Sẵn sàng cho giai đoạn chiến lược mới

Năm 2021, thế giới bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21, cũng là năm Việt Nam khởi động triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và chiến lược phát triển đến năm 2030. Những thành tựu nổi bật trong năm vừa qua tạo nền tảng vững chắc để đối ngoại Việt Nam tự tin bước vào giai đoạn chiến lược mới, tiếp tục đóng góp thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước và nâng tầm vị thế quốc gia.

Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết theo hình thức trực tuyến trong năm Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Nguồn: Bộ Ngoại giao
Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết theo hình thức trực tuyến trong năm Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Nguồn: Bộ Ngoại giao

Thế giới bước sang năm mới 2021 với những thách thức vô cùng lớn chuyển giao từ một năm nhiều xáo trộn do tác động "vô tiền khoáng hậu" của Covid-19. Ðại dịch đã đẩy kinh tế thế giới xuống đáy suy thoái, làm đứt đoạn các chuỗi thương mại và cơ chế liên kết kinh tế. Song, Covid-19 cũng làm nổi bật hơn nhu cầu hợp tác và gắn kết, nhất là về kinh tế, thương mại. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, năm 2020 vẫn chứng kiến những bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết trong năm Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Tầm nhìn APEC đến năm 2040, do Việt Nam đề xuất và thúc đẩy thảo luận, đã được các thành viên thông qua, vạch định hướng hợp tác dài hạn cho Diễn đàn. Những văn kiện trên khẳng định vai trò dẫn dắt và điều phối của Việt Nam trong nỗ lực duy trì đà hợp tác kinh tế, thương mại khu vực, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu thúc đẩy các liên kết kinh tế quốc tế, tham gia sâu hơn công việc định hình các cấu trúc đa phương, xây dựng "luật chơi" chung trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Thành tựu nổi bật trong hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế tạo nền tảng và vị thế vững chắc để Việt Nam bước vào giai đoạn chiến lược mới, hội nhập và liên kết sâu rộng hơn. Ðịnh hướng của ngoại giao kinh tế đa phương năm 2021 là ưu tiên thực thi hiệu quả các cam kết thương mại trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), cả song phương và đa phương, cùng việc tiếp tục mở rộng mạng lưới liên kết kinh tế, thương mại. Trong khi Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) đang trong giai đoạn triển khai mạnh mẽ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ đầu năm 2021 và RCEP bước vào tiến trình phê chuẩn để sớm đưa vào thực thi.

Những bước tiến lớn trong hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp Việt Nam hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế và mạng lưới FTA rộng khắp, với các đối tác kinh tế hàng đầu thế giới. Ðây là không gian rộng mở và thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh triển khai các mục tiêu hội nhập kinh tế sâu rộng, đồng thời là nguồn lực và động lực quan trọng để Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới.

Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21, tình hình khu vực và quốc tế được dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh và phức tạp. Ðại dịch đã làm lộ những yếu kém trong hệ thống quản trị toàn cầu và giai đoạn chiến lược tới sẽ chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng, cả trong vấn đề chính trị, an ninh, lẫn kinh tế. Trong đó, các cường quốc có sự điều chỉnh chính sách, có thể làm nóng thêm cạnh tranh chiến lược, nhất là ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Ðại dịch vẫn diễn biến khó lường, tác động về kinh tế - xã hội chưa dừng lại. Song song nỗ lực khống chế Covid-19, xu hướng hợp tác, liên kết kinh tế được dự báo gia tăng trong năm 2021, khi thế giới bước vào cuộc "vượt dốc" nhằm phục hồi sau đại dịch.

Sẵn sàng cho giai đoạn chiến lược mới -0

Phiên họp tổng kết công tác Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an LHQ. Nguồn: Bộ Ngoại giao 

Bối cảnh quốc tế mới tác động trực tiếp môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, đặt ra thách thức song cũng tạo nhiều cơ hội để Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế. Trong nửa chặng đường vừa qua của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam có những đóng góp nổi bật, được các quốc gia và đối tác đánh giá tích cực. Năm 2021, mục tiêu đặt ra là phát huy thành tựu đạt được, nhất là thúc đẩy đồng thuận, gắn kết giữa các thành viên của Hội đồng Bảo an và tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong các nỗ lực vì hòa bình và an ninh quốc tế.

Trong bối cảnh đại dịch chưa được kiềm chế, Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Covid-19 đối với các vấn đề an ninh và phát triển, trong đó các cuộc xung đột, khủng hoảng trên thế giới được dự báo sẽ phức tạp, khó giải quyết hơn. Với cương vị là thành viên ASEAN duy nhất tham gia Hội đồng Bảo an LHQ trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến nhằm nâng cao tiếng nói và hình ảnh của Hiệp hội tại cơ quan quyền lực cao nhất của LHQ, nhất là trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, ngăn chặn khủng hoảng và tái thiết sau xung đột.

Nhận định về những thách thức sắp tới, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Ðại sứ Ðặng Ðình Quý cho rằng, cạnh tranh chiến lược gia tăng càng đòi hỏi sự đồng thuận và hợp tác trong Hội đồng Bảo an LHQ, để xử lý các vấn đề một cách đúng lúc và đúng mức. Với niềm tin và sự ủng hộ của các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, với những sáng kiến, nỗ lực điều phối, dẫn dắt được ghi nhận khi đảm nhiệm các trọng trách khu vực và quốc tế vừa qua, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục đóng góp duy trì hợp tác, gắn kết giữa các thành viên hướng tới mục tiêu chung.