệu đồng/người/năm; năm 2015 thu ngân sách hơn 170 tỷ đồng. Vào những ngày đầu năm 2016 này, Chợ Mới chỉ còn khoảng 1,21% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Chợ Mới cũng đã và đang tạo được nền tảng khá vững chắc cho phát triển nông thôn mới, chuyển dịch nội ngành nông nghiệp từ chuyên canh lúa sang màu, vườn cây ăn trái đạt đến 45% diện tích nâng giá trị bình quân thu nhập trên một héc-ta đất nông nghiệp lên gần 475 triệu đồng/năm, phát triển đàn bò đến 30 nghìn con. Trái xoài ở xã Bình Phước Xuân lần đầu tiên được công nhận thương hiệu quốc gia...

Tiếp chúng tôi bên tách trà ngút khói, đồng chí Phan Hồng Phước, Bí thư Đảng ủy xã Long Điền B trần tình: “Xã mình được tách ra từ xã Long Điền, cái nôi cách mạng của Đảng bộ địa phương ngày trước, tuy không giàu như nhiều xã khác và vẫn làm nông là chính, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, quyết tâm của chính quyền và nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới đã có 27 tỷ đồng bà con đóng góp. Có thêm hai chiếc xe cứu thương tiêu chuẩn trị giá hơn 1,4 tỷ đồng. Hàng rào, cột cờ, đèn đường liên ấp đều bảo đảm 100%... Đặc biệt là phong trào mỗi tháng một đảng viên vận động một người thân mua một bảo hiểm y tế và lập quỹ xoay vòng mua bảo hiểm y tế của cán bộ đảng viên xã, ấp”. Chính hai phong trào này mà giờ Long Điền B có đến 66% nhân dân có bảo hiểm y tế. Rồi phong trào cán bộ lãnh đạo giúp một hộ đặc biệt khó khăn mà hai đồng chí bí thư, chủ tịch xã đi đầu giúp 300 nghìn đồng/hộ/năm. Đến nay, tất cả cán bộ xã có điều kiện gia đình khá giả đều thực hiện mô hình giúp hàng chục hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống...

Những ngày đầu năm mới 2016, người dân huyện cù lao đang hướng về Thủ đô Hà Nội, nơi sẽ diễn ra Đại hội XII của Đảng, với món quà là hàng loạt công trình trọng điểm như dự án Nam Vàm Nao với tổng vốn hơn 1.209 tỷ đồng, công trình cầu Cựu Hội, cầu Tấn Mỹ - Mỹ Luông và tiếp theo là cầu Chợ Mới - Tân Long sẽ hòa vào hệ thống giao thông hiện đại. Chưa kể, với sự đồng thuận của nhân dân, hơn 355 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, 344 tỷ đồng từ nguồn thi đua “dân vận khéo” nhiệm kỳ qua được nhân dân hỗ trợ giúp Đảng bộ, chính quyền địa phương hoàn chỉnh những hạ tầng thiết yếu của nông thôn như cầu đường liên thôn, liên ấp, trường học, trạm y tế... Tất cả những hoa thơm, quả ngọt của mảnh đất cù lao anh hùng càng minh chứng cho ý Đảng, lòng dân hòa cùng một nhịp.