Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của đại biểu dân cử

Trung tuần tháng 9 tới, dự kiến diễn đàn về giám sát tối cao của Quốc hội sẽ diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của nhiều thành phần: đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự giám sát cùng các đối tác, bạn bè quốc tế. Đây là lần đầu một diễn đàn của Quốc hội về lĩnh vực này được tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chiều 12/3/2024. Nguồn: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chiều 12/3/2024. Nguồn: quochoi.vn

Ðịnh lượng hiệu quả giám sát

Dù hoạt động giám sát vẫn được Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiến hành thường xuyên, liên tục chứ không chỉ "xuân thu nhị kỳ", nhưng việc tổ chức diễn đàn này có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của một trong ba trụ cột công tác của Quốc hội (lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước). Nhiều hoạt động nhằm chuẩn bị cho diễn đàn đang được các cơ quan của Quốc hội khẩn trương tiến hành.

Đúng như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu, diễn đàn nhằm chỉ rõ và phát huy mặt tốt, ưu điểm, rút ra bài học, kinh nghiệm để khắc phục hạn chế; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành nghị quyết, giúp Chính phủ, các bộ, ngành quản lý điều hành kinh tế-xã hội tốt hơn.

Những kinh nghiệm ấy chỉ có được khi đánh giá "đúng và trúng" những vấn đề nóng trước mắt và cả những vấn đề có tính then chốt, cơ sở để quản lý kinh tế-xã hội bền vững; tần suất, chất lượng các cuộc tranh luận và câu hỏi đặt ra cho nhánh hành pháp trong các phiên họp Quốc hội.

Cùng với đó là xem xét hiệu quả của các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, các báo cáo và khuyến nghị giám sát; đánh giá tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin trong quá trình giám sát,…

Cũng sẽ không thể thiếu cơ chế phản hồi về mức độ hiệu quả giám sát của Quốc hội. Bằng cách đánh giá có hệ thống các yếu tố kể trên, có thể định lượng được hiệu quả của hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, xác định các lĩnh vực cần củng cố chức năng quan trọng này của cơ quan lập pháp. Trong đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, việc thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo và phát triển năng lực dành cho các đại biểu Quốc hội, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác Quốc hội để giúp nâng cao kỹ năng và kiến thức cần thiết cho công tác giám sát có vai trò hết sức then chốt. Những nguyên lý này cũng đúng với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân - cơ quan dân cử ở địa phương.

Ðóng góp cho quá trình sửa đổi, bổ sung luật

Về lâu dài, những ý kiến tại diễn đàn tới đây còn là "đầu vào" rất quan trọng cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã quyết định bổ sung dự án này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9. Dự thảo Luật dự kiến bổ sung nguyên tắc mới trong hoạt động giám sát để thể chế hóa chủ trương của Đảng, đó là "bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương".

Luật hiện hành được ban hành ngày 20/11/2015, có hiệu lực từ 1/7/2016, đến nay đã qua bảy năm tổ chức thi hành. Các quy định của luật đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và toàn diện phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nhưng còn thiếu các quy định về bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động giám sát với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương. Luật cũng chưa có quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, giám sát chuyên đề, vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình tại kỳ họp, phiên họp, hoạt động giám sát của các cơ quan có thẩm quyền giám sát; thiếu quy định về thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội (thông qua hoạt động kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn). Những tồn tại, hạn chế của hoạt động giám sát còn thể hiện ở việc thiếu sự cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng, quản lý, bảo quản thông tin từ các tài liệu, dữ liệu, hoạt động giám sát có liên quan hay hoạt động khác của cơ quan chức năng; thiếu quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát,...

Những bất cập đó cũng xảy ra tương tự như đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Luật cũng chưa có quy định thường trực Hội đồng nhân dân có thẩm quyền điều chỉnh chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất trong trường hợp cần thiết.

Cần nói thêm là dự án Luật này có mối quan hệ chặt chẽ với một số luật và văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt là đối với Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (Luật Tổ chức Quốc hội cũng đang trong quá trình rà soát bước đầu để đề xuất sửa đổi, bổ sung). Rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả của hệ thống pháp luật chung, chắc chắn sẽ là một trong những vấn đề được nêu tại diễn đàn tới đây, cũng như trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.