CHỐNG LÃNG PHÍ, THỰC HÀNH TIẾT KIỆM THEO TƯ TƯỞNG VÀ TẤM GƯƠNG HỒ CHÍ MINH

Đất nước muốn phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu phải vun bồi những nhân tố tích cực và chống tư tưởng và hành vi tiêu cực. Quyết tâm, quyết liệt, kiên trì thực hành tiết kiệm gắn với chống lãng phí theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh là một mấu chốt hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành y tế nỗ lực đưa bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 vào sử dụng trong năm 2025. Ảnh | TRỌNG TÙNG
Ngành y tế nỗ lực đưa bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 vào sử dụng trong năm 2025. Ảnh | TRỌNG TÙNG

Tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí

Thực hành tiết kiệm, chống nạn tham ô, nạn lãng phí, bệnh quan liêu trong di sản Hồ Chí Minh liên quan mật thiết với nhau. Theo Người, bệnh quan liêu ấp ủ, dung túng, che chở, là chỗ gieo hạt, vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu. Trong giới hạn cho phép, bài viết tập trung vào vấn đề chống lãng phí.

Không phải ngẫu nhiên, trong bài giảng về “tư cách của một người cách mệnh” năm 1927, Bác Hồ đặt “tự mình phải cần kiệm” lên đầu, gắn với đó là “ít lòng tham muốn về vật chất”. Gần một thế kỷ trước, Bác đã nhìn thấu suốt nhiều việc phải làm và phải chống của ngày hôm nay, trong đó có thực hành tiết kiệm và chống tham nhũng, lãng phí. Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, Người lên án chế độ thực dân đã hủ hóa dân tộc chúng ta bằng nhiều thói xấu trong đó có lười biếng, lãng phí, tham ô. Để làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập, theo kịp các nước trên hoàn cầu, bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu, chúng ta phải thực hiện ngay cần, kiệm, liêm, chính, chống xa xỉ, hao phí. Trong Di chúc, Người dặn khi Người qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Một trái tim lớn ngừng đập mà lòng thương nước thương dân, chống lãng phí tỏa sáng mãi về sau.

Theo Bác, đức tính Kiệm là nền tảng của Đời sống mớiThi đua ái quốc; là một tiêu chí đo “chất người” của mỗi con người. Thiếu một trong bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính là không thành người. Không những thế, một dân tộc biết cần kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, một dân tộc văn minh tiến bộ. Không tiết kiệm mà xa xỉ, lãng phí là mang nặng chủ nghĩa cá nhân, giặc trong lòng. Phải quyết tâm, quyết liệt, kiên trì chống giặc nội xâm, vì một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Bác chỉ rõ xa xỉ là có tội với Tổ quốc với đồng bào. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ, có khi tai hại hơn nạn tham ô, vì lãng phí rất phổ biến. Cùng với lãng phí thì giờ - cũng là vàng bạc, một thí dụ điển hình của sự phổ biến - còn lãng phí của cải, lực lượng, sức lao động. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm, tuy không mang gươm, súng nhưng nằm trong tổ chức của ta, trong mỗi người, phá từ trong phá ra. Nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến kiến quốc. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính. Tội lỗi ấy như Việt gian, mật thám. Vì vậy chống lãng phí cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị. Chống lãng phí là cách mạng, vì cách mạng là tiêu diệt những cái xấu, xây dựng những cái tốt. Chống lãng phí là dân chủ vì muốn thành công phải dựa vào lực lượng của quần chúng.

Bác chỉ rõ, là người yêu nước, người cách mạng thì phải kiên quyết chống nạn lãng phí đi đôi với thực hành tiết kiệm. Chống lãng phí trong các cơ quan, trong sinh hoạt. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Phải chấm dứt nạn phô trương, lãng phí, những cuộc khai hội, lễ kỷ niệm, yến tiệc. Trong khi cần vốn để xây dựng công nghệ, đồng bào bị thiếu thốn, chúng ta không thể tha thứ những việc phô trương, lãng phí như vậy. Chống cách dùng người không hợp lý, không dám dùng người tài, đức hoặc bố trí cán bộ kiểu “thợ mộc làm thợ rèn”. Như thế không những gây lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn làm hỏng tổ chức và đội ngũ cán bộ, làm thui chột trí tuệ của dân tộc.

Bác Hồ là một tấm gương sống luôn luôn nói đi đôi với làm. Người truyền cảm hứng cho dân tộc không chỉ từ những lời dạy ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm mà còn nêu gương sáng mẫu mực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người không có gì riêng cho mình, trên ngực áo không có một tấm huân chương, nhưng dưới làn áo mỏng là trái tim lớn luôn đau đáu nỗi niềm vì dân, vì nước.

vẹn nguyên giá trị, soi sáng đổi mới

Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc đưa ra các nghị quyết và lãnh đạo, tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều kết quả đáng khích lệ trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu to lớn. Tuy nhiên nhìn thẳng vào sự thật, lãng phí còn phổ biến, không chỉ là sức lao động, thời giờ, tiền của mà còn nhiều biểu hiện khác rất đáng lo ngại. Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra biểu hiện của lãng phí như chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Bộ máy nhà nước có nơi có lúc hoạt động chưa hiệu quả, thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm lãng phí cơ hội phát triển. Lãng phí tài sản và vốn đầu tư công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả. Các dự án sử dụng nhiều vốn, tài nguyên đất và nước hàng chục năm không thể khai thác sử dụng, v.v.

Những hệ lụy do lãng phí gây ra là không hề nhỏ. Nó không chỉ là những gì thấy được như suy giảm nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, cạn kiệt tài nguyên, tăng khoảng cách giàu nghèo, mà đáng lo ngại hơn là “chảy máu” chất xám, bỏ lỡ cơ hội phát triển đất nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, mà mất lòng tin của nhân dân là mất tất cả.

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta có được một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế to lớn, đó là niềm tự hào, hành trang để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với niềm tin vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội vì dân giàu, nước mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu, phải vun bồi những nhân tố tích cực và chống tư tưởng, hành vi tiêu cực. Quyết tâm, quyết liệt, kiên trì thực hành tiết kiệm gắn với chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh là một mấu chốt hiện nay. Bài viết Chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện sự trăn trở, một hồi chuông cảnh tỉnh, một thông điệp mạnh mẽ tới toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về quyết tâm lớn phòng, chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay phải coi tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, mặt trời soi sáng, là cẩm nang thần kỳ trong hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xác định đây là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, thử thách, chúng ta phải triển khai đồng bộ hệ giải pháp cả tư tưởng và chính trị, giáo dục và tuyên truyền, kỷ cương và thể chế, bằng sự nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với quyết tâm cao, hành động quyết liệt. Phải giải quyết nguyên nhân gốc của lãng phí là bệnh quan liêu. Xét lại các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã thi hành thế nào để hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp bối cảnh mới. Xử lý nghiêm cá nhân, tập thể có hành vi lãng phí. Tạo dựng một phong trào quần chúng, thực hiện tự nguyện, tự giác của cán bộ, đảng viên trong thực hành tiết kiệm như việc rửa mặt hằng ngày. Đó chính là xây dựng một xã hội văn hóa liêm, chính, văn hóa tiết kiệm, không lãng phí.

Mỗi người Việt Nam yêu nước, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải tự vươn mình trở thành những chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống lãng phí. Nước Việt Nam ta thịnh hay suy, mạnh hay yếu, trách nhiệm thuộc toàn thể quốc dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quan điểm đó của Bác soi đường cho cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đi tới thành công.