Bế mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV

Tăng tốc hành động để bứt phá

Sau 22,5 ngày làm việc chia làm hai đợt, với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, tâm huyết, sáng 29/11, Quốc hội khóa XV đã tiến hành họp phiên bế mạc kỳ họp thứ sáu, cơ bản hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ sự tin tưởng, trông đợi vào hành động của các ban, bộ, ngành sớm đạt hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi mới của thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: ĐĂNG KHOA

"Từ thành công và kết quả tốt đẹp của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV cùng nhiều kết quả quan trọng đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ... nhất định chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, hoàn thành cao nhất các kế hoạch".

Trích phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

CHO đến trước phiên bế mạc, nhiều vấn đề nóng của đời sống vẫn được các đại biểu cập nhật, thảo luận sôi nổi và biểu quyết thông qua: Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Tại Phiên bế mạc, sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ sáu, 477/477 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100% thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ sáu, cho thấy sự thống nhất rất cao ở kỳ họp lần này.

Nhìn lại cả kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua hai nghị quyết quy phạm pháp luật và bảy luật bao gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi). Quốc hội đã tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh. Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tại Nghị quyết chung của kỳ họp, Quốc hội đồng ý cho phép Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành trong năm 2024 để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với tám dự án luật gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Đây là các luật có ý nghĩa chính trị-xã hội quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách.

Riêng đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của hai dự án Luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.

TRONG suốt thời gian kỳ họp diễn ra, cùng với các cơ quan báo chí, truyền thông, trên nhiều nền tảng mạng xã hội, các chuyên gia lập pháp, cử tri và nhân dân cả nước thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin từ nghị trường. Với mỗi ý kiến, phát biểu của đại biểu Quốc hội, thành viên Chính phủ được cử tri dõi theo, quan tâm, cùng bàn thảo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Ấn tượng với các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp với 21 lĩnh vực thuộc bốn nhóm nội dung, bao trùm hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội, Luật sư Đào Thị Liên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Tiền phong (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ tin tưởng vào chất lượng xây dựng luật đang ngày càng cao, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn.

Trong khi đó, cử tri Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thị xã Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên) đặt kỳ vọng sau kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. "Tôi đồng tình với đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm nhanh chóng được công bố công khai, rộng rãi và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri, nhân dân cả nước", doanh nhân Ngô Văn Tuấn cho biết.

Một số vấn đề nóng, còn ý kiến khác nhau, tiếp tục được nhiều phóng viên, nhà báo quan tâm đặt câu hỏi với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đại diện các ủy ban của Quốc hội tại cuộc Họp báo công bố kết quả kỳ họp ngay sau phiên bế mạc. Kết thúc kỳ họp, cử tri và nhân dân cả nước sẽ dõi theo, giám sát, đồng hành và tiếp tục kỳ vọng một Quốc hội hành động và đổi mới.