Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Sửa luật sao cho đồng bộ, thống nhất

Ở tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV lần này, vấn đề được nhiều cử tri và các nhà đầu tư quan tâm liên quan dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tuy nhiên, đã qua nhiều lần điều chỉnh, nhiều cuộc lấy ý kiến lớn nhỏ khác nhau, tại phiên thảo luận hội trường sáng 31/10 vừa qua, những tranh luận về dự thảo Luật này vẫn làm "nóng" nghị trường và còn nhiều ý kiến khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) phát biểu ý kiến tại Hội trường sáng 31/10. Ảnh: Duy Linh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) phát biểu ý kiến tại Hội trường sáng 31/10. Ảnh: Duy Linh

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội lần này gồm 10 chương, 82 điều. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đã lưu ý nhấn mạnh một số điểm, nhất là những nội dung cần xem xét, lựa chọn phương án khác nhau.

Lưu ý về tính tường minh của một số khái niệm cần cân nhắc khi đưa vào luật, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận về ý kiến đề xuất bổ sung nhà ở tại đặc khu kinh tế. Theo vị đại biểu của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh này, không nên đề xuất nội dung trên vì chưa có khái niệm "đặc khu kinh tế". Tiếp đó, tranh luận về Nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (Điều 23), đại biểu Trương Trọng Nghĩa đồng tình với phương án 1 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu nói rõ thêm, phương án 1 rất ngắn gọn, trong khi phương án 2 quy định rõ hơn thỏa thuận đặt cọc phải đáp ứng các điều kiện cụ thể, vậy nếu chọn phương án 1 thì cần bổ sung cụ thể hơn.

Liên quan nội dung này, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án 2 là phương án được nhiều ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội lựa chọn.

Phân tích kỹ hơn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) cho rằng, dự thảo Luật cơ bản khắc phục những hạn chế so dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 4 và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đến nay đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua. Song, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị, tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật nhằm bảo đảm đồng bộ thống nhất với các dự án luật đang trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), nhất là các nội dung liên quan đến quy định như quyền và nghĩa vụ của các bên trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà ở, quy định liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp… để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Liên quan quy định tại khoản 5 Điều 23 dự thảo Luật, vị đại biểu này chọn phương án 2 với lý giải: Đây là phương án quy định rõ nội dung thỏa thuận đặt cọc, số tiền đặt cọc bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng, hạn chế việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận tiền đặt cọc như một kênh huy động vốn.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ trách nhiệm xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; công bố công khai các thông tin liên quan; kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản cho các cơ quan tổ chức theo quy định của pháp luật.

Điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản (Điều 39) là một vấn đề cũng từng nhận được nhiều ý kiến thảo luận. Tại kỳ họp này, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã đề cập rõ: Qua quá trình nghiên cứu hoàn thiện dự thảo, để bảo đảm quy định chặt chẽ, ngăn ngừa tình trạng lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực chuyển nhượng dự án nhằm tìm kiếm lợi nhuận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tại khoản 3 Điều 39, theo đó chủ đầu tư chuyển nhượng phải "hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng".

Đánh giá tổng quan dự thảo Luật, nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật đã khu trú nội dung, phạm vi điều chỉnh nhằm thể chế hóa bốn chính sách lớn liên quan bất động sản, kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ các bên và trách nhiệm quản lý nhà nước. Đồng thời để hạn chế mâu thuẫn chồng chéo, dự thảo Luật đã đưa ra năm trường hợp, theo đó không phải tất cả bất động sản trong Bộ luật Dân sự đều được đưa vào kinh doanh.

Về việc còn có sự giao thoa giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định về điều kiện của nhà ở có sẵn, nhà ở thương mại, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, cũng như các hoạt động có liên quan đến kinh doanh bất động sản. Còn trong Luật Nhà ở sẽ quy định các vấn đề về phát triển nhà ở, về chế độ sở hữu, về bảo hành, bảo trì, cải tạo, phá dỡ, quản lý, sử dụng về nhà ở. Những vấn đề về 2% quỹ bảo trì cũng đang được xử lý trong Luật Nhà ở.

Các vấn đề khác, để bảo đảm dự thảo Luật sửa đổi lần này bám sát thực tiễn, nêu ý kiến giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết: Về các nội dung còn có hai phương án, qua thảo luận cho thấy các ý kiến vẫn còn có sự phân tán, thậm chí có đại biểu đưa ra phương án thứ ba, do đó, vấn đề này sẽ tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lấy phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Liên quan Sàn giao dịch bất động sản, nhiều đại biểu ủng hộ với việc khuyến khích giao dịch mà không bắt buộc qua Sàn, đồng thời cần có các quy định nhằm nâng cao năng lực chuyên nghiệp của Sàn, chất lượng trình độ của những người hoạt động ở Sàn. Để khắc phục bất cập thực tế thời gian qua, các cơ quan soạn thảo cần khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định theo hướng: Sàn giao dịch bất động sản thực hiện chức năng trung gian môi giới, không tham gia mua bán.