Cuộc sống hôm nay ví như một bức tranh bộn bề hiện thực. Nhiều khi ta dễ dãi "thêm vào" những thứ phục vụ cho nhu cầu không biết bao giờ mới đủ của hiện tại mà coi nhẹ việc nghiêm khắc "bớt đi" những gì làm nó trở nên xấu xí, ngột ngạt, lạc hậu. Khi "ca sĩ" Lệ Rơi được một bộ phận cộng đồng mạng (trong đó có cả những tờ báo) "tôn vinh", là lúc văn hóa phải rơi lệ. Thật, giả, tốt, xấu, đúng, sai không dễ nhận diện trong kỷ nguyên thông tin toàn cầu.
Cái đẹp luôn ở phía chân trời (Apollinaire), nhưng những cái chưa đẹp cũng ẩn nấp một cách tinh vi, trong những hàng cây, con đường, cây cầu, tượng đài đến khi bị sét đánh... mới chịu lộ diện. Đôi khi nó lẩn trốn trong những chiếc áo đẹp hoặc trong sự nhân danh cái đẹp. Mối tình đẹp đẽ và cao thượng của cặp "vợ chồng hát rong" Nguyễn Nhật Thanh - Nguyễn Như Đào đã làm trái tim rất nhiều khán giả chương trình Điều ước thứ bảy của Đài Truyền hình Việt Nam thổn thức, cho đến khi bị phát hiện đó chỉ là câu chuyện không đúng sự thật. Ê-kíp làm chương trình còn quá trẻ, nên được cảm thông thay vì lên án, bởi chính họ cũng không tìm được lý do gì có thể giải thích cho hành động lừa dối này. Tôi tin tâm huyết của đạo diễn chương trình, muốn "thực hiện những điều tử tế dành cho những người tử tế". Nhưng tôi cũng tin nỗi buồn của anh "là từ giờ mình không được phép tin nhân vật mà mình yêu quý nữa". Đó chính là sự khắc nghiệt của nghề báo thời nay. Phải làm thế nào để thận trọng mà không mất lửa, tỉnh táo mà không vô cảm, an toàn mà không tẻ nhạt, thêm và không bớt?
Bạn thân mến,
Tôi không biết câu chuyện dưới đây có trả lời được câu hỏi ấy không?
Trước khi thử nghiệm làm thơ haicâu (một thể thơ tối giản), nhà thơ Lê Đạt dành nhiều thời gian nghiên cứu thơ haiku của Nhật Bản. Có một giai thoại về thi sĩ, thiền sư Basho, đồng thời cũng là một nhà thơ haiku lỗi lạc, tôi được nghe ông kể và vẫn còn nhớ mãi. Một nhà thơ trẻ mang bài thơ mới sáng tác tới gặp Basho để nhờ ông góp ý. Bài thơ như sau:
Con chuồn chuồn đỏ
Ngắt đi đôi cánh
Quả ớt
Về mặt kỹ thuật, thì đây là một bài haiku hoàn chỉnh, nhưng Basho nghe xong không nói gì. Để cho nhà thơ kia sốt ruột gặng hỏi ông mới thủng thẳng góp ý: - Anh hãy thử đặt các câu thơ ngược lại.
Quả ớt
Chắp thêm đôi cánh
Con chuồn chuồn đỏ
Vẫn ngần ấy câu chữ, nhưng khi thay đổi trật tự, và đổi từ "ngắt đi" bằng "chắp thêm" ta đã có một bài thơ haiku cực hay. Con chuồn chuồn bị biến thành quả ớt làm sao có thể so sánh với quả ớt biết cất cánh bay! Cái hay nằm ở chỗ, nếu ta chưa tạo thêm sự nảy nở, sinh sôi cho cuộc đời, thì cũng đừng lấy đi những gì nó có. "Thêm vào" mà không "bớt đi" đôi khi chỉ giản dị như vậy thôi.