Phạt "nguội" để nâng cao ý thức chấp hành luật

Gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến việc xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh (hay còn gọi là phạt "nguội") sau khi công an các tỉnh, thành phố công bố danh sách phương tiện vi phạm trên cổng thông tin điện tử, trong đó có phương tiện vi phạm hàng chục lần phải nộp phạt lên tới cả trăm triệu đồng khi đi đăng kiểm xe.

Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Hệ thống camera giao thông từ khi được triển khai đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc bao quát, phát hiện các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT), nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Công tác xử lý vi phạm hành chính (VPHC) qua camera đang được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố và một số tuyến cao tốc, tuy nhiên, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) phối hợp các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan đăng kiểm giám sát, quản lý để buộc lái xe vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi vi phạm Luật Giao thông.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn pháp luật về ATGT, Cục CSGT khẳng định: Việc xử lý vi phạm qua hình ảnh và việc CSGT phối hợp cơ quan đăng kiểm dừng đăng kiểm những trường hợp chủ phương tiện chưa thực hiện quyết định xử phạt VPHC về trật tự ATGT có căn cứ từ những quy định cụ thể tại Luật Xử lý VPHC năm 2012, Nghị định 165/2013/NĐ-CP, Thông tư 01 và 02 năm 2016 của Bộ Công an cho phép lực lượng CSGT sử dụng phương tiện kỹ thuật, thiết bị nghiệp vụ để phát hiện VPHC.

Trong chín tháng đầu năm, thông qua hệ thống camera giám sát, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng phát hiện, xử lý gần 30 nghìn trường hợp vi phạm, nhưng mới chỉ có khoảng một nửa số trường hợp vi phạm đến chấp hành quyết định xử phạt. Bên cạnh đó, còn nhiều tỉnh, thành phố lái xe vi phạm không đến thực hiện quy định nộp phạt. Có nhiều nguyên nhân, gồm người dân chuyển chỗ ở, khai không đúng địa chỉ hoặc thay đổi địa giới hành chính, người vi phạm cố tình không chấp hành, chủ phương tiện không hợp tác tìm ra người vi phạm. Phổ biến nhất là tình trạng mua bán phương tiện nhưng không sang tên đổi chủ, khiến tỷ lệ người vi phạm nhưng không thực hiện các quyết định về xử phạt "nguội" vẫn luôn ở mức cao...

Để thuận tiện cho các chủ xe kiểm tra thông tin xe vi phạm giao thông, Cục phó Đăng kiểm Nguyễn Hữu Trí cho biết, cơ quan này vừa hoàn thành phần mềm tra cứu xe vi phạm trên trang thông tin điện tử vr.org.vn của Cục Đăng kiểm từ ngày 12-10. Chủ xe vào mục "Tra cứu kiểm định xe cơ giới", làm theo hướng dẫn sẽ nhận được thông tin về tình trạng kiểm định và nếu xe nằm trong danh sách cảnh báo từ chối đăng kiểm vì chưa nộp phạt, danh mục sẽ có đầy đủ các thông tin để chủ xe đến cơ quan công an giải quyết. Với các lái xe không có điều kiện tra cứu trên mạng thì có thể gọi đến các trung tâm đăng kiểm, hoặc đường dây nóng của Cục Đăng kiểm để được cung cấp thông tin (024.37684706).

Nhiều ý kiến người dân đồng tình với chủ trương sử dụng camera giám sát giao thông và việc buộc các chủ phương tiện phải thực hiện nộp phạt trước khi đăng kiểm xe. Tuy nhiên, cũng không ít chủ phương tiện cho rằng, việc xử lý như vậy cũng tồn tại nhiều vướng mắc khi việc phạt chỉ căn cứ vào phương tiện, trong khi chủ phương tiện lại không phải là người sử dụng. Giải đáp thắc mắc này, đại diện Cục CSGT cho biết, đối với những lái xe vi phạm, CSGT trích xuất camera tìm chủ phương tiện và gửi thông báo đến công an phường, xã hoặc qua đường bưu điện ba lần về địa chỉ nơi cư trú của chủ phương tiện. Khi có xác nhận đã có người nhận mà chủ phương tiện (hoặc người vi phạm) không hợp tác thì CSGT thông báo cơ quan đăng kiểm tạm thời dừng đăng kiểm và đề nghị chủ phương tiện hợp tác. Ngược lại, khi chủ phương tiện đã hợp tác chấp hành quyết định xử phạt, cũng như giúp tìm ra người vi phạm trong trường hợp cho thuê, cho mượn xe thì cơ quan công an sẽ thông báo trở lại cơ quan đăng kiểm để chủ phương tiện thực hiện đăng kiểm phương tiện theo quy định.

Việc xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh đã tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào nhận thức người điều khiển phương tiện và tạo cảm giác luôn bị các thiết bị camera giám sát trong quá trình tham gia giao thông, từ đó làm cho người dân có ý thức tự giác tuân thủ Luật Giao thông.