Dân chủ từ cơ sở
Trải qua hơn 83 năm hình thành và phát triển, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tiền thân là Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Thành tựu đó không chỉ được thể hiện trong việc phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, tập hợp các tầng lớp Nhân dân đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành lại độc lập mà còn thể hiện tinh thần chung tay xây dựng đất nước trong thời bình cũng như thời kỳ phát triển mới.
Những năm qua, MTTQ các cấp đã thường xuyên tổ chức những cuộc gặp gỡ để Nhân dân trao đổi, đối thoại với lãnh đạo cấp ủy Ðảng, chính quyền, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của Nhân dân với mục tiêu: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Quy chế dân chủ ở cơ sở được Nhân dân hưởng ứng, góp phần nâng cao nhận thức về quyền làm chủ của mỗi người dân, tác động tích cực đến việc sửa đổi tác phong, thái độ làm việc của cán bộ chính quyền cơ sở. Mặt trận cũng góp phần giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, giải tỏa những băn khoăn trong Nhân dân; tham gia giải quyết các khiếu nại, tố cáo, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Trong 5 năm qua, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã tiến hành 131.438 cuộc giám sát, 205.809 cuộc thanh tra nhân dân, qua đó chính quyền cơ sở đã xử lý 86.865 vụ việc sai phạm, góp phần làm minh bạch quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và các công trình, dự án đầu tư của cộng đồng, phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Ngoài ra, MTTQ từ cấp huyện đến Trung ương đã góp phần làm rõ sự đúng sai trong xử lý vụ việc như vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) năm 2012 hay vụ xử lý Giám đốc Nông trường Sông Hậu từ năm 2008 đến năm 2012...
Giá như không trông chờ, ỷ lại
Dẫu đạt được nhiều thành tựu, song những kết quả nêu trên vẫn chưa đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của quần chúng. Hàng nghìn ý kiến, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở chưa được lắng nghe; rất nhiều cán bộ thiếu tư duy phản biện, ngại va chạm, bỏ qua nhiều vấn đề trái ngang trong thực tế cuộc sống. Từ người dân bị thu hối đất sai quy định đến những cá nhân thuộc diện chính sách chưa được hưởng chế độ; từ việc bòn rút của công đến làm sai quy định pháp luật của chính quyền cơ sở đều chưa được cán bộ Mặt trận nắm bắt kịp thời để kiến nghị với cơ quan chức năng các cấp xử lý.
Câu chuyện về ông Ðào Ðức Khả, trú tại phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, là một thí dụ. Ông Khả có thời gian công tác và đóng bảo hiểm 29 năm nhưng chưa được hưởng chế độ hưu trí. Ông Khả đã viết hơn 300 lá đơn, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình giải quyết chế độ. Chưa được trả lời, ông buộc phải đệ đơn lên cấp cao hơn. Tương tự, 20 hộ dân xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị thu hồi đất sai quy định. Họ đã làm đơn từ cấp huyện lên đến Trung ương, song suốt 10 năm qua tình hình chẳng được cải thiện. Hay như tình trạng công nhân ở các khu công nghiệp bị cắt xén quyền lợi cũng đã và đang gây ra biết bao vụ đình công mà chưa có một phương án khắc phục. Nhìn nhận về những hiện tượng bất công trong xã hội, luật sư Lê Ðức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp luật của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng: "Những sự việc này đòi hỏi Mặt trận phải trách nhiệm, chủ động hơn nữa trong quá trình công tác, nắm bắt tình hình, giúp xử lý những khúc mắc trong nhân dân. Chúng tôi thấy nhiều người gom đống đơn thư của mình, nặng đến vài cân mà vẫn chỉ rơi vào vô vọng".
Ðánh giá năng lực hoạt động của Mặt trận trong vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhận định: "Mặt trận đã nhận thấy trách nhiệm của mình, nhưng do thói quen trông chờ, ỷ lại, còn lệ thuộc vào các tổ chức này tổ chức kia nên kéo theo vai trò bị giảm. Mặt trận cần đổi mới tư duy làm việc, dám đấu tranh với những khuất tất, tiêu cực ngoài xã hội. Có như vậy người dân mới thật sự nhận thấy mình có người đại diện, bảo vệ".
Về vấn đề này, ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho biết: Qua gần hai nhiệm kỳ của Ðại hội X và Ðại hội XI của Ðảng nay mới có được một Quy chế về nhiệm vụ phản biện xã hội, nên vừa qua việc thực hiện nhiệm vụ này của Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên rất lúng túng, vẫn còn dừng lại ở phạm vi đóng góp ý kiến.
Coi trọng vai trò giám sát, phản biện
Ðáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao trong thời kỳ phát triển mới, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội...". Trong dự thảo báo cáo chính trị của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa VII cũng đã đề ra năm chương trình hành động, trong đó dành riêng một chương trình hành động nhằm thực hiện hiệu quả vai trò, nhiệm vụ này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trước tình trạng khiếu kiện xảy ra ngày càng nhiều, phức tạp, việc bồi thường thiệt hại và khôi phục danh dự cho người oan sai đã được minh oan còn nhiều bất cập, nạn tham nhũng ngày càng tinh vi và trầm trọng, thì nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp càng nặng nề. Thông qua ba hình thức chủ yếu là giám sát hoạt động của các cơ quan quyền lực Nhà nước; vận động nhân dân giám sát; tự mình giám sát, Mặt trận sẽ có cơ sở để góp ý, kiến nghị cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục các hạn chế thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật ở địa phương. Tương tự, bằng những căn cứ khoa học và thực tiễn, phản biện xã hội sẽ góp phần làm sáng tỏ bản chất vấn đề, nhân lên cái tích cực, khắc phục cái thiếu khuyết, bảo đảm tính khả thi của chủ trương, chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống, không ngoài mục đích làm cho xã hội và cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ông Hoàng Khắc Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa và ông Kim Văn Quý, Chủ tịch MTTQ xã Tân Lập (Thanh Sơn, Phú Thọ) cùng chung tâm sự: "Từ thực tiễn, chúng tôi nhận thấy cần phải huy động được tổng hợp mọi nguồn lực của xã hội tham gia cùng Mặt trận. Cụ thể hơn là làm sao để người dân cùng giám sát, cùng phản biện. Muốn vậy, cần thực hiện tốt phương châm "Mặt trận nghe dân nói", nghe rồi phải tổng hợp và kiến nghị cấp có thẩm quyền và "Nói lại cho dân hiểu".
Nhận rõ những nhiệm vụ trong tình hình mới, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ: "Nước ta có tới 11 triệu công nhân, lực lượng này đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế nhưng quan hệ lao động với chủ doanh nghiệp hết sức phức tạp. Chúng tôi lưu ý các cấp công đoàn phải thường xuyên quan tâm, chia sẻ với công nhân, tuy nhiên đời sống số đông người lao động vẫn khó khăn. Là thành viên của Mặt trận, Tổng Liên đoàn sẽ nỗ lực phối hợp, tham gia giám sát việc thực thi chính sách ở các doanh nghiệp. Nhưng trước hết phải nâng cao khả năng, nhiệm vụ của công đoàn, các ban thanh tra ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp".
Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân chỉ có thể được thực hiện tốt nếu Mặt trận các cấp làm việc trách nhiệm hơn, lắng nghe, thấu hiểu về sự khác biệt, nắm bắt được nguyện vọng, bức xúc của từng nhóm xã hội, các tầng lớp nhân dân, từ đó có những quyết sách hợp lý. "Muốn có tiếng nói của người dân thì phải có diễn đàn, phải tạo điều kiện, tạo cơ chế cho dân nói. Nếu phản biện, giám sát tốt thì việc làm đại diện, là cầu nối giữa nhân dân với Ðảng cũng tốt", luật sư Trần Quốc Thuận, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khẳng định.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân là điều tối thiểu mà Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân phải làm cho bằng được. Ðể cho nền công lý trở thành khó tiếp cận, khó cầu viện đối với người dân là bằng chứng về sự yếu kém trong quản lý của Nhà nước pháp quyền.