Hành trình từ đối đầu đến đối tác chiến lược toàn diện

Năm 2025, đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng: kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ, 80 năm Quốc khánh... Quan hệ Việt Nam-Mỹ đã có nhiều chuyển biến lớn trong quan hệ giữa hai quốc gia. Nhân dịp này, phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trò chuyện với Ðại sứ Bùi Thế Giang, Phó Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, nguyên Phó trưởng Phái đoàn Ðại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại sứ Bùi Thế Giang
Ðại sứ Bùi Thế Giang

Từng là một người lính trực tiếp tham gia chiến đấu và sau này đảm nhiệm công tác đối ngoại, ông có suy nghĩ gì khi nhìn lại hành trình hòa giải và phát triển quan hệ Việt Nam và Mỹ?

Cuộc đời tôi gắn với Mỹ ở cả hai mặt: tiêu cực và tích cực. Nhà tôi ở thị xã Bắc Giang từng hai lần trúng bom Mỹ. Khi là sinh viên đại học, tôi xung phong nhập ngũ, lên đường đánh giặc Mỹ. Sau chiến tranh, tôi làm công tác đối ngoại, tham gia nhiều nhiệm vụ liên quan tới Mỹ và quan hệ Việt Nam-Mỹ, như là một trong hai người Việt đầu tiên du học tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Paul Nitze (SAIS), Đại học Johns Hopkins (Mỹ) từ tháng 9/1993, khi Mỹ còn chưa dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Tôi cũng từng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia đón tiếp năm đời Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam. Những trải nghiệm ấy giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về Mỹ, về quan hệ Việt Nam-Mỹ và quá trình bình thường hóa, phát triển giữa hai nước.

Quan hệ Việt Nam-Mỹ là một mối quan hệ đặc biệt. Hai nước có giao lưu từ rất sớm. Năm 1787, chỉ 11 năm sau khi Mỹ tuyên bố độc lập, Hoàng tử Cảnh - con Vua Gia Long - đã gặp Thomas Jefferson, khi đó là Tham tán Toàn quyền Đại sứ quán Mỹ tại Pháp, để trao đổi về việc đưa giống lúa từ Việt Nam sang Mỹ. Nhưng hai nước cũng từng trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc, kéo dài, để lại nhiều hậu quả dai dẳng.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp (1791). Câu trích từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ là: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Bác Hồ - người đi nhiều, hiểu sâu văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ các nước - chọn trích dẫn ấy không phải ngẫu nhiên, cũng không chỉ mang tính sách lược. Theo tôi, Bác đã nhìn rõ ý nghĩa lịch sử và giá trị nhân văn của thông điệp ấy.

Xin cung cấp thêm thông tin: Ngày 17/10/1945, đúng 45 ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, được phép Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tổ chức hữu nghị đầu tiên giữa nhân dân Việt Nam với nước ngoài là “Việt - Mỹ Thân hữu Hội” đã ra mắt tại Nhà Khai trí Tiến Đức (nay là Nhà hàng Lục Thủy, số 16 Lê Thái Tổ, sát trụ sở Báo Nhân Dân, bên Bờ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là một điểm đặc biệt nữa trong quan hệ Việt Nam-Mỹ.

Theo ông, khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã gây những tổn thất gì cho cả hai nước?

Cuộc chiến Mỹ tiến hành ở Việt Nam để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Về phía Mỹ, hơn 58 nghìn binh sĩ thiệt mạng - tổn thất nhân mạng lớn nhất của Mỹ trong bất kỳ cuộc chiến nào. Xã hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, dư chấn chiến tranh kéo dài hàng chục năm, luôn là ký ức nhức nhối mỗi khi Mỹ can dự vào các xung đột mới.

Với Việt Nam, hậu quả càng khốc liệt: Khoảng 15 triệu tấn bom đạn Mỹ dội xuống, khoảng 2 triệu người thiệt mạng, 4 triệu người bị thương, gần 2 triệu hecta rừng bị hủy diệt bởi chất độc hóa học, đặc biệt là chất độc da cam. Nền kinh tế kiệt quệ, với GDP năm 1975 chỉ đạt khoảng 6,5 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD/năm.

Hiện nay, 50 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với 3 hậu quả rất lớn: Thứ nhất, tác động của chất độc da cam/dioxin trên con người và môi trường. Hơn 3 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, trong đó 150 nghìn trẻ em sinh ra với dị tật bẩm sinh. Tác động của chất độc da cam/dioxin đã kéo sang thế hệ thứ 4, thứ 5 của người Việt Nam. Thứ hai, bom mìn vật liệu chưa nổ (UXO) vẫn tiếp tục giết chết và làm bị thương đồng bào ta và gây ô nhiễm môi trường trên một diện tích lớn. Hơn 100 nghìn người đã bị chết, bị thương do UXO gây ra, khoảng 18% tổng diện tích của cả nước vẫn bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm UXO. Thứ ba, bên cạnh những nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước, vẫn còn khoảng 300 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 180 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Hành trình từ đối đầu đến đối tác chiến lược toàn diện ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, ngày 10/9/2023. Ảnh | ĐĂNG KHOA

Dù chịu hậu quả rất nặng nề sau chiến tranh, Việt Nam vẫn chủ động tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích. Nghĩa cử này phản ánh điều gì, thưa ông?

Việt Nam bắt đầu tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh từ năm 1973, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Chúng ta đơn phương làm việc đó suốt 15 năm, trước khi Mỹ cùng tham gia năm 1988. Việt Nam đã tìm kiếm và trao trả hài cốt cho phía Mỹ trong lúc đất nước còn nghèo, còn chịu nhiều mất mát và còn số lượng lớn người mất tích và những bộ hài cốt chưa xác định danh tính. Thậm chí, để làm công việc nhân đạo đó, có những cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh cả tính mạng khi trực thăng chở họ đi tìm kiếm gặp nạn. Phải là một dân tộc nhân đạo, một dân tộc luôn hướng về tương lai, một dân tộc mang tinh thần nhân văn sâu sắc, mới có thể làm được điều đó. Bởi vậy, điều hoàn toàn hiểu được là không chỉ người dân Mỹ mà ngay cả lãnh đạo Mỹ thuộc mọi đảng phái, mọi xu hướng chính trị, đều đã nói hai từ “biết ơn” đối với chúng ta về nghĩa cử này. Trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện (tháng 9/2023), Tổng thống Mỹ đã “bày tỏ lòng biết ơn với nhân dân Việt Nam vì những nỗ lực bền bỉ, lâu dài trong việc kiểm kê và tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh”.

Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius từng kể, trong một chuyến thăm miền trung, ông gặp một người mẹ Việt Nam mất 9 người con trong chiến tranh. Bà từng ôm mẹ của một cựu binh Mỹ tử trận và nói: “Ta là bạn của nhau”. Người mẹ Mỹ bật khóc…

30 năm qua, đã có nhiều Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam, minh chứng sự phát triển quan hệ song phương giữa hai nước. Gần đây nhất, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình phát triển quan hệ Việt Nam-Mỹ? Ông nhìn nhận triển vọng mối quan hệ này ra sao?

Trong số các chuyến thăm Việt Nam của 5 Tổng thống Mỹ từ năm 2000 đến nay, mỗi chuyến có một dấu ấn riêng, nhưng chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joe Biden tháng 9/2023 thật sự đặc biệt. Không chỉ vì ông từng tiếp và chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, gửi thư chúc mừng ngay khi Tổng Bí thư tái đắc cử, mà còn vì đây là lần đầu - có lẽ là duy nhất - một Tổng thống Mỹ tới thăm một quốc gia theo lời mời của người đứng đầu Đảng Cộng sản, đảng cầm quyền duy nhất và từng đối đầu với Mỹ trong chiến tranh.

Quan hệ Việt Nam-Mỹ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995 đến nay về cơ bản luôn theo hướng “thăng”. Từ Hiệp định Thương mại song phương năm 2001 đến việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện năm 2013, rồi lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023, hai nước đã vượt qua nhiều thử thách, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực: Từ chính trị, ngoại giao đến giáo dục, y tế, khoa học, quốc phòng và ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt, hợp tác kinh tế thương mại đã vượt mốc 100 tỷ USD mỗi năm trong hai năm qua.

Đây là những cơ sở quan trọng để hai nước hợp tác hóa giải xung đột và xây dựng quan hệ thực chất, lâu bền dựa trên những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế. Hành trình này đặt nền tảng để Việt Nam và Mỹ tiếp tục phát triển hợp tác sâu rộng, đáp ứng lợi ích của hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của hai nước, của khu vực và của toàn thế giới.

Xin cảm ơn ông!