Về “giấc mơ Trung Hoa”

NDO -

Hiện thực hóa công cuộc phục hưng vĩ đại đất nước Trung Quốc và giấc mơ Trung Hoa”. Đó là lời kêu gọi ngày 17-3-2013 tại Quốc hội Trung Quốc, được phát đi như một lời hiệu triệu của ông Tập Cận Bình - người đứng đầu ban lãnh đạo thế hệ thứ năm của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - sau khi ông được bầu làm Chủ tịch nước.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18.
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18.

“Giấc mơ Trung Hoa” là gì?

21 ngày sau, ngày 8-4, nội hàm “Giấc mơ Trung Hoa” đã được ông Tập Cận Bình nêu khá rõ trong phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA): “Vào giữa thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, văn hóa tiên tiến và hòa hợp; và giấc mơ Trung Hoa, cụ thể là sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, sẽ thành hiện thực”.

Thời điểm hoàn tất “cuộc phục hưng vĩ đại”

Từ mấy chục năm trước, người ta đã nói nhiều đến “hiện tượng Trung Quốc”, nơi mà đến năm 1990, tổng sản phẩm quốc dân đã tăng gấp đôi so với năm 1980. Từ đó đến nay, với sự trỗi dậy đáng kinh ngạc, Trung Quốc đang hút tầm nhìn của thế giới. Hiện thời Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế số một châu Á và thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Mười năm tăng gấp đôi GNP là một kỷ lục của thế giới, nhưng sau 1990, Trung Quốc đã tăng gấp đôi GNP các lần tiếp theo mà không cần tới 10 năm. Đây quả không phải là một hiện tượng bình thường, nhất là đối với Trung Quốc, nước có số dân tới hơn 1,3 tỷ người! Người ta từng biết, để tăng gấp đôi GNP, Anh phải mất 58 năm, Mỹ 47 năm, Nhật 34 năm, Brazil 18 năm...

Qua Đại hội lần thứ 18 vừa rồi của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thế giới càng cảm nhận được rõ sự khát khao đến cháy bỏng của người Trung Hoa muốn tạo một xung lực mới đưa đất nước khổng lồ này lên tầm cao phát triển mới. Hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có ba cống hiến lớn: lãnh đạo nhân dân Trung Quốc làm chủ đất nước; thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa từ một nước lớn phương Đông lạc hậu; dẫn dắt nhân dân thực hiện cuộc cải cách mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Mục tiêu hướng tới của Trung Quốc là xây dựng một xã hội khá giả cho hơn 1,3 tỷ dân Trung Quốc, là nước có mức thu nhập trung bình; xây dựng một xã hội hiện đại, dân chủ, văn minh, hài hòa.

Năm 2049, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tròn 100 tuổi, đó là cái mốc được các nhà lãnh đạo Trung Quốc xác định cho việc hoàn thành “giấc mơ Trung Hoa”. Để đạt “giấc mơ vĩ đại” này, ông Tập Cận Bình hô hào tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, dẹp bỏ các bất đồng, phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu mà Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra: đưa thu nhập bình quân đầu người lên gấp đôi, đạt 10.000 USD vào năm 2020 và tạo ra một xã hội khá giả với nền văn minh cao.

Chủ thuyết phát triển

Nhìn lại tiến trình Trung Quốc trong mấy chục năm qua, người ta thấy hầu như tất cả các nhà lãnh đạo đứng đầu cường quốc đông dân nhất thế giới này khi lên nắm quyền đều đưa ra chủ thuyết phát triển đất nước. Với những nhận thức và cảm xúc khác nhau, thế giới đã từng biết đến những chủ thuyết như: “đại nhảy vọt”, “bốn hiện đại”, “ba đại diện”, “xã hội khá giả”, “xã hội hài hòa”, “trỗi dậy hòa bình”, “thế giới hài hòa”...

Người ta còn nhớ, tại Đại hội 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2002, ông Giang Trạch Dân đã đưa ra thuyết “Ba đại diện”: Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của dân tộc Trung Hoa. Từ lúc đó, ông Giang Trạch Dân đã nhấn mạnh, Trung Quốc cần có cách nghĩ mới về các hướng phát triển, thực hiện những bước đột phá trong cải cách và xác lập thời cơ mới. Lịch trình cụ thể cho việc phát triển xã hội Trung Quốc được đặt ra lúc đó như sau: đến năm 2020 phải đạt được một xã hội khá giả toàn diện, cụ thể là xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo đói trên toàn quốc. Đây sẽ là nền móng để hướng tới một “xã hội hiện đại toàn diện”. Năm 2002, Trung Quốc đã hoàn tất hai bước đầu tiên trong quá trình ba bước hiện đại hóa được đưa ra từ cách đây hơn 30 năm. Đó là đã hai lần tăng gấp đôi GDP trong vòng 10 năm (1980-1990) và 10 năm kế tiếp (1990-2000). Để đạt được bước thứ ba của lịch trình này, Trung Quốc phải hoàn tất ba bước đi cụ thể sau: Bước thứ nhất, trong 10 năm, tăng gấp đôi GDP của năm 2000 để đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2010; bước thứ hai, tăng gấp đôi GDP của năm 2010 để đạt 4.000 tỷ USD; bước thứ ba, lại tăng gấp đôi GDP để đạt mức một xã hội hiện đại hoàn toàn. Đến Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17, ông Hồ Cẩm Đào đã đề ra chủ thuyết “xã hội hài hòa”, nhấn mạnh điều hòa phát triển bền vững, xây dựng xã hội chủ nghĩa hài hòa, thúc đẩy xã hội công bằng chính nghĩa.

Về “giấc mơ Trung Hoa” ảnh 1
...trong hơn 10 năm qua, trong không gian náo động của cuộc “làm giàu siêu tốc”, số lượng tỷ phú của Trung Quốc tăng nhanh nhất thế giới...

Có một sự thật là trong hơn 10 năm qua, trong không gian náo động của cuộc “làm giàu siêu tốc”, số lượng tỷ phú của Trung Quốc tăng nhanh nhất thế giới, riêng số đại tư bản đã lên tới gần 250 người từ 2007 đến nay. Chưa đầy 1% dân số Trung Quốc kiểm soát hơn 70% giá trị tài sản của cả nước. Điều này cho thấy, phân hóa xã hội, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng sâu sắc ở nước này. Cùng với đó là cuộc chiến chống tham nhũng chưa đạt kết quả cần thiết, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đô thị hóa ồ ạt... đang đặt ra những thách thức rất gay gắt đối với Trung Quốc trên con đường phát triển.

Trong bối cảnh như vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định rõ mấy vấn đề lớn sau đây: Trước hết là bốn thử thách: 1. Từ cải cách mở cửa; 2. Từ kinh tế thị trường;

3. Từ các yếu tố bên ngoài; 4. Từ cơ chế, thể chế.

Tiếp đến là bốn nguy hiểm: 1.Tinh thần rời rạc; 2. Xa rời quần chúng; 3. Tham nhũng, tiêu cực;

4. Không đủ năng lực.

Đồng thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng khẳng định bốn điểm cơ bản hay là bốn nguyên tắc trong lãnh đạo: 1. Kiên trì giải phóng tư tưởng, thật sự cầu thị, tiến theo thời đại; 2. Kiên trì tất cả vì nhân dân, liên hệ mật thiết với nhân dân. Mối liên hệ với nhân dân, sự ủng hộ của nhân dân thể hiện tính tiên tiến của Đảng;

3. Kiên trì, coi trọng nhân tài;

4. Phải quản lý Đảng nghiêm ngặt.

“Kinh phúc âm của thế kỷ 21”?

Từ cách đây gần 1/4 thế kỷ đã xuất hiện cuốn sách Thời đại Trung Quốc của Tống Thái Thánh, trong đó nêu rõ: “Bước vào thế kỷ 21, cho dù trên bầu trời thế giới đang mọc thêm nhiều ngôi sao thì Trung Quốc mới đúng là mặt trời của thế giới. Thời đại Trung Quốc là kinh Phúc âm của thế kỷ 21”. Có thể nói trong những thập kỷ gần đây, không có một nước nào thực hiện chiến lược bứt phá mà đạt được những bước tiến lớn như Trung Quốc. Đây chỉ mới là Trung Quốc lục địa chứ chưa tính tới Trung Quốc bao gồm Hồng Công, Đài Loan và Ma Cao. Trung Quốc còn đưa ra khái niệm “Vành đai kinh tế đại Trung Hoa” bao gồm một khu vực rộng lớn, hứa hẹn đem lại cho đất nước khổng lồ này những tiềm lực kinh tế mới, sức cạnh tranh toàn cầu mới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của cuộc suy thoái kinh tế thế giới và những vấn đề nảy sinh từ nội bộ đời sống kinh tế - xã hội Trung Quốc, hiện nay tình hình đã không diễn ra theo chiều hướng phát triển liên tục như các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn. Phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao mới đây, ông Tập Cận Bình thừa nhận thời kỳ phát triển cao của Trung Quốc đã kết thúc. Theo phân tích của báo Phố Wall ngày 17-4-2013, sau ba thập kỷ phát triển với tốc độ bình quân khoảng 10%, nhiều ngành công nghiệp Trung Quốc đang trải qua thời kỳ khó khăn. Thế giới đã từng biết, một số nền kinh tế châu Á đã tăng tốc và đạt đỉnh như: Nhật Bản đạt đỉnh năm 1968, Đài Loan đạt đỉnh năm 1978, Hàn Quốc đạt đỉnh năm 1987 nhưng sau đó tất cả đã chững lại và có lúc đã lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Liệu Trung Quốc có lâm vào tình trạng tương tự? Trong nhiều năm, kinh tế Trung Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng hơn 10%, đặc biệt năm 2007 lên tới 14,2%. Năm 2012, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới (7,3%), nhưng hiện đang đối diện với chiều hướng phát triển chậm lại. Trung Quốc bắt đầu thực hiện điều chỉnh mô hình tăng trưởng mới, dựa chủ yếu vào đầu tư và xuất khẩu sang một nền kinh tế dựa trên tiêu dùng nội địa và dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Mặt khác, những thay đổi của xu thế địa chiến lược quốc tế hiện nay đã ảnh hưởng sâu sắc đến địa chiến lược của Trung Quốc và các nước lớn khác. Các “diễn viên” chủ yếu trên vũ đài chính trị như Mỹ, châu Âu, Nga, Nhật Bản... liên tiếp điều chỉnh chiến lược theo những thay đổi của tình hình. Đặc biệt, Mỹ đang đẩy mạnh đầu tư chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn trên thế giới, nên trong các hoạt động đối ngoại không thể bỏ qua và xem nhẹ vai trò của đối phương. Cùng với quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, nhiều vấn đề mang tính quốc tế như tự do hóa toàn cầu, tấn công vào chủ nghĩa khủng bố, bảo vệ môi trường sinh thái đòi hỏi có sự hợp tác giữa hai nước. Chính vì vậy, vừa đấu tranh vừa hợp tác vẫn là dòng chính chi phối quan hệ hai nước hiện nay.

Về “giấc mơ Trung Hoa” ảnh 2
Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn trên thế giới, nên trong các hoạt động đối ngoại không thể bỏ qua và xem nhẹ vai trò của đối phương.

Khi xử lý mối quan hệ, cả hai bên đều nhận thấy cần thương lượng, mở rộng điểm tương đồng, tăng thêm hiểu biết, giảm bớt tiêu cực để tránh biến bất đồng thành xung đột. Mặc dù quan hệ Trung - Mỹ luôn trục trặc và cọ xát trên nhiều vấn đề, nhưng nhìn chung vẫn tiến lên trong mâu thuẫn. Từ lâu, sự trỗi dậy của Trung Quốc không những ám ảnh giấc mơ toàn cầu của Mỹ mà còn làm cho nhiều nước e ngại. Cựu ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger - người được mệnh danh là “nhà thông thái” - đã từng nói rằng, đất đai Trung Quốc rộng lớn không thể xem nhẹ, người Trung Quốc đông đúc không thể coi thường, khát vọng trỗi dậy của người Trung Quốc không thể hoài nghi. Còn vị chính khách nổi tiếng, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thì khuyên “hãy để Trung Quốc ngủ yên”. Người ta nhớ lại, tháng 11-1996, tại California đã diễn ra cuộc thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ diễn đàn về chính sách quốc tế giữa một số nhà chính khách như: cựu Tổng thống Mỹ G.Bush, cựu Thủ tướng Nhật K.Myazawa, cựu ngoại trưởng Nga A.Kodurev, Thị trưởng thành phố Thượng Hải Từ Khuông Địch và cựu Thủ tướng Hàn Quốc S. Lho. Tại cuộc thảo luận, ông K.Myazawa đã tiên đoán rằng vào năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc lớn nhất cả về kinh tế lẫn quân sự và sẽ cùng với Mỹ trở thành hai quốc gia có tiếng nói chủ yếu trên trường quốc tế trong vòng 20-30 năm tới. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Nhật Bản cũng tỏ ý lo ngại rằng: “Sẽ rất khó dự đoán Trung Quốc sẽ hành động như thế nào”. Và cựu thủ tướng Hàn Quốc cũng đặt câu hỏi: “Nếu như Trung Quốc thành một nước giàu có và hùng mạnh thì điều gì sẽ xảy ra với cán cân lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương?”. Trước những nghi vấn đó, Thị trưởng Thượng Hải Từ Khuông Địch đã nhấn mạnh rằng: “Trong 5.000 năm lịch sử của mình, vào những thời kỳ hưng thịnh, Trung Quốc chưa bao giờ từng gây chiến với ai. Từ thời nhà Đường, GDP của Trung Hoa chiếm 27% GDP của toàn thế giới, cho đến thời nhà Minh, con số này là 31% (cao hơn con số hiện nay của Mỹ), nhưng Trung Quốc không hề dấn thân vào bất cứ một cuộc chiến nào. Ngược lại chỉ vào những thời suy yếu như thời nhà Minh, nhà Thanh, Trung Quốc mới tham chiến... Mục tiêu trọng tâm hiện nay của Trung Quốc là phát triển kinh tế. Trung Quốc thất vọng khi thấy dư luận tiếp tục coi Trung Quốc như một mối đe dọa”.

“Một quốc gia hùng mạnh, một quân đội hùng mạnh”

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vừa rồi, ông Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh việc hiện đại hóa quân đội. Điều này được ông tái khẳng định trong dịp ông đến thăm khu trục hạm Hải Khẩu thuộc Hạm đội Nam Hải mới đây: “Giấc mơ này có thể nói là giấc mơ về một quốc gia hùng mạnh. Đó là giấc mơ về một quân đội hùng mạnh”. Là một trong những nước có tốc độ tăng chi phí quân sự nhanh nhất thế giới (năm 2012, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã lên tới 106 tỷ USD, có Học viện nghiên cứu của phương Tây đã công bố số liệu lên tới 166 tỷ USD), Trung Quốc đang tăng cường đầu tư chế tạo, mua sắm những thế hệ vũ khí hiện đại nhất, trước hết là cho hải quân và không quân.

Thực tế, trong “công cuộc phục hưng vĩ đại đất nước Trung Quốc và giấc mơ Trung Hoa”, chính sách tiến ra biển bằng sức mạnh, tìm kiếm, chiếm đoạt tài nguyên và các nguồn năng lượng mới đã tạo ra các cuộc xung đột, tranh chấp chủ quyền biển đảo rất căng thẳng với hầu hết các nước láng giềng, làm cho chủ thuyết “trỗi dậy hòa bình”, “ thế giới hài hòa” của Trung Quốc khó có sức thuyết phục với cộng đồng quốc tế. Điều này trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất, tập trung nhất trong các cuộc đối thoại cấp cao, trên công luận và trên các diễn đàn quốc tế thời gian qua.

Dư luận thế giới rất chú ý việc Trung Quốc chỉ cử cấp thứ trưởng quốc phòng dự diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương Đối thoại Shangri- La vừa được tổ chức từ 31-5 đến 2-6-2013 tại Singapore. Tại diễn đàn ngày càng có uy tín và ảnh hưởng mạnh này, đại diện cấp cao, các chuyên gia, học giả nổi tiếng đến từ nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương đã theo dõi với mối quan tâm đặc biệt và đánh giá rất cao bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - người được mời phát biểu với tư cách là diễn giả chính - trong đó người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã phát đi thông điệp lớn về xây dựng niềm tin chiến lược trong quan hệ quốc tế, nhất là tại châu Á - Thái Bình Dương vốn đầy bão tố và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột.

Về “giấc mơ Trung Hoa” ảnh 3

Với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, du lịch trở thành một nguồn thu quan trọng trong kinh tế Trung Quốc. Du khách tham quan Vạn Lý Trường Thành.

Trung Quốc đang hướng tới chiếm lĩnh vị trí cường quốc thế giới.

Tiếp đó, sự kiện Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ với Tổng thống B. Obama tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở California ngày 8-6-2013 vừa qua để xác lập “một kiểu quan hệ mới” giữa hai nền kinh tế lớn nhất và hai cường quốc hàng đầu thế giới đang được các nhà quan sát và dư luận quốc tế nhìn nhận và phân tích như một trong những động thái chiến lược quan trọng nhất, gắn kết với không gian rộng lớn của việc hiện thực hóa ”giấc mơ Trung Hoa”.

Trung Quốc đang hướng tới chiếm lĩnh vị trí cường quốc thế giới. Trung Quốc phát triển hòa bình, góp phần tích cực vào tiến bộ chung của nhân loại là điều không chỉ nhân dân Trung Quốc mà cả thế giới đều mong muốn. Nhưng chỉ khi Trung Quốc trỗi dậy, phát triển mạnh mà lại sống yên hòa với các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, nhất là với các nước láng giềng thì “giấc mơ Trung Hoa” mới trọn vẹn. Đó là lợi ích chung của hòa bình và phát triển và đó cũng là lợi ích thật sự và bền vững của chính dân tộc Trung Hoa.