Bước ngoặt trong phòng, chống Covid-19

Tối 12-10, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam thay mặt Chính phủ đã ký Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Nghị quyết 128 nêu rõ, khi áp dụng quy định mới, tạm thời không áp dụng các quy định tại khoản 1 Ðiều 1 của Nghị quyết 86 ngày 6/8/2021 của Chính phủ và các Chỉ thị số 15 ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16 ngày 31/3/2020, Chỉ thị số 19 ngày 24/4/2020 của Thủ tướng, Quyết định số 2686 ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cao hơn các biện pháp tại Quy định này thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.

Căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố quyết định các biện pháp hành chính phù hợp bao gồm các quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người... và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.

Nghị quyết nhấn mạnh, bảo đảm mục tiêu kép, nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn và điều kiện của đất nước; bảo đảm người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

Nhận định ngắn gọn về nghị quyết này, một doanh nhân hồ hởi: "Ðây chính là xác lập trạng thái bình thường mới". Sẽ không còn tình trạng trên mở dưới thắt do sự thận trọng thái quá biến thành nỗi sợ hãi – sợ dịch bệnh tái bùng phát, sợ trách nhiệm… Sẽ không còn những cách hiểu, cách thực hiện khác nhau về Chỉ thị 15, 16, 19 một cách vô tình hay cố ý, tạo ra tình trạng "cát cứ" giữa các địa phương. Chính sách chống dịch với các tiêu chí về độ phủ vaccine, năng lực chữa bệnh… được định lượng rõ ràng sẽ bảo đảm sự thống nhất trên toàn quốc.

Quả thật, đây là động thái dứt khoát của Chính phủ, giúp giải tỏa được những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Ðược ban hành đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, trao cho doanh nghiệp quyền tự chủ hơn về phòng, chống dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, Nghị quyết 128 có thể coi là một món quà đầy ý nghĩa, không chỉ có tính khích lệ về tinh thần đối với doanh nghiệp mà còn cởi bỏ nhiều nút thắt đang làm cho cộng đồng doanh nghiệp - vốn đã bị dịch bệnh bào mòn tiềm lực và khả năng cạnh tranh - thêm phần mệt mỏi.

Nhưng cũng cần nói thêm rằng, Nghị quyết 128 không có nghĩa là "tháo khoán". Nghị quyết 128 khẳng định rất rõ rằng dịch bệnh vẫn tồn tại, số lượng ca nhiễm vẫn còn, thậm chí có thể gia tăng ở một số địa phương và chính sách chống dịch sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo từng cấp độ, tùy thuộc vào các chỉ số cụ thể. Các biện pháp phòng ngừa đối với mỗi cá nhân, tổ chức và chính quyền vẫn phải được thực hiện nghiêm túc, từ nguyên tắc 5K, từ phát hiện và điều trị Covid-19 cho đến đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, vận hành hệ thống khám, chữa bệnh một cách khoa học để các bệnh nhân "không - Covid-19" cũng được điều trị kịp thời và an toàn...

Chỉ có như thế, cả nước mới mau chóng trở lại những ngày bình thường, chuẩn bị đón "mùa bình thường - mùa vui theo én về" dần tới.