Quản lý kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng

Tăng minh bạch, giảm chiêu trò

Đến thời điểm hiện tại, với việc ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 2/11/2023, hệ thống khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được hoàn thiện, bảo đảm phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua kênh phân phối tại các ngân hàng thương mại.
0:00 / 0:00
0:00
Theo quy định mới, các ngân hàng phải bố trí quầy giao dịch bảo hiểm riêng tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà
Theo quy định mới, các ngân hàng phải bố trí quầy giao dịch bảo hiểm riêng tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà

TRÊN thực tế, phân phối một số loại hình bảo hiểm qua ngân hàng là một kênh hiệu quả và phổ biến ở nhiều thị trường trên thế giới. Ở Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, các ngân hàng thương mại cũng đã trở thành kênh phân phối chủ lực của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Minh chứng là trong năm 2022, MB đã đạt lợi nhuận trước thuế 18.155 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm ước đạt 10.185 tỷ đồng. Tương tự, VP Bank có lợi nhuận sau thuế 16.923 tỷ đồng, doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm đạt 3.354 tỷ đồng...

Song, vấn đề đáng bàn là các sản phẩm bảo hiểm được bán qua kênh ngân hàng chủ yếu là sản phẩm liên kết đầu tư, chứ không phải thuần túy bảo vệ rủi ro, bảo đảm cho các khoản vay. Và khi thu nhập từ lãi và dịch vụ hợp tác kinh doanh bảo hiểm đóng vai trò một nguồn thu chính, các ngân hàng đã dần có định hướng đa dạng hóa nguồn thu, hạn chế sự phụ thuộc vào tín dụng. Hệ quả là, theo phản ánh trên thị trường, có những nhân viên ngân hàng vì áp lực hoàn thành chỉ tiêu nên vừa chào mời, vừa năn nỉ, thậm chí dùng nhiều chiêu trò, "nghiệp vụ đặc dị" để ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm, gây bức xúc cho người đi vay.

Anh Lê Hoàng Minh, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh dụng cụ thể thao tại Hà Nội chia sẻ, năm 2022, khi công ty có nhu cầu mở rộng kinh doanh, tôi đã quyết định hướng tới nguồn vốn tín dụng. Thời điểm làm thủ tục vay tiền ngân hàng, dù hồ sơ đã đầy đủ: tài sản thế chấp, chứng minh năng lực trả nợ... nhưng vẫn bị nhân viên ngân hàng đưa thêm vào một điều kiện đi kèm là... một hợp đồng bảo hiểm.

Không chỉ vậy, vì chạy theo chỉ tiêu doanh số bị áp, không ít nhân viên tư vấn của ngân hàng đã tìm mọi cách để phí bảo hiểm năm đầu tiên là nhiều nhất có thể. Muốn vậy thì việc tư vấn, giải thích sẽ tập trung nhiều vào các quyền lợi, mà lờ đi các điều khoản loại trừ, các trách nhiệm của khách hàng. Việc đào tạo kiến thức về các sản phẩm bảo hiểm được ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm rút ngắn đi, miễn sao có được mã đại lý để hợp thức hóa việc giao kết hợp đồng…

Đó là những nội dung về các sai phạm đáng chú ý có trong bốn bản kết luận thanh tra mà Bộ Tài chính đã ban hành và công bố giữa năm 2023 khi thanh tra chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đơn cử, Kết luận thanh tra số 811/KL-BTC về những nội dung liên quan tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam (Sun Life) đã chỉ ra nhiều sai sót khi doanh nghiệp này triển khai bán bảo hiểm thông qua Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPB).

Cụ thể, qua thanh tra, cơ quan chức năng xác định, các quy trình, quy chế của Sun Life chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với cá nhân là nhân viên thuộc đại lý tổ chức là: ACB và TPB. Hoạt động giải quyết, xử lý kỷ luật đại lý, đánh giá chất lượng dịch vụ của đại lý của Sun Life còn tồn tại tình trạng bất cập, chưa có biện pháp để xử lý đối với đại lý bảo hiểm cá nhân, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng theo quy trình, quy chế phối hợp giữa Sun Life và ngân hàng...

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã chuyển đơn tố cáo gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) liên quan đến trường hợp khách hàng tố cáo gửi tiết kiệm thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ của Sun Life.

MỚI đây, nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường công tác quản lý, giám sát, nâng cao tính minh bạch trong quá trình cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phát triển kênh phân phối này theo hướng hiệu quả, bền vững và bảo đảm được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP.

Điểm nổi bật trong Thông tư số 67/2023/TT-BTC là cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay cho khách hàng. Các đại lý bảo hiểm phải ghi âm một số nội dung trong quá trình tư vấn. Phía công ty bảo hiểm phải lưu trữ và bảo mật các tài liệu, dữ liệu ghi âm ít nhất 5 năm.

Ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được hoàn thiện, bảo đảm phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm, chú trọng phát triển về chiều sâu hơn là phát triển về chiều rộng.

Ở góc độ khách hàng, anh Hoàng Lê Minh hy vọng, quy định mới của Bộ Tài chính sẽ dần xóa bỏ tình trạng "bán bia kèm lạc" khi tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế Thông tư số 67/2023/TT-BTC chỉ cấm bán một loại bảo hiểm liên kết đầu tư, trong khi bảo hiểm nhân thọ còn có nhiều loại hình cơ bản khác. Như vậy, rủi ro bị buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay là vẫn còn.

Chia sẻ nỗi lo này, nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định, với những quy định mới, đại lý bảo hiểm sẽ khó nộp hợp đồng ảo, cũng như không tư vấn các khoản phí khách hàng phải mất, ngăn ngừa việc đánh tráo khái niệm, mập mờ trong quá trình tư vấn biến từ gửi tiết kiệm thành hình thức tiết kiệm đầu tư. Tuy nhiên, việc bắt buộc tổ chức khu riêng biệt tại phòng giao dịch hay việc ghi âm lại quá trình tư vấn bảo hiểm, lưu trữ file ghi âm có vẻ vẫn khó khả thi trong thực tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm tại các ngân hàng thương mại. Trường hợp phát hiện vi phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Bên cạnh việc chấn chỉnh, xử lý thật nghiêm doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra sai phạm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm.