Chỉ biết gọi là đi
50 năm, câu chuyện của những cựu chiến binh từng có mặt trên “những mảnh đất xa xôi và chập chờn trên sóng gió Biển Đông” (cụm từ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) vẫn còn như mới hôm qua. Đó là những ngày cả dân tộc, từ biển khơi tới miền rừng núi cao, từ bắc vào nam, đều hướng về một mục tiêu non sông một dải.
Lực lượng thực hiện nhiệm vụ chiếm đóng các đảo ở Trường Sa gồm lực lượng của Quân khu 5 cùng lực lượng Đặc công Đoàn 126 cùng các tàu vận tải của Đoàn 125 vừa từ Hải Phòng vào tiếp quản Đà Nẵng. Chỉ huy trưởng chiến dịch là Trung tá Mai Năng, Đoàn trưởng Đặc công Hải quân 126 (sau này là Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Tư lệnh Binh chủng Đặc công).
“Ngày đó không một ai trong chúng tôi biết trước Trường Sa như thế nào. Chỉ biết gọi là đi thôi”, Trung tá Đào Mạnh Hồng (tên khác là Đào Mạnh Hống), nguyên Tiểu đoàn trưởng 161 (Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126) nhớ lại. Cũng không chỉ ông Hồng, ngay cả khi nhận nhiệm vụ theo đoàn tàu tiến thẳng về phía nam, cũng chưa ai trong số những người lính biết họ sẽ tới đâu. Cho tới khi tàu vào Đà Nẵng, trận đánh khơi xa đầu tiên của họ, chính là nơi quần đảo máu thịt Tổ quốc trên Biển Đông - Trường Sa. Hành trang của những người lính, như ông Đào Mạnh Hồng kể, là những ngày huấn luyện khắc nghiệt ở Đồ Sơn (Hải Phòng): “Chập tối bơi sang huyện Cát Hải, sáng sau thì bơi từ Cát Hải sang Đồ Sơn, ngày nào cũng thế, trời rét như thế nào cũng phải bơi”. Hàng tháng trời những người lính đặc công tập ném dây lên boong trong sóng cấp ba, tất cả đã tôi luyện nên một đội ngũ sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách.
250 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hơn 150 đặc công thẳng tiến tới Trường Sa, với tinh thần “thần tốc, quyết chiến quyết thắng” không gì lay chuyển.
Đại tá Nguyễn Văn Đức, nguyên Thuyền trưởng tàu 674 (Lữ đoàn 125), người trực tiếp chở đặc công ra Trường Sa, chia sẻ: “Đi từ Đà Nẵng ra đảo, biển rộng mênh mông, không có mục tiêu nào mà bắt được. Phải dùng thiên văn, nhìn trăng và sao mà đi, nhìn đường chân trời để tính vị trí”. Không có các thiết bị định vị tân tiến, những con tàu không số vận dụng kinh nghiệm và sự quả cảm của mấy chục năm vượt đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho miền nam đánh những trận cuối. Nhờ đó tàu 674 cùng các tàu 673, 675 do ông Nguyễn Xuân Thơm và ông Phạm Duy Tam chỉ huy đã đưa quân đến đúng giờ, đúng điểm, bảo đảm thắng lợi cho từng trận đánh. Ngay từ thời điểm ấy, như ông Đức nói, “Anh em phấn khởi, tin tưởng nhất định sẽ giải phóng miền nam”.
Đêm 14/4/1975, 25 lính đặc công thuộc phân đội 1, Trung đoàn 126, lặng lẽ tiếp cận hòn đảo đầu tiên - Song Tử Tây. “Cách đảo 500m thì xuồng không vào được nữa, phải bơi. Sóng lừng, nước triều lên cao nhất lúc 1 giờ đêm”, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Quế, nguyên Đoàn trưởng Đặc công Hải quân 126, người chỉ huy trận đánh Song Tử Tây, kể lại trong một buổi phỏng vấn sau này. 1 giờ sáng, chúng ta tiếp cận phía tây đảo. 4 giờ 30 phút sáng, các phân đội đặc công nổ phát súng đầu tiên. Giao tranh quyết liệt ở Song Tử Tây nổ ra. Sau 30 phút, Song Tử Tây được giải phóng, cờ đỏ sao vàng tung bay trên đảo, mở đầu cho hành trình lấy lại từng đảo trong quần đảo xa xôi. Chúng ta tiêu diệt 6 tên địch, bắt sống 33 tên, đánh dấu chiến thắng đầu tiên.
Chiến thắng ở Song Tử Tây khai thông cho loạt chiến thắng tiếp theo, từ Sơn Ca (25/4), Nam Yết và Sinh Tồn (27/4), An Bang (28/4), các chiến sĩ Đoàn 759 và Trung đoàn Đặc công nước 126, dưới sự chỉ huy của Trung tá Mai Năng lần lượt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hành trình giải phóng Trường Sa khép lại vào ngày 29/4/1975, khi đảo Trường Sa - đảo cuối cùng trong chiến dịch - chính thức được quân ta tiếp quản. Mỗi trận đánh là một câu chuyện riêng, nhưng đều chung một tinh thần: bất ngờ, nhanh chóng, quyết liệt. Trung tá Đào Mạnh Hồng, Phân đội trưởng Phân đội 1 tiếp cận Song Tử Tây, kể: “Phải dùng phương pháp trinh sát vũ trang: trinh sát đến đâu, nắm được địch thì đánh luôn”. Còn Đại tá Đặng Văn Tới, người tham gia giải phóng Nam Yết ngày 27/4, thì nói về trận đánh của mình: “Địch có vũ khí mạnh, nhưng tinh thần đã rệu rã. Còn ta đánh bất ngờ, bí mật tiếp cận, đồng loạt nổ súng”. Ở Nam Yết - thủ phủ quần đảo khi đó - 20 phút sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam lên đảo, lính VNCH còn lại trên đảo giơ cờ trắng đầu hàng, cờ Tổ quốc được dựng lên ngay sau đó.
![]() |
Trên vùng biển Song Tử Tây. |
Lá cờ thống nhất
Đại tá Nguyễn Văn Đức, Thuyền trưởng tàu 674, nhớ lại: “Trưa 30/4, khi tàu đang neo ở Nam Yết thì đài phát tin Sài Gòn giải phóng. Anh em vỗ tay, rồi mở hầm tàu, làm thịt hải âu liên hoan”. Niềm vui thống nhất tràn ngập, nhưng đằng sau đó là những mất mát không thể bù đắp. Ông Đức bùi ngùi: “Gia đình tôi, 6 người chết trong một trận càn năm 1964, khi tôi đang chở vũ khí trên biển. Anh em tôi 8 người, giờ chỉ còn một mình tôi”. Ông còn kể về những đồng đội: “Có đồng chí hy sinh trên đảo, phải chôn cất tại chỗ. Một đồng chí bị thương trên đảo đưa về tàu, vừa thấy đất liền thì qua đời. Đời lính chúng tôi tự hào góp phần thống nhất lãnh thổ. Nhưng nhớ đồng đội, mỗi khi nghĩ tới lại rơi nước mắt”.
Đại tá Đặng Văn Tới kể lại một khoảnh khắc không thể quên khi tàu trở về Đà Nẵng. Khi tàu cập bờ, một lính VNCH từ tàu ngó lên bờ, rồi bỗng nhiên giơ tay chào lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió trên nóc tàu. “Nhìn khoảnh khắc đó, tôi thấy đất nước thật sự thống nhất” - ông nói. Lá cờ đỏ sao vàng không chỉ là biểu tượng của chiến thắng mà còn là lời khẳng định: hòa bình đã trở lại, hận thù cần được gác lại để hướng tới một đất nước thống nhất trọn vẹn.
Những ngày ở trên đảo chờ bàn giao, có tàu nước ngoài tìm cách tiếp cận đảo, nhưng thấy cờ Việt Nam, chúng lại lẳng lặng rút ra. Những con tàu không số, những chiến sĩ đặc công, và những người chỉ huy như Trung tá Mai Năng đã làm nên kỳ tích, đưa Trường Sa trở về với đất mẹ ngay trước khi Sài Gòn giải phóng. Ngay trong ngày 28/4, lực lượng nhận nhiệm vụ giải phóng Trường Sa nhận được điện khen của Quân ủy Trung ương: “Quân ủy Trung ương rất phấn khởi được tin quân ta đã chiếm các đảo thuộc Trường Sa. Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược”.
Những người lính giải phóng Trường Sa năm đó, sau này đều quay lại Trường Sa nhiều lần. Cũng chính họ lại tiếp tục hành trình giữ biển, giữ đảo qua nhiều giai đoạn, từ chiến dịch CQ88 tới hành trình bảo vệ đảo. Hơn ai hết, họ thấy rõ những hòn đảo mỗi ngày một bừng sáng giữa Biển Đông sóng gió, như những chấm đỏ kiêu hãnh “vươn mình nhoài ra phía biển”. “Ngày đó ở lại chờ bàn giao làm gì có gì, không có nước, hải âu bay kín trời, anh em phải ngồi tránh phân chim rơi”, ông Đức kể lại, “Bây giờ đảo có sân bay, sạch sẽ khang trang rồi, nhà lồng, sân bóng, cuộc sống của bộ đội ngon hơn nhiều”. Trường Sa của Việt Nam thống nhất, là cuộc sống của những “nếp nhà ngói mới”, tiếng học vần ê a và những mầu xanh bình yên. Nam Yết vẫn là một đảo dừa như trong ấn tượng những ngày đầu ông Đặng Văn Tới đặt chân tới. Những thế hệ sau này, mỗi lần đến với đảo, đều cố gắng trồng thêm nhiều cây dừa nữa. “Xưa bơi trong nước lạnh giữa đêm, có nghĩ gì tới ngắm nhìn, sau quay lại càng ngày càng thấy đảo khang trang, tôi thấy lòng nhẹ nhõm lắm”, ông Hồng cảm thán. Sinh thời, Đại tá Phạm Duy Tam - Thuyền trưởng tàu 935 - con tàu đặt Sở Chỉ huy chiến dịch Trường Sa - cũng là người nhiều lần đích thân lái xuồng chở khách ra thăm Trường Sa. Có nhiều gương mặt của thế hệ lướt sóng Biển Đông giành đảo, đã không chờ được tới nửa thế kỷ non sông thống nhất. Nhưng sóng sau nối sóng trước, đảo vẫn kiên gan trên sóng Biển Đông, vẫn bồi đắp không chỉ cát mặn Biển Đông mà còn cả lòng tự hào và tinh thần quyết tử để bảo vệ hòa bình, thống nhất trọn vẹn lãnh thổ.
“Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Quân ủy Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị Trung ương Ðảng: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25/3/1975. Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây, tình hình sẽ rất phức tạp. Khó khăn lớn nhất là phải đánh chiếm các đảo với lực lượng hải quân nhỏ bé lúc bấy giờ. Trên mặt trận Biển Ðông, hành động cũng phải “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
(Hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật).