Số phận những đứa trẻ không có khai sinh

Theo The Guardian, chỉ 15% số trẻ em ở Papua New Guinea được đăng ký khai sinh. Không có giấy tờ tùy thân khiến những đứa trẻ tại quốc gia này dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn người và bóc lột lao động hơn bao giờ hết.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều đứa trẻ được sinh ra ở Papua New Guinea nhưng không có giấy khai sinh. Ảnh: THE GUARDIAN
Nhiều đứa trẻ được sinh ra ở Papua New Guinea nhưng không có giấy khai sinh. Ảnh: THE GUARDIAN

Năm Mary 11 tuổi, mẹ cô bé tái hôn sau cái chết của chồng, Mary được gửi cho một người dì chăm sóc. Kể từ đó, cô bé đối mặt sự bóc lột nặng nề. Dì của Mary đã bắt cô bé ra đường phố Port Moresby, Thủ đô của Papua New Guinea, để bán những món hàng nhỏ và thường xuyên yêu cầu cô làm các công việc nội trợ khi về nhà. Mary chưa bao giờ đến trường và không biết chữ. Gần đây, Mary đã tìm đến Life PNG Care - một tổ chức phi lợi nhuận về phúc lợi trẻ em có trụ sở tại Gerehu ở trung tâm thành phố, nơi giúp trẻ em có thức ăn và nơi ở. Tại đây, Mary sẽ được học tại nhà cho đến khi cô sẵn sàng bước vào chương trình giáo dục chính thức tại các trường học.

Một trong những lý do khiến Mary phải trải qua nỗi đau bị bóc lột là do cô bé không được đăng ký khai sinh. Mary chỉ là một trong số vô vàn trẻ em tại Papua New Guinea trong tình trạng như vậy. Chính phủ nước này ước tính chỉ có 15% số trẻ em được đăng ký khai sinh chính thức. Trong khi đó, số trẻ em được khai sinh trên toàn thế giới là 75% và 88% ở Quần đảo Solomon - quốc đảo nằm ở phía đông Papua New Guinea. Nếu không có giấy khai sinh, việc buôn bán và bóc lột trẻ em sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Ông Collin Pake, người sáng lập và là Giám đốc Life PNG Care cho biết: “Chúng tôi hiện chăm sóc khoảng 45 trẻ em. Khoảng 70% số trẻ em được chúng tôi chăm sóc không có giấy khai sinh và không biết ngày sinh của mình. Khi chúng tôi hỏi tuổi của các cháu là bao nhiêu, chúng chỉ đoán. Chúng tôi đã thực hiện các cuộc khảo sát ở Port Moresby và ước tính có khoảng 20.000 trẻ em vô gia cư trong thành phố”.

Trong số 500 trẻ em từ một đến 12 tuổi do PNG Hope for Poor Care, một tổ chức phúc lợi khác ở Port Moresby chăm sóc, chỉ 20 trẻ có giấy khai sinh. Bà Leisha Lister, một nhà tư vấn luật pháp và công lý quốc tế ở Canberra (Canada) cho biết, tình hình này nguy hiểm đối với trẻ em: “Trẻ em không có bất kỳ giấy tờ tùy thân hợp pháp nào rất dễ bị làm giả giấy tờ phục vụ cho việc buôn bán người. Giấy khai sinh giúp trẻ không bị một người không phải là thành viên trong gia đình lừa vào các đường dây buôn người. Đó là nền tảng để bảo vệ trẻ em”.

Các báo cáo của Chính phủ Papua New Guinea xác định nạn buôn bán trẻ em là một vấn đề đáng quan ngại tại nước này. Một cuộc khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về trẻ em ở Port Moresby vào năm 2012 cho thấy, tỷ lệ lao động trẻ em và lạm dụng tình dục cao ở số trẻ em sống trên đường phố Thủ đô của Papua New Guinea. Tổ chức trên cũng báo cáo rằng, khoảng 68% số trẻ em được khảo sát làm công việc độc hại, 43% làm nghề mại dâm và 47% chưa bao giờ đến trường.

Năm 2020, Chính phủ Papua New Guinea đã đưa ra một kế hoạch hành động quốc gia nhằm đào tạo và cung cấp nguồn lực cho các nhân viên và dịch vụ y tế, qua đó thúc đẩy đăng ký khai sinh cho trẻ. Dù vậy, đây được cho là một thách thức lớn trong bối cảnh hệ thống y tế của đất nước đang quá tải khi phải đối mặt với gánh nặng dịch bệnh như bệnh lao, bệnh tiểu đường và khả năng tiếp cận yếu đến các khu vực xa xôi. Bà Lister nhấn mạnh rằng, các thủ tục đăng ký khai sinh cần đơn giản hóa để các gia đình nông thôn và người mù chữ có thể tiếp cận được. Không chỉ vậy, việc tuyên truyền lý do cần có giấy khai sinh cũng nên được triển khai phổ biến khắp cả nước.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, bên cạnh những chính sách của chính phủ, trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con cũng thuộc về các bậc cha mẹ. “Chúng ta cần nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ. Họ đang không thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình”.