Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh tổng kết hơn 10 năm thực hiện yêu cầu đổi mới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI, một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn. Nhìn lại mục tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị số 19 nhằm “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, cụ thể: Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề; phấn đấu lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có hiệu quả cao hơn đạt ít nhất 70% trong giai đoạn 2011-2015, 80% trong giai đoạn 2016-2020.
Cùng đó, huy động các tổ chức chính trị-xã hội, khuyến khích các đoàn thể nhân dân, doanh nghiệp và người dân có đủ điều kiện tích cực tham gia công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn; kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dạy nghề; xây dựng và nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác dạy nghề.
Sau 10 năm, đã có gần 10 triệu lao động ở nông thôn được học nghề, trong đó, gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề. Công tác đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách được quan tâm với 2,1 triệu người được hỗ trợ học nghề.
Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được kiện toàn, một số cơ sở được đầu tư theo hướng hiện đại, chuẩn hoá. Nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn cơ bản được duy trì qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác đào tạo nghề cơ bản phù hợp với nhu cầu người học, gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới. Sau học nghề, số lao động có việc làm, năng suất lao động, thu nhập của người dân tăng lên. Kết quả đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; bảo đảm an ninh lương thực; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo các chuyên gia, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, như: chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu học nghề của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; chất lượng đào tạo chưa đồng đều giữa các vùng, miền; thiếu liên kết giữa đào tạo với thị trường lao động; chính sách hỗ trợ chưa thật sự hiệu quả.
TS Trịnh Xuân Đức, một chuyên gia về tài nguyên nước và có nhiều hoạt động gắn bó với nông dân, nông thôn, cho rằng, việc đào tạo nghề cho lao động khu vực này phải chú trọng gắn với cơ hội việc làm của người lao động sau khi được đào tạo. Muốn thế, để khắc phục những hạn chế trên, cần có những giải pháp sau: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên; phát triển đa dạng các loại hình, hình thức đào tạo; có chính sách hỗ trợ học nghề hiệu quả hơn và tăng cường liên kết giữa đào tạo với thị trường lao động.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, nhất là trong và sau dịch Covid-19 với những dịch chuyển cơ cấu lao động vùng nông thôn, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bền vững, mà nòng cốt là lực lượng lao động, trong Chỉ thị số 37 lần này, Ban Bí thư yêu cầu: Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt năm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động ở từng vùng, từng địa phương; xây dựng chính sách tạo đột phá trong phát triển nhân lực, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; nghiên cứu, triển khai chương trình, ban hành chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030; tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…
Chỉ thị chú trọng tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương…
Trả lời báo chí chung quanh vấn đề này, đề cập công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 37, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, đầu tiên cần quy hoạch các vùng tập trung, chú ý phát triển các làng nghề truyền thống. Tức là tập trung lao động theo các cụm quy hoạch liên quan đến nông nghiệp để có thể đào tạo nghề. Muốn vậy, mô hình sản xuất phải được đổi mới, xây dựng có trọng tâm, trọng điểm. Người lao động không chỉ được đào tạo về tay nghề mà còn cả kỹ năng ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nghề tại chỗ, đáp ứng nhu cầu kế thừa ở các làng nghề truyền thống, và cả cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các khu công nghiệp, khu chế xuất.