Khuyến khích những sáng kiến lập pháp
Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tại phiên thảo luận hội trường sáng 23/5, việc lập và triển khai thực hiện chương trình hằng năm đã quán triệt sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Kết luận số 19-KL/TW, bám sát Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua vừa bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, thể hiện tinh thần lập pháp chủ động, vừa kịp thời phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, nhất là những vấn đề đặt ra, phát sinh trong và sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập và triển khai thực hiện chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: việc chuẩn bị một số dự án luật, dự thảo nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ hồ sơ theo quy định, không bảo đảm tiến độ theo kế hoạch; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; tính dự báo, "gối đầu" của chương trình thấp,… Những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ yếu được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra là do tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm.
Thảo luận trên hội trường, nhiều ý kiến đại biểu tập trung đánh giá tình hình thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, trong đó có nêu rõ kết quả đạt được và cả những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện chương trình. Bên cạnh các dự án luật được đưa ra lấy ý kiến ngay tại kỳ họp lần này như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự,... thì một số dự án luật khác cũng được đưa ra thảo luận và đề xuất đưa vào chương trình.
Đáng chú ý và nhận được nhiều ý kiến quan tâm của các đại biểu là "sáng kiến lập pháp" của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) với dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính. Đây là một trong số rất ít dự thảo luật do đại biểu đề xuất, soạn thảo và được đưa vào chương trình nghị sự. Trước đây, có dự án Luật Hành chính công do đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (khóa XIV) trình sáng kiến dự án luật đồng thời làm trưởng ban soạn thảo. Song, do còn những hạn chế của dự án luật và cả nhiều vướng mắc trong quá trình xây dựng nên sáng kiến này chưa đạt thành quả. Tuy thế, những ý tưởng, sáng kiến này được xem là dấu ấn rất mới trong công tác lập pháp của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hầu hết các dự luật do Chính phủ trình và Bộ trưởng làm trưởng ban soạn thảo. Dự án Luật Chuyển đổi giới tính đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 23 ngày 12/5 và quyết định trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Thẳng thắn, trách nhiệm
Đồng tình một số vấn đề mà đại biểu Lê Thanh Vân, Đỗ Ngọc Thịnh và một số đại biểu khác nêu là những tồn tại của công tác lập pháp đã từ rất nhiều nhiệm kỳ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Chúng ta cần có giải pháp để khắc phục những điều như các đại biểu nói, đó là lợi ích nhóm, có lợi cho người quản lý. Có lúc chúng ta nói có những điều luật giống như ngồi trong phòng máy lạnh mà làm, rất xa lạ với người dân, cực kỳ bất hợp lý,…".
Tiếp đó, vị đại biểu này thẳng thắn nêu ý kiến về vị trí của ban soạn thảo luật: "Trước đây tôi đã từng đề nghị đặt ở bên Quốc hội, không đặt bên Chính phủ, vì đặt Chính phủ thì Chính phủ sẽ giao cho một bộ nào đó, bộ đó lại giao cho một vụ nào đó thì không thể nào thoát được chuyện sẽ có lợi cho quản lý nhà nước của bộ đấy. Do đó, tôi đề nghị để giải quyết những vấn đề phát sinh thì Ban soạn thảo này hình thành một cách độc lập và giao cho tiến hành những việc soạn thảo cần thiết, nếu cần tổ chức thăm dò ý kiến thì Quốc hội sẽ giúp cho chuyện đó, do một đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cùng với một số Ủy ban trợ giúp cho Ban soạn thảo này".
Nhìn chung, như nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, qua thảo luận, đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo nghị quyết kèm theo.
Song, để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian tới, các cơ quan hữu trách cần rà soát hệ thống pháp luật, tổng kết thực tiễn, làm tăng tính dự báo của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và nâng cao chất lượng các dự án. Bên cạnh đó cần có thêm nhiều biện pháp bảo đảm tiến độ chuẩn bị trình các dự án luật, nghị quyết theo đúng chương trình đã được Quốc hội quyết định, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, chấp hành nghiêm chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm thực hiện tốt nhất định hướng Chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ Quốc hội nói chung và các chương trình cụ thể được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.