- Thưa ông, có ý kiến cho rằng, hàng chục nghìn cây xanh gãy đổ ở từng đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng trong cơn bão số 3 vừa qua là hệ quả của tình trạng không có sự chủ động quy hoạch, lên kịch bản trồng và chăm sóc cây xanh đô thị nói chung, ở từng tuyến phố nói riêng. Từ góc nhìn của một chuyên gia, ông có bình luận gì về vấn đề này?
- Việc đổ gãy nhiều cây ở đô thị như Hà Nội do ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 3 với cường độ và tốc độ gió rất mạnh, kết hợp mưa lớn, bên cạnh đó còn do một số hạn chế về yếu tố kỹ thuật trồng và chăm sóc.
Các đơn vị liên quan đã có những đợt quy hoạch từng khu vực hoặc riêng lẻ tuyến phố về trồng và chăm sóc cây xanh theo quy định chung của Bộ Xây dựng. Do nguồn lực nhìn chung còn hạn chế nên họ khó thực hiện một cách đồng bộ và tổng thể. Việc quy hoạch và trồng cây xanh phù hợp về tổng thể cũng như theo những tuyến phố chính cần có sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực để lựa chọn loại cây đặc trưng, sự phối kết hài hòa với không gian đô thị mới, thích ứng biến đổi khí hậu và văn hóa vùng miền.
Mỗi loại cây xanh đều có tuổi thọ nhất định; cây cần được trồng mới khi không còn phù hợp do già cỗi, bị sâu bệnh gây mục ruỗng trong thân, cành hoặc bị cong, nghiêng, sinh trưởng yếu kém do điều kiện bất thuận của khu vực đô thị. Khi lập quy hoạch, các cơ quan liên quan cũng cần đưa vào tiêu chí chu kỳ kinh doanh/chu kỳ sử dụng nhằm giới hạn thời gian phục vụ của cây để có kế hoạch khai thác và trồng mới dựa trên chu kỳ sống hay vòng đời của loài cây đó. Riêng đối với cây xanh quý hiếm, có liên quan bảo tồn di tích hoặc văn hóa, phải có kế hoạch cụ thể về tạo không gian sống cho cây, áp dụng kỹ thuật kiểm tra, duy trì, chăm sóc, cắt tỉa để tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc.
- Hiện tồn tại thực tế, trên nhiều tuyến phố nội đô, vỉa hè có bề rộng nhỏ hơn 3m, lại thường xuyên bị co kéo, bó vỉa, lòng đường bị đào xới hoặc tôn lên thường xuyên gây ảnh hưởng đến sinh tồn của cây xanh. Ông có thể gợi ý một số giải pháp phủ xanh mà theo ông là khả thi hơn cả?
- Trên những tuyến phố như vậy, theo quy định chung của Bộ Xây dựng là không được phép trồng cây cao hơn 10m. Có thể cải tạo bằng cách trồng một số loại cây trong chậu hoặc cây dây leo với thiết kế giàn chắc chắn, phù hợp cảnh quan chung. Bên cạnh đó, có thể trồng một số loại cây có khả năng chịu bóng (chịu được hoàn cảnh hạn chế ánh sáng do nhà cao tầng) một phần như giáng hương, bằng lăng, muồng hoa vàng với điều kiện phải cắt tỉa hằng năm, bảo đảm tạo tán thấp, gọn, trong chu kỳ sử dụng 15-20 năm.
- Nhìn rộng hơn, Việt Nam có những đô thị từ thời thuộc Pháp từng được lưu dấu với hệ thống cây xanh tạo nên vẻ đẹp bền bỉ qua năm tháng. Song, theo thời gian, giờ đây các đô thị cũ ấy đã thay đổi rất nhiều về cảnh quan công cộng, mật độ dân cư. Vì thế, cây xanh ở đó cũng cần được ứng xử khác, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Ông có gợi ý gì về việc bổ sung, thay mới giống loài cây xanh nào cho phù hợp xu hướng phát triển hiện nay và tương lai đối với vùng lõi của các đô thị cũ?
- Cây xanh là một phần không thể thiếu trong cảnh quan đô thị với nhiều vai trò khác nhau. Để phát triển bình thường, cây xanh cần đủ không gian sống dưới đất để lấy được nước và dinh dưỡng; đủ không gian trên mặt đất để hấp thu được ánh sáng thực hiện các hoạt động sống.
Trong thực tế, tại các khu vực lõi đô thị cũ, lòng đường, vỉa hè thường hẹp và con người ta có xu hướng xây dựng nhà cửa theo hướng cao tầng nên không gian dưới đất và ánh sáng cho cây bị hạn chế. Để có cơ sở khoa học xác định thêm cây xanh phù hợp với tuyến phố cũ, vùng lõi đô thị, cây bản địa tại Việt Nam và mang nét đặc trưng văn hóa vùng miền cần những nghiên cứu thực nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng. Có thể tham khảo loại cây như hoàng lan, sao đen có thân thẳng, tán gọn và đã được trồng kiểm nghiệm tại đô thị trong thời gian dài; khi trồng cần cắt tỉa và duy trì tán thấp. Mặc dù vậy, việc chọn loại cây cụ thể cần tuân thủ quy định hướng dẫn của Bộ Xây dựng và quy hoạch từng địa phương.
Cây xanh góp phần làm tròn đầy đời sống tinh thần của con người đô thị. Ảnh: Khiếu Minh |
- Nhân đây, ông có thể cho biết, bộ môn nơi ông công tác hoặc cá nhân ông đã từng nhận được những lời mời tư vấn về quy hoạch cảnh quan đô thị, trong đó có quy hoạch, quản lý cây xanh đô thị?
- Bộ môn Rau hoa quả và cảnh quan, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng các nhóm nghiên cứu chuyên sâu có thế mạnh hiểu biết về đặc tính sinh trưởng phát triển của nhiều loại cây trồng cảnh quan và đô thị cũng như những biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây phù hợp. Các chuyên gia về thiết kế cảnh quan, chuyên gia cây trồng của chúng tôi đã tham gia tư vấn, thiết kế, lựa chọn loại cây và biện pháp kỹ thuật duy trì cây xanh cho nhiều khu đô thị mới, khuôn viên khu công nghiệp, trang trại giáo dục cũng như các biệt thự tư nhân… Trong đó có cả những khu đô thị mới giàu tiềm năng nhưng trồng cây khó khăn trên vùng đất ven sông, gần biển có nhiễm mặn.
Các cử nhân tốt nghiệp ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan đang công tác tại nhiều tổ chức, tập đoàn phát triển đô thị trong cả nước là nguồn lực tri thức và kinh nghiệm to lớn mà chúng tôi vẫn luôn duy trì kết nối, cập nhật, phát huy trong lĩnh vực thiết kế cảnh quan. Chúng tôi luôn mong muốn được cộng tác, tư vấn và tham gia thiết kế các công trình cây xanh, cảnh quan để phát huy thế mạnh đã có.
- Trân trọng cảm ơn ông!