Với chiều dài hơn 250 km, chia thành ba tầng sâu, kết nối nhau thành một hệ thống liên hoàn như thành phố trong lòng đất, Địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Theo sử liệu, ban đầu, địa đạo được người dân hai xã: Tân Phú Trung và Phước Vĩnh Ninh (huyện Củ Chi) đào để làm nơi ẩn náu, cất giấu tài liệu và tránh bom trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhưng từ năm 1961, khi Khu ủy và Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn-Gia Định chọn Củ Chi làm căn cứ địa, nơi đây được xây dựng, phát triển thành hệ thống kiên cố, liên hoàn và bí mật, với quy mô khắp địa bàn huyện Củ Chi. Hệ thống bao gồm: Các ụ chiến đấu, giao thông hào, hầm công sự, hầm chông, hầm ăn, hầm hội họp, hầm làm việc, hầm cứu chữa thương, bệnh binh, hầm chứa lương thực, hầm lớn để xem phim, biểu diễn văn nghệ, giếng nước, bếp Hoàng Cầm...
Công trình được làm hoàn toàn thủ công với những dụng cụ thô sơ như: Lưỡi cuốc, chiếc ki xúc đất bằng tre nhưng đủ sức chịu đựng xe tăng, xe bọc thép và những trận mưa bom trút xuống. Những lối lên xuống giữa các tầng hầm được che giấu bằng các nắp hầm bí mật, bên trên ngụy trang khéo léo như những ụ mối đùn, khiến kẻ địch dù có rà soát kỹ càng cũng rất khó phát hiện. Dọc theo những con đường hầm nhỏ hẹp là những lỗ thông hơi, giúp không khí luôn được lưu thông.
Cuộc sống và chiến đấu trong lòng đất vô cùng gian khổ, khắc nghiệt. Hàng nghìn trận càn quét, hàng trăm nghìn tấn bom đạn, hơn 480 tấn chất độc hóa học đã trút xuống, nhưng những con người nơi đây vẫn kiên cường bám trụ. Từ trong bóng tối của địa đạo, những cuộc tập kích bất ngờ, những trận phục kích táo bạo rồi nhanh chóng biến mất trong lòng đất đã làm quân địch khiếp đảm, biến nơi đây thành huyền thoại về cuộc chiến tranh nhân dân.
Mùa khô năm 1967, cuộc hành quân mang tên “Bóc vỏ trái đất” (Cedar Falls) của quân đội Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa diễn ra rầm rộ. Khoảng 30.000 quân, được hỗ trợ tối đa bởi xe tăng, thiết giáp, pháo binh và không quân tràn vào Củ Chi với tham vọng xóa sổ Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn-Gia Định, tiêu diệt các lực lượng chủ lực, phá hủy căn cứ địa và hệ thống địa đạo, biến nơi đây thành một “Khu tự do hủy diệt” - không còn sự sống, không còn bóng dáng của quân cách mạng.
Khi quân địch lùng sục từng ngóc ngách, tìm cách đánh sập hệ thống hầm trú ẩn thì dưới lòng đất, quân và dân Củ Chi vẫn kiên cường bám trụ. Từng ụ chiến đấu, từng giao thông hào trở thành chiến lũy kiên cố, những người con gan dạ của đất thép Củ Chi liên tục giáng trả kẻ thù bằng mọi loại vũ khí có trong tay. Tại ngã ba Bến Dược, một đội du kích chỉ vỏn vẹn 9 người, trong đó có một nữ y tá, đã cầm cự suốt nhiều ngày liền. Họ kiên trì chiến đấu, tận dụng từng mét địa đạo, từng khe hở nhỏ bé để tạo nên những đòn đánh bất ngờ. Kết quả, 107 tên địch bỏ mạng, một xe tăng bị bắn cháy ngay giữa trận địa.
Toàn bộ chiến dịch Cedar Falls, địch chịu tổn thất nặng nề: 3.500 tên bị tiêu diệt, 130 xe tăng, xe bọc thép bị phá hủy, 28 máy bay rơi rụng. Thương vong quá lớn, kế hoạch bủa vây địa đạo thất bại thảm hại khiến quân Mỹ buộc phải rút lui sớm hơn dự kiến.
Là công trình ngầm vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX, nơi thể hiện khát vọng sống, khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam, năm 2015, Địa đạo Củ Chi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt.
Năm 2024, trang web du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor vinh danh Địa đạo Củ Chi trong danh sách 25 điểm đến được yêu thích nhất châu Á, khẳng định sức hút đặc biệt của di tích này. Không chỉ là di tích lịch sử, địa đạo còn được CNN đánh giá là một trong những công trình ngầm hấp dẫn nhất thế giới, sánh ngang với mỏ muối Wieliczka (Ba Lan) và hầm mộ Paris (Pháp).
Traveller - chuyên trang du lịch của Australia - bình chọn Địa đạo Củ Chi vào danh sách những trải nghiệm du lịch dưới lòng đất tuyệt vời nhất thế giới, sánh ngang với các công trình, như: Thành phố ngầm Derinkuyu (Thổ Nhĩ Kỳ), lăng mộ nhà Thanh (Trung Quốc), hệ thống tàu điện ngầm Moscow (Nga), mỏ muối Salzwelten (Áo). Còn South China Morning Post - tờ báo lâu đời nhất và nổi tiếng nhất của Hồng Công đánh giá Địa đạo Củ Chi là một trong những công trình ngầm ngoạn mục nhất thế giới.
![]() |
Du khách quốc tế thích thú với trải nghiệm đi trong đường hầm Địa đạo Củ Chi. |
Đó là trên các trang tin tức. Còn trên các nền tảng mạng xã hội, từ khóa “Cu Chi Tunnels” (Địa đạo Củ Chi) xuất hiện trong hàng loạt video trải nghiệm với những lời bình luận như: “Địa đạo Củ Chi không chỉ là kỳ quan quân sự mà còn là một mê cung bí ẩn”; “Đường hầm Củ Chi là một kiệt tác cực kỳ ấn tượng và những người sống dưới lòng đất thật tuyệt vời”…
Video trải nghiệm của Joe Hattab, một nhà làm phim du lịch độc lập đến từ Tây Ban Nha, đã thu hút hơn 40 triệu lượt xem và 2,2 triệu lượt thích trên TikTok, trở thành một trong những video du lịch trải nghiệm được nhiều người xem nhất.
Địa Đạo Củ Chi ở Việt Nam cũng đã lọt vào top 7 điểm du lịch kỳ lạ nhất Đông Nam Á.
Chính nhờ sự độc đáo và giá trị lịch sử to lớn, Địa đạo Củ Chi thu hút gần hai triệu lượt du khách mỗi năm. Con số khách tham quan vẫn không ngừng tăng. Họ đến đây để tận mắt chứng kiến một công trình nhân tạo nổi tiếng trên thế giới, nơi từng là căn cứ kháng chiến bất khả xâm phạm, là nỗi khiếp đảm của kẻ thù.
Johan, trong lần đầu bò qua một đoạn đường hầm hẹp chỉ đủ cho một người, cảm nhận cuộc sống khó khăn trong lòng đất, đã thốt lên: “Tôi phải cúi gập người, di chuyển từng bước nhỏ trong bóng tối. Không khí dưới này nóng và rất ngột ngạt. Làm thế nào mà họ có thể ẩn náu, sinh sống và chiến đấu tại đây hàng năm trời?”.
Khi nghe câu chuyện lịch sử về chiến dịch Cedar Falls, cùng việc tận mắt chứng kiến những dấu tích còn lại của bom B52, anh càng thêm thán phục. Nhiều du khách nước ngoài cũng bày tỏ sự kinh ngạc khi đến đây tham quan và trải nghiệm. Alex Murphy, một du khách người Australia nhận xét: “Tôi chưa từng thấy hệ thống chiến đấu nào thông minh, sáng tạo đến vậy. Thật khó tin khi biết có hàng nghìn người từng sống và chiến đấu dưới lòng đất trong suốt nhiều năm trời”.
Còn Vincent Reed, một du khách đến từ Ireland chia sẻ rằng: Địa đạo Củ Chi không chỉ là nơi để tìm hiểu về lịch sử hào hùng của quân, dân địa phương trong thời kỳ chống Mỹ, mà còn là nơi thư giãn lý tưởng với khung cảnh xanh mát, trong lành và bình yên.
Những trải nghiệm như bò qua đường hầm chật hẹp, tham quan các hiện vật lịch sử và tìm hiểu về cuộc sống dưới lòng đất đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách quốc tế. Họ không chỉ cảm nhận được sự hấp dẫn và kỳ lạ của một công trình kiến trúc nhân tạo mà còn thán phục sự kiên trì và ý chí kiên cường của quân và dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Ngoài hệ thống địa đạo, khu di tích còn có Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, khu tái hiện vùng giải phóng với những ngôi nhà tranh, lớp học thời chiến, những căn hầm bí mật. Du khách còn có thể trải nghiệm bắn súng thể thao, thưởng thức các món ăn đặc trưng của vùng đất Củ Chi…
Kết thúc hành trình, Johan đứng trước đền tưởng niệm xúc động nói: “Đã từng đọc về Chiến tranh Việt Nam nhưng chỉ khi đặt chân đến đây, tôi mới thật sự hiểu được sự kiên cường của những con người nơi mảnh đất này. Tôi chắc chắn sẽ quay lại và giới thiệu Địa đạo Củ Chi với bạn bè mình”.
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, sự sáng tạo, đổi mới của khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi thông qua cách tự làm mới mình và đầu tư nhiều chương trình bổ ích, hấp dẫn là điểm nhấn thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản Thế giới. Nếu được vinh danh, Địa đạo Củ Chi không chỉ khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế mà còn góp phần bảo tồn, tôn vinh một trong những công trình quân sự ngầm vĩ đại nhất thế kỷ XX, biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường và sự sáng tạo phi thường của con người Việt Nam.