Thực hiện Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị

Sức nặng của lá phiếu

Ngày 2/2 vừa qua, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký Quy định 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (thay thế Quy định số 262, ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội).
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, năm 2018. Ảnh | Duy Linh
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, năm 2018. Ảnh | Duy Linh

Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ ba (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). Đây được xem là một kênh giám sát, là cách “chấm điểm” đức, tài cán bộ. Theo quy định mới này, phiếu tín nhiệm ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, theo ba mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Cái mới của quy định này là, nếu như trước đây, kết quả phiếu tín nhiệm chỉ là “kênh thông tin tham khảo”, thì nay sẽ trở thành căn cứ để đánh giá, sử dụng, sàng lọc, xử lý cán bộ. Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Vậy là quy định lần này rất cụ thể, rõ ràng các trường hợp phải xem xét cho thôi giữ chức và miễn nhiệm, giáng chức. Sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, cán bộ đã có thể thấy rõ uy tín, mức độ sai phạm, tự giác xin thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm.

Một điểm mới nữa là, Quy định 96 nêu rõ, bản thân cán bộ phải nêu gương, vợ, chồng, con cũng cần gương mẫu trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như vậy, căn cứ để xem xét sẽ rộng hơn. Những ai đó có vợ/chồng, con cái vi phạm pháp luật, lợi dụng vị trí công tác của người thân để trục lợi, tạo dựng sân sau, sẽ không thể vô can. Bởi “tiên tề gia, hậu trị quốc”, nếu trong gia đình cán bộ có người vi phạm chính sách, pháp luật, thậm chí “nhà kia lỗi phép con khinh bố”, thì làm sao có đủ uy tín lãnh đạo.

Sau khi Trung ương ban hành quy định mới, dư luận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một bước luật hóa các chủ trương của Đảng. Đồng thời, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với những người có chức, có quyền không bị vòng xoáy quyền lực cuốn vào tham nhũng, tiêu cực.

Giống như các quy định trước đây của Đảng ta về ngăn ngừa sự suy thoái quyền lực trong công tác tổ chức, cán bộ; về sự nêu gương; về những điều đảng viên không được làm, Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ là một giải pháp mới trong đánh giá, sử dụng cán bộ, phù hợp tình hình thực tiễn. Nó như một tấm gương để cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tạo môi trường tốt trong công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình.

Đúng như một cán bộ vi phạm pháp luật khi bị xử lý hình sự đã ân hận nói rằng: Nếu trước đó các đồng chí nghiêm khắc với tôi, yêu cầu tôi kiểm điểm, đứng trước hội đồng kỷ luật thì giờ đây tôi đã không phải đứng trước hội đồng xét xử. Điều này, chúng ta đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu đối với công tác kiểm điểm, phê bình, phải thẳng thắn, công tâm và “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Mỗi quy định được xây dựng, ban hành đều xuất phát từ cơ sở lý luận, thực tế khách quan, phù hợp tình hình mới. Muốn phát triển thì phải sáng tạo, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết công việc kịp thời, bổ sung những giải pháp mới, tiêu chí mới. Những năm trước đây, Quốc hội cũng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Mức độ tín nhiệm cũng có ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và ba là tín nhiệm thấp. Kết quả, chủ yếu là tín nhiệm cao, số phiếu tín nhiệm thấp rất ít. Và rồi, kết quả ấy sau khi công bố chỉ để “nắm tình hình”. Không có ai bị miễn nhiệm.

Sức nặng của lá phiếu là ở sự công tâm, khách quan và trách nhiệm. Đây không phải là bằng chứng để truy cứu trách nhiệm, nhưng nó lại có tác dụng cảnh báo, răn đe.

Sự tín nhiệm mỗi cán bộ là do tập thể đánh giá. Qua đó từng người “nhìn” thấy mình đầy đủ hơn. Để lá phiếu thật sự có ý nghĩa, thể hiện cho sự khách quan, công bằng, thể hiện văn hóa trong Đảng, cần có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công việc hệ trọng này.

Mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức đảng phải coi đây là việc làm thường xuyên để giữ vững Điều lệ và nguyên tắc tập trung dân chủ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, mà trực tiếp ở đây là công tác cán bộ. Sức nặng của lá phiếu thể hiện ở chỗ, nó không chỉ là thước đo năng lực, phẩm chất, uy tín cán bộ mà còn góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong mỗi cơ quan, đơn vị. Sức nặng của lá phiếu còn thể hiện ở chỗ, lấy xây làm chính, xây để chống, giống như việc “trồng một hàng dương để mở lối cho ta về bể” (thơ Chế Lan Viên). Cần tránh những biểu hiện cơ hội, lệch lạc, nhân dịp này để chia bè kéo cánh, vu cáo, đưa tin sai sự thật, vận động ngầm để đả kích, hạ bệ nhau.

Tuy không có kết quả nào là chính xác tuyệt đối, nhưng nếu như có nhiều người không tín nhiệm mình thì phải tự suy nghĩ, tự hỏi vì sao lại như thế. Hãy khoan nghĩ tới những mối quan hệ cá nhân, những thói đời “yêu nên tốt ghét nên xấu” mà trước hết phải là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Một tập thể mạnh là nơi mọi người sống tốt, sống thật lòng với nhau. Chợt nghĩ câu nói của Già làng Tây nguyên: Làng cần có tiếng chiêng như nhà cần bếp lửa. Người cần có lòng tốt thì mới quý nhau như ruột thịt.

Cố nhiên, dù có bao nhiêu quy chế, quy định cũng không thể đầy đủ nếu cán bộ không tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, sa vào căn bệnh cá nhân chủ nghĩa. Họ thường ham những bông hoa cài trước ngực mà quên đi gánh nặng trách nhiệm trên vai. Người xưa dạy rằng, tham muốn quá nhiều tất sẽ gặp họa. Niềm tin của quần chúng vào “lò lửa” đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rừng rực cháy chính là niềm tin vào sự ngay thẳng và chính trực của đội ngũ tiên phong, luôn khiêm tốn, cầu thị, thu nhỏ cái tôi danh vọng và quyền lực, lấy làm tròn việc lớn, việc chung làm hạnh phúc của mình.