Thống nhất quy trình
Được kết cấu thành ba chương, Chương 1 của dự thảo Nghị quyết quy định về phạm vi điều chỉnh, phạm vi giám sát, nội dung hoạt động giám sát. Trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện giám sát và báo cáo kết quả giám sát cũng như việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát là nội dung của hai chương sau, quy định rất cụ thể về cập nhật thông tin kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo kỳ giám sát hằng năm; hồ sơ báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo kỳ giám sát hằng năm; chế độ báo cáo; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát; hiệu lực thi hành và tổ chức thi hành.
Chức năng giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội-cơ quan chịu trách nhiệm chính về lập pháp-vốn đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân… Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động này phần nào còn mờ nhạt, chưa có quy trình thống nhất.
Trình bày về vấn đề này tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, vẫn còn tình trạng chưa chủ động, kịp thời phát hiện và kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa phù hợp quy định của luật đã được chỉ ra và kết luận, nhưng việc sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới để khắc phục còn chậm… Do đó, để góp phần đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết là cần thiết; phù hợp với vị trí, chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.
Thượng tôn pháp luật trước hết từ chính cơ quan lập pháp
Đặt kỳ vọng vào hiệu quả của công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề: "Trong một năm có bao nhiêu văn bản ban hành sai thẩm quyền, không đúng nội dung mà hiện chưa bị xử lý"? Theo lãnh đạo Quốc hội, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật trước hết phải ở chính cơ quan ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật.
Góp ý cụ thể một số nội dung của nghị quyết, đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ, phạm vi giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội phải theo lĩnh vực được phân công (trừ những trường hợp có quy định khác hoặc theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Do Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban phụ trách, nên đây là hoạt động không phụ thuộc vào việc các cơ quan thi hành phải báo cáo; mà là hoạt động mang tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trong quá trình thực hiện giám sát, kết quả được báo cáo định kỳ vào cuối năm; đồng thời cần có báo cáo ngay với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại bất kỳ phiên họp nào khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, trái luật…
Mặc dù công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ luôn được Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm, nhưng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, lần đầu Bộ Chính trị đã ban hành kết luận định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ.
Về phần mình, thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án báo cáo Bộ Chính trị. Với tám nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, Đề án đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng, đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể-một khối lượng công việc khổng lồ. Trong đó, riêng năm 2022 đã có tới 95/137 nhiệm vụ lập pháp cần phải hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu, chiếm 69% tổng số nhiệm vụ lập pháp được xác định của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, hướng tới việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở vững chắc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, cả bộ máy phải vận hành nhịp nhàng. Trong đó, các cơ quan của Quốc hội đóng vai trò "chốt chặn" cuối cùng, ngăn ngừa những sản phẩm lỗi, ban hành sai thẩm quyền, không đúng nội dung… Hơn thế, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh trong phiên họp thứ 13 này, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội còn đóng vai trò đồng hành, giám sát việc thực hiện trong suốt vòng đời của văn bản pháp luật, kịp thời đưa ra giải pháp xử lý, chấn chỉnh. Đó cũng là một trọng tâm giám sát, chức năng then chốt thứ hai trong ba chức năng của Quốc hội: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.