Chào năm học mới 2024-2025

Mừng và lo…

Mùa tựu trường luôn mang đến bao nhiêu hân hoan, ước vọng. Cả nước đã sẵn sàng cho năm học mới, cũng là năm học hoàn chỉnh Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 (Chương trình 2018). Tiếng trống trường được điểm, nhân lên niềm tin vào những nỗ lực của toàn ngành giáo dục vì mục tiêu đổi mới toàn diện, thực chất, lấy người học làm trung tâm. Nhưng cũng còn đó, khoảng lặng của những nỗi lo...
Hãy biến mỗi mùa khai giảng thành một mùa vui, tạo động lực mới cho dạy và học trong nhà trường.
Hãy biến mỗi mùa khai giảng thành một mùa vui, tạo động lực mới cho dạy và học trong nhà trường.

Chương trình 2018 được áp dụng từ năm học 2020-2021, theo lộ trình đến năm học 2024-2025 này sẽ hoàn thành áp dụng nốt sách giáo khoa mới ở các lớp cuối cấp. Có thể nói, vượt qua những năm đầu trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành giáo dục đã kịp thời rút kinh nghiệm và triển khai chương trình đạt các mục tiêu cơ bản: lấy người học làm trung tâm, nâng cao năng lực, sự sáng tạo của người học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá đã thực hiện ngày càng thực chất, hiệu quả.

Chính sách mới cho năm học mới

Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa ban hành một số quy chế, kế hoạch, chính sách mới. Đáng chú ý là yêu cầu tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo nhằm thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trước mắt, ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo và các Nghị quyết của Quốc hội; triển khai rà soát Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung; đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đăng tải dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý. Đây cũng là vấn đề đang nhận được sự quan tâm, băn khoăn và có cả lo lắng của dư luận. Trong đó, ý kiến một số chuyên gia cho rằng, việc “cấm những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng” là đúng nhưng làm sao cơ quan chức năng có thể phát hiện và phân biệt các hiện tượng này lại không hề dễ dàng, bởi việc dạy thêm ở ngoài nhà trường rất khó kiểm tra, giám sát. Trong khi, học sinh học thêm chủ yếu là học sinh chính khóa - dù có thấy “hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng” liệu các em có dám lên tiếng không?

Còn ở vị trí hiệu trưởng, nỗi lo là trách nhiệm nặng nề hơn khi phải quản lý, giám sát và ra quyết định cho hoạt động dạy thêm, học thêm ở cả trong và ngoài nhà trường.

Những băn khoăn trên đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu thấu đáo các ý kiến để hoàn thiện trước khi ban hành Thông tư quan trọng này.

Từ đổi mới dạy và học tiến tới đổi mới thi cử. Theo dự thảo Thông tư mới về quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025, sẽ rút ngắn thời gian tổ chức thi từ bốn buổi thi hiện nay xuống còn ba buổi thi, điều chỉnh số môn thi; đồng thời bổ sung quy định để thí điểm thi trên máy tính khi có đủ điều kiện theo lộ trình như đã công bố trong Phương án thi, thí điểm dần từ năm 2027 và khi đủ điều kiện triển khai đại trà sau năm 2030.

Trăn trở bài toán tăng học phí

Những điều chỉnh chính sách cũng đã gợi lên không ít lo toan cả cũ và mới, nhất là với các phụ huynh và người học.

Đến hẹn lại lên, tình trạng quá tải trường lớp, nhất là ở các thành phố lớn khiến nhiều bậc cha mẹ phải chen lấn, xếp hàng dài, xoay xở để tìm chỗ trọ, chỗ học cho con em.

Cứ nhìn vào các con số: Năm học 2023-2024, ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 98 nghìn thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 công lập (tăng 2.300 học sinh so năm trước đó), chỉ có hơn 71 nghìn em được chọn vào 113 trường Trung học phổ thông công lập trên toàn thành phố. Còn ở Hà Nội thì căng thẳng hơn, trong 105 nghìn học sinh, chỉ chọn lấy 72 nghìn em vào trường công lập.

Tất nhiên hệ quả của việc mất cân đối này là, có khoảng một phần ba số học sinh sẽ không được vào học trường công. Các em phải lựa chọn khác là tìm kiếm cơ hội ở các trường trung cấp nghề, hệ giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp hoặc các trường dân lập, “công lập tự chủ” với học phí rất cao.

Ở bậc giáo dục đại học, vẫn số liệu thống kê của ngành giáo dục mới đây cho thấy, đã có hơn 122.000 thí sinh đỗ đại học nhưng bỏ nhập học, chiếm 18,13% số thí sinh trúng tuyển đợt 1 năm nay. Nguyên nhân chủ yếu, theo đại diện một số trường nhận định, là do học phí tăng cao.

Đến đây, có không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại, dự báo nhiều khả năng trong tương lai, trong khi việc xây trường công lập mới có nguy cơ chậm lại, chững lại thì các trường công lập đang tồn tại chuyển sang cơ chế tự chủ - đồng nghĩa doanh thu chủ yếu sẽ đến từ học phí. Như thế, cùng với bối cảnh thị trường, học phí các cấp học sẽ ngày càng tăng. Từ thực tế đó, nguy cơ khoét sâu thêm bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội là vấn đề chúng ta cần sớm lường trước và có giải pháp hữu hiệu, bảo đảm công bằng về điều kiện phát triển cho toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ.

Mong sao, ở năm học quan trọng này, những niềm vui, những kết quả tích cực tiếp tục được nhân lên, còn những trăn trở, băn khoăn trên sẽ nhanh chóng được ngành giáo dục và toàn xã hội chung tay giải quyết, khắc phục để nỗi lo toan sớm vơi bớt.

Mùa tựu trường, hãy là mùa hân hoan được học, được thực hiện khát vọng chiếm lĩnh tri thức.