Những bộ phim mừng Ðảng, mừng Xuân

NDO - Ngành điện ảnh Việt Nam vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bình chọn hai trong mười sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2010: Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức thành công và đạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Ðiện ảnh Hoa Kỳ tôn vinh vì những cống hiến to lớn đối với nền điện ảnh Việt Nam. Ðây là thành quả phấn đấu của toàn ngành không chỉ trong một năm đã qua, mà bởi sự cống hiến và nỗ lực không ngừng của những người làm điện ảnh nước nhà.

Trong niềm vui đó, để chào mừng Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, ngành điện ảnh Việt Nam đến với công chúng trên khắp cả nước bằng những tác phẩm điện ảnh mới nhất như Vượt qua bến Thượng Hải (phim truyện nhựa), Ðiệu xòe trên nương, Tình người ấm áp, Rừng không lặng gió, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ (phim truyện vi-đi-ô); các phim tài liệu Những người cộng sản, Từ Thác Bà đến Sơn La và bộ phim tài liệu ba tập Những chặng đường cách mạng vẻ vang (Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6, năm 1983).

Tuần phim Chào mừng Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI được Cục Ðiện ảnh tổ chức vào 10-1-2011, ngay trước ngày khai mạc Ðại hội Ðảng, và diễn ra trong suốt thời gian Ðại hội. Các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Thái Nguyên và nhiều tỉnh, thành trên cả nước sẽ đồng thời khai mạc tuần phim tại các địa điểm trung tâm thành phố. Hàng trăm đội chiếu bóng lưu động thuộc các trung tâm, công ty điện ảnh của 63 tỉnh, thành sẽ đưa phim tới phục vụ nhân dân ở mọi miền đất nước, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Trong thời gian này, tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng sẽ có những ngày chiếu phim Việt Nam với các bộ phim truyện và tài liệu đặc sắc được sản xuất trong thời gian qua. Một Chương trình chuyên đề Chào mừng Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI do Cục Ðiện ảnh đặt hàng Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương sản xuất (DVD) cũng đã được nhân bản phổ biến tới công chúng ngay từ tháng 11-2010.

Nếu như bộ phim tài liệu lịch sử Những chặng đường cách mạng vẻ vang, đạo diễn Lý Thái Bảo, Hãng phim TLKH T.Ư, 1982) thể hiện sâu sắc, đề cập khá toàn diện chặng đường lịch sử của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thành công cách mạng Việt Nam với rất nhiều tư liệu lịch sử có giá trị, thì bộ phim truyện Vượt qua bến Thượng Hải (đạo diễn Triệu Tuấn (Việt Nam) - Phạm Ðông Vũ (Trung Quốc) là một tác phẩm khắc họa chân dung Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và hành trình đầy nguy hiểm mà Người đã trải qua từ Hồng Công tới Thượng Hải để sang Liên Xô trong những năm 1933-1934. Tính lịch sử của bộ phim được bảo đảm trọn vẹn, không gian sáng tạo của người nghệ sĩ cũng được thể hiện rõ nét. Vượt qua bến Thượng Hải còn là câu chuyện sống động về tình cảm quốc tế sâu sắc mà các nhà trí thức, chính trị trên thế giới dành cho Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Một bộ phim truyện khác là Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ (đạo diễn Triệu Tuấn, Cục Ðiện ảnh đặt hàng, Hãng phim Hội Nhà văn sản xuất) là dòng hồi ức đầy cảm xúc về nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ. Những bộ phim truyện khác có đề tài dân tộc và miền núi do Cục Ðiện ảnh đặt hàng như Ðiệu xòe trên nương (đạo diễn Phạm Hoàng Hà, Trung tâm Ðiện ảnh Chiều thứ bảy), Rừng không lặng gió (đạo diễn Nguyễn Xuân Thành, Trung tâm Ðiện ảnh Chiều thứ bảy), Tình người ấm áp (đạo diễn Nguyễn Văn Ðức, Hãng phim truyện 1) là những bộ phim phản ánh cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đang có những thay đổi tích cực, chống lại đói nghèo, chống lại những hủ tục còn tồn tại.

Hai bộ phim tài liệu do Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương sản xuất là Những người cộng sản (đạo diễn Ðào Thanh Tùng) và Từ Thác Bà tới Sơn La (đạo diễn Nguyễn Thước) đã trở thành điểm nhấn trong đợt chiếu phim Chào mừng Ðại hội XI của Ðảng, không chỉ bởi điện ảnh tài liệu luôn tiên phong trong thực hiện trọng trách, mà vì đó là những tác phẩm phim tài liệu hấp dẫn khán giả. Bộ phim Từ Thác Bà tới Sơn La thu hút người xem trong gần 30 phút bởi cho thấy được tầm vóc lớn lao, giá trị đặc biệt về kinh tế, xã hội của một công trình thủy điện đầu tiên do chính những người kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế, thi công. Ðể có được cái nhìn tổng thể, người làm phim đã thấy được từng chi tiết trong khối công trình to lớn - công trình thủy điện Sơn La. Những chi tiết đó được đúc kết từ trí tuệ, tài năng, tài lực, sự dũng cảm của thật nhiều con người. Cái mới được phát hiện và được vận dụng ưu điểm để biến thành hiện thực và thành công. Ðó là cả một chặng đường dài gian khổ, không nản lòng của nhiều thế hệ lãnh đạo, kỹ sư, công nhân để xây dựng công trình thủy điện này.

Phim Những người cộng sản lôi cuốn người xem bởi cách phản ánh trung thực chân dung người cộng sản. Tinh thần cộng sản không chỉ có ở trong những người đảng viên, mà có ngay trong trái tim nhân hậu, trong lý tưởng sống cao đẹp, trong hành động cứu sống con người... của quần chúng nhân dân. Ðó là những người cộng sản với những trải nghiệm cuộc đời để đối diện với đời thường, đối mặt và đấu tranh với mặt trái trong xã hội, đổi mới tư duy, kiên định lý tưởng cách mạng.

Như vậy có thể thấy, một chùm phim đa dạng trong phong cách thể hiện, phong phú về đề tài và khả năng tiếp cận, xử lý của người làm nghề sẽ đem đến cho khán giả những sắc mầu khác về điện ảnh Việt Nam trong những ngày chào năm mới 2011 này. Chùm phim mới khi đến với khán giả có lẽ cũng sẽ được ghi nhận là một sự kiện văn hóa nhiều ý nghĩa mà ngành điện ảnh đã hoàn thiện để mừng Ðảng, mừng Xuân Tân Mão.