Nhớ phố đi qua phố của Ðinh Vũ Hoàng Nguyên

Nhanh quá, đã 13 năm, lại sắp đến ngày Ðinh Vũ Hoàng Nguyên rời cõi tạm. Ngày 23/3 tới cũng là sinh nhật Nguyên. Gia đình, bạn bè hay những người yêu thích những con chữ của Nguyên đều nhớ làm một việc gì đó nho nhỏ. Như giở cuốn sách “Có một phố vừa đi qua phố” để gặp lại những bài thơ, tản văn, truyện ngắn hay thắp một nén nhang, một ngọn nến rồi trong cái mùi trầm hương thoang thoảng, mở trang blog “Lão thầy bói già” để nhớ về những trang nhật ký của Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thơ, họa sĩ Đinh Vũ Hoàng Nguyên.
Nhà thơ, họa sĩ Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Đọc để được nhớ Nguyên sâu sắc hơn, được khóc cười, được thấy cuộc đời mình thật hạnh phúc khi cùng thời với mình có một Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Đã có “Một người Hà Nội” trong hội họa của Bùi Xuân Phái, trong âm nhạc “Em ơi Hà Nội phố” (Phú Quang- Phan Vũ) thì có thể nói Đinh Vũ Hoàng Nguyên cũng là “một người Hà Nội” với “Có một phố vừa đi qua phố”.

Có bao người vừa đi qua phố

Có một phố vừa đi qua phố

Có chút lòng khẽ chạm… làn rêu.

Phố, làng lúa làng hoa

Người trong phố về quê trong phố

Ngã tư lòng

vương

ngát sen hương…

…Ta bên nhau trên phố của bao người

Bao ân tình vừa đi qua phố

Có một phố vừa đi qua phố!

Có một người lắng phố, bên em.

Em hồn nhiên cho phố hồn nhiên

Tóc phả mái bên chiều

phai phai nắng ngói…

Thân thương quá!

lòng sao chợt hỏi

Phố của mình có nối… phố trong em?

* * *

Cách đây một tuần, tôi có gọi cho bên Nhã Nam, hỏi có còn cuốn “Có một phố vừa đi qua phố” nào không? Bên đó còn 20 cuốn, tôi đồng ý lấy hết bởi muốn tặng cho những người bạn ở nước ngoài đã từng đọc Nguyên mà chưa có sách. Đây là một tập hợp các bài viết của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, nhân kỷ niệm một năm ngày mất. Sách dày 240 trang do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn phát hành, con số đã lên tới hơn 24 nghìn cuốn. Lần tái bản gần đây nhất là năm 2023. Không nhiều tác giả được bạn đọc yêu mến dường ấy, mặc dù trước đó, người ấy chưa từng xuất bản một cách chính thống.

Mọi người biết đến Nguyên qua trang blog “Lão thầy bói già”, tôi cũng vậy. Độc giả của Nguyên gần như chẳng thiếu một tên tuổi nào, từ Nguyễn Trọng Tạo, Dương Minh Long, Lê Minh Hà (Đức)…. đến cánh nhà báo Dương Phương Vinh, Đỗ Thu Hà, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Hương.

Nói không ngoa, tất cả những người ấy đều nghiện những truyện ngắn, hoặc tản văn, hoặc thơ Nguyên post lên, nhiều kỳ, lôi cuốn, hồi hộp, cười đau cả ruột mà nước mắt ứa ra lặng lẽ. Nhà văn Lê Minh Hà nhận xét: “… chưa thấy ai có được những status hài hước thế. Đây không hẳn là cái duyên, giỏi nhìn ngó và biết kể, mà là một kiểu tư duy, không thể nào bắt chước được”.

Nhớ phố đi qua phố của Ðinh Vũ Hoàng Nguyên ảnh 1

Cuốn sách “Có một phố vừa đi qua phố”.

Có người nói: “Nhờ làn sóng mạng, tên tuổi của một người chưa bao giờ cầm tấm hộ chiếu đã vượt ra khỏi biên giới và trở nên quen thuộc. Hàng vạn người bạn trên mạng đều cảm thấy may mắn vì được kết bạn với một họa sĩ, một cây bút đặc biệt. Say sưa đọc và theo dõi từng bài viết, hoặc status, không ít người tự hỏi điều gì đã làm Nguyên nổi tiếng đến vậy?”.

Điều gì ư? Chính là chữ của Nguyên, là cách viết, là những chi tiết đời sống được Nguyên ghi lại bằng tài năng dụng ngôn. Nó vừa có tính văn chương, có chất sống, gợi cho người ta những vui buồn, cảm xúc với tác giả. Cuốn sách cho thấy một gương mặt tương đối đặc biệt trong giới viết lách hiện nay: một người không định làm văn chương, nhưng đã đạt đến giá trị văn chương. Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà lý giải: “Nguyên nổi tiếng và được yêu mến có lẽ vì anh nói hộ tâm sự, và cả ẩn ức của nhiều người. Và đùa duyên đến nỗi giúp người ta chặn được cục nghẹn mà đùa theo”.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tranh của Nguyên cũng độc đáo không kém thơ và tạp văn của anh, tiếc là hiện gia đình không giữ được nhiều. Có lẽ vì tính tình Nguyên phóng khoáng và quá nghệ sĩ, có khi vẽ xong cho luôn, có khi bán “lúa non” cho nhà sưu tập để lấy tiền “bia rượu khề khà”. Phần khác vì do mắt Nguyên ngày càng có vấn đề thị lực nên dần ít vẽ.

Những bức tranh phố mầu sắc tươi vui, “mảng miếng” rất phong cách, nhiều cảm xúc của Nguyên thường được bày ở chỗ trang trọng nhất trong gallery. Tôi từng nghe đại diện một phòng tranh như thế chia sẻ, rằng ai trót mê tranh của Nguyên thì “đắm” luôn, đến mức anh vừa xong phác thảo thì nhà sưu tập đã “chốt”.

Nguyên viết không nhiều, nhưng đọc dòng nào cũng thấy ở đó một giá trị. Thâm thúy trí tuệ trong sự hóm hỉnh, trần tục đời thường nhưng không thô thiển. Những ngóc ngách đời sống được quan sát bằng đôi mắt thông minh, sắc sảo, kỹ lưỡng và được kể bằng loại văn hài hước dí dỏm và nhân ái. Văn của Nguyên ngắn đến nỗi không thể ngắn hơn. Ngắn nhưng mà đủ, mà hàm chứa rất nhiều, duyên ở chỗ ngắn, nếu viết dài hơn thì vơi đi sự cuốn hút, thì không còn là Nguyên.

Thơ của Nguyên nồng ấm, thả chữ rất tài tình. “Lão thầy bói già” cuốn hút đến mức có hàng vạn người từ khắp nơi trên thế giới, nhờ Nguyên bắc nhịp cầu mà trở thành bạn bè của nhau. Từ khi Nguyên ốm, hàng trăm người không quen đã đến tận giường để nhìn cho được con người mà họ yêu mến nằm đó, gầy yếu, xanh xao, đau đớn nhưng vẫn tươi cười.

Văn học, hội họa và thái độ sống của Nguyên giống như cây cầu nối người Việt trên toàn thế giới đến gần nhau. Bằng chứng là khi Nguyên mất, rất đông người từ khắp mọi nơi trực tiếp đến dự tang lễ và gửi gắm hàng ngàn lời chia sẻ trên “ngôi nhà ảo” của Nguyên. Cho đến bây giờ sau ngần ấy năm, các tin nhắn vẫn tiếp tục gửi đến, vẫn trò chuyện với một Nguyên ở cõi khác hoặc với Hòa- vợ Nguyên. Để được gần Nguyên hơn, để mãi nhớ Nguyên trong đời.

Nhớ phố đi qua phố của Ðinh Vũ Hoàng Nguyên ảnh 2

Tranh của Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Tôi quen với TS Trịnh Hòa (sau những năm thích đọc Đinh Vũ Hoàng Nguyên) bởi cái duyên cùng mê hoa quỳnh. Hòa học giỏi từ nhỏ, đỗ trường chuyên rồi nhận học bổng, đỗ tiến sĩ ở nước ngoài. Từ một người hâm mộ blog “Lão thầy bói già”, sau một bình luận tình cờ, họ trở thành một đôi bạn “hợp cạ”. Hợp một cách kỳ lạ, không giống ai.

Hòa có học vị cao, giàu lý tính, luôn có kế hoạch trong mọi việc và là người biết tổ chức để hoàn thành điều đã định. Còn Nguyên, một người có thể kiên trì ngồi nghe và ghi chép tất cả những gì cho là thú vị, nhưng không bao giờ có kế hoạch gì. Tất cả đều do cảm xúc sai khiến, chỉ có nghệ thuật là Nguyên muốn đi tới cùng còn mọi thứ khác thì tùy hứng. Nhưng họ lại thành một đôi. Ban đầu là bạn bè đi làm những việc thiện nguyện với sinh viên, rồi thành vợ chồng… Mỗi lần nhìn cháu Bũm, con của vợ chồng Nguyên giờ đã 14 tuổi, tôi lại nhớ bài thơ “Mầm nắng”, Nguyên viết cho con:

“Khi ba cầm tờ kết quả siêu âm

bác sĩ ghi: “có tiếng tim thai”.

Trong bụng mẹ, con chỉ mới bằng hạt đỗ.

Ba đã áp tai tìm tiếng tim con

dù biết chẳng thể nào nghe được...

...Bụng mẹ kết thành đêm

Ủ hạt mầm nắng ngủ

Nơi bầu đêm con thở

Nắng của đời ba xanh…

Đọc mà không lần nào cầm nổi nước mắt. Liền đó là câu thơ cuối Nguyên viết trong bệnh viện ngày 3/3/ 2012: “Anh đi cuối những ngày nghiêng ngả bão/ Biết đời mình, mưa đã mát như em…”.

* * *

Nguyên đã đi xa nhưng nụ cười của Nguyên còn mãi trong lòng bạn bè. “Có một phố vừa đi qua phố” sẽ tiếp tục tái bản. Cuốn tưởng niệm một năm Nguyên đi xa gồm những bài viết về Nguyên, hàng nghìn những tin nhắn, những chia sẻ, thấm đẫm nước mắt của bạn đọc khắp nơi trên Trái đất mà gia đình tập hợp sẽ là một kỷ niệm giàu giá trị trong tôi và trong bạn bè…

Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội năm 2012 đã trao cho Nguyên Giải “Văn học Nghệ thuật Thủ đô”. Còn tôi cùng những người yêu Nguyên thì rất nhớ câu nói của anh: “Một kẻ chỉ thấy xung quanh mình toàn người xấu thì bản thân kẻ ấy khó có thể là người tốt”.