“Ốc đảo” bình yên trong cơn lốc đô thị hóa

Cách Hà Nội khoảng 40 km về phía tây, bên dòng sông Nhuệ một ngôi làng hiện lên với vẻ đẹp riêng có như một “ốc đảo” mang lại cảm giác bình yên và những giá trị kiến trúc truyền thống còn được giữ gìn giữa chung quanh những nhốn nháo, méo mó của kiến trúc nông thôn.

Một góc làng Cựu. Ảnh | TRẦN HẢI
Một góc làng Cựu. Ảnh | TRẦN HẢI

Nơi “giao duyên” của kiến trúc Việt - Pháp

Làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có lịch sử 500 năm, từ lâu đã nổi tiếng với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam và kiến trúc Pháp. Những ngày này, làng Cựu càng thêm tĩnh khi Hà Nội đang thực hiện giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. Dường như sự vắng lặng đến nỗi... có thể nghe được cả tiếng lá rơi ấy càng làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo của làng. Cánh cổng làng đã phai màu theo năm tháng nhưng vẫn còn nguyên vẹn với lối kiến trúc quyển thư, tựa như một cuốn sách khổng lồ. Cổng làng có niên đại cổ nhất ở làng Cựu còn thể hiện sự bề thế của ngôi làng thịnh vượng, trù phú với vọng các, mái ngói, bờ đao cong vút và hai đôi nghê được đắp nổi độc đáo. Khi bước qua cổng làng, tôi bắt gặp những biệt thự kiểu Pháp đã nhuốm màu rêu phong. Vì sao một làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ lại có nhiều biệt thự như vậy?

Cụ Nguyễn Thiện Tú gắn bó với làng gần 80 năm kể cho tôi nghe: “Làng Cựu xưa vốn là nơi đồng chiêm trũng, mỗi năm chỉ cấy được một vụ nên cuộc sống của người dân nơi đây thiếu thốn quanh năm. Năm 1921, một gia đình trong thôn do bất cẩn khi nấu ăn đã để xảy ra hỏa hoạn, 2/3 nhà trong làng đã hóa tro bụi. Đói kém vì mất mùa và thêm vụ cháy mất nhà, nhiều người dân đành khăn gói rời Hà Nội mưu sinh và học được nghề may. Dần dần họ trở thành những thợ may giỏi nhất Hà Nội, chuyên may veston, comple... Nghề buôn vải cũng được người làng Cựu bao thầu và khuếch trương đến mức chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường may mặc ở Hà Nội mà chủ yếu là may comple. Người làng Cựu mở rộng thị trường vào tận Sài Gòn - Chợ Lớn. Giàu có, họ về làng xây biệt thự. Những biệt thự tráng lệ nguy nga với vòm cuốn, mái chảy, gỗ lim, ngói mũi… sân vườn rộng rãi đó được xây dựng trong thời kỳ 1920 - 1945. Những gia đình có điều kiện thì bỏ tiền thuê kiến trúc sư người Pháp về thiết kế và xây dựng, gia đình nào ít tiền hơn thì học tập và xây dựng theo mô hình kiến trúc đó, kết hợp với những nét truyền thống của Việt Nam”.

Nhà cụ Nguyễn Thiện Tú kết hợp giữa mô hình kiến trúc của Pháp và nét truyền thống Việt, có lịch sử 80 năm, đã bốn đời sống ở đây. Ngôi nhà từng được chọn làm bối cảnh trong một số phim truyện vừa phảng phất nét xưa cũ của thời xa vắng, lại toát lên vẻ thanh lịch của kiến trúc Pháp. Vào làng Cựu, những ngôi nhà hiện đại gần như không có, những ngôi nhà cấp bốn kiểu mẫu thời bao cấp cũng khó tìm thấy, vắng bóng nhà ống, nhà phân lô. Không giống như các làng cổ khác ở Việt Nam, có kiến trúc nhà ngói cấp bốn, ba hoặc năm gian, làng Cựu có kiến trúc riêng biệt, nửa tráng lệ, nửa bình dân, tạo nên nét hào hoa chốn thôn quê. Bên trong biệt thự là những cổng gỗ lim to, đã phai mầu. Những ngõ nhỏ lát đá xanh mát lạnh nhẵn bóng tạo nên sự ăn nhập tuyệt vời trong không gian cổ kính của làng. Những cánh cổng nhà xưa cũ đều không quá cao, cũng không quá thấp. Hoa văn, họa tiết trên đó cũng không thiên về kiến trúc phương Tây mà cũng không hẳn là của người Việt. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Gô-tích Pháp và Việt cổ.

Có lẽ chẳng ở đâu như ở làng Cựu: những ngôi biệt thự kiểu Pháp lại có những câu đối, liễn đối quen thuộc trên tấm đại tự được trang trí trên vòm cổng hay họa tiết chạm trổ hình hoa sen truyền thống. Đặt chân vào những ngôi nhà ấy, vẫn còn đó những cột trụ gỗ lim được đắp nổi hình hoa lá hay những vật dụng trang trí vừa có nét cổ xưa, lại vừa hiện đại và không kém phần sang trọng. Ông Nguyễn Quang Huy, trưởng thôn Cựu tự hào giới thiệu với tôi một số ngôi nhà đẹp của làng mình: “Các biệt thự của làng đều mang những phong cách khác nhau chứ không rập khuôn như nhà ống. Nếu nhà ông Xã Vinh, một nhà buôn gỗ trứ danh sở hữu một trong những biệt thự cầu kỳ nhất với lối ngõ thênh thang lát đá tảng xanh, hai tòa nhà ở hai bên nối với nhau bằng cầu bê-tông uốn lượn, cổng được trang trí sơn thủy hữu tình; thì nhà của cụ Hàn Thăng lại mang dáng dấp đại quan, mái cổ, cửa bức bàn, cột gỗ lim to, nền nhà tôn cao, sân thấp mà rộng, tòa ngang dãy dọc như ở chốn “tam cung lục viện”. Nhà cụ Phó Du được xây dựng năm 1929. Mặt tiền nhà là những nét pha trộn kiến trúc Á - Âu, cửa lá sách, rồi các cột trụ, đầu hồi… đều được đắp nổi đề tài hoa lá, tỉa cạnh rất đặc trưng của Tây Âu, nhưng trên chóp mái lại là bức phù điêu Tam tinh - chính là bộ Tam đa (phúc - lộc - thọ) quen thuộc trong văn hóa Á Đông thường thấy... với dòng Hán tự: Tam tinh cung chiếu (Ba vì sao tỏa chiếu). Hơn 40 nóc nhà cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 đều có giá trị cao về kiến trúc, hài hòa với cảnh quan nông thôn”.

“Ốc đảo” bình yên trong cơn lốc đô thị hóa -0
Nhà cụ Phó Du xây từ năm 1929. 

Những giá trị kiến trúc độc đáo không phải để thỏa hiệp

Theo TS Trần Xuân Hiếu, Đại học Xây dựng, những công trình di sản truyền thống kết hợp những biệt thự pha lẫn kiến trúc Việt cổ và Pháp rất độc đáo trong không gian cảnh quan của đồng bằng Bắc Bộ đã làm nên bản sắc không thể trộn lẫn của làng Cựu.

Bên cạnh ao sen, chùa làng, giếng nước, mái đình, hạ tầng cũng có giao thoa giữa cấu trúc làng Việt truyền thống và hạ tầng kỹ thuật châu Âu. Hệ thống thoát nước và chiếu sáng trong làng Cựu được phát triển thời Pháp thuộc. Các rãnh thoát nước kết nối từ nhà ra đường chính, được lát gạch đỏ dưới đáy. Làng được trang bị hệ thống chiếu sáng bằng đèn (thắp bằng dầu hỏa) chạy dọc theo đường chính của làng.

Rảo bước trên những con đường lát đá xanh của làng, chợt nhận ra nơi đây dù mang những nét kiến trúc Pháp nhưng vẫn đậm đà hương đồng gió nội. Vẫn còn đó giếng làng, đình làng. Dưới bóng cây cổ thụ, ao sen mùa này thơm ngát hương từ gió đồng đưa vào. Làng vẫn còn nhiều ao, chiếm tới gần 20% diện tích đất làng Cựu vì thế luôn mát mẻ vào mùa hè, mưa lũ ít khi bị ngập.

Làng Cựu được bao bọc chung quanh bởi hệ thống đồng ruộng. Những cánh đồng xanh mướt khi lúa non, vàng ươm vào mùa gặt, thấp thoáng người trên cánh đồng là những hình ảnh rất quen thuộc, làm nổi bật nên khung cảnh yên bình. Ở đầu làng, tôi gặp ông Trương Thế Cầu ở quận Hà Đông thường xuyên tới đây để săn những bức ảnh đẹp. Ông chia sẻ: “Tôi sẽ trở lại làng Cựu nhiều lần nữa để ghi lại kiến trúc cổ của làng. Đi qua những ngôi nhà cổ vẫn có cảm giác như đang ngược dòng thời gian”.

Để làng Cựu vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn những giá trị kiến trúc trong cơn lốc đô thị hóa là cả nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây. Ông Nguyễn Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Vân Từ cho biết chính quyền địa phương đang cố gắng giữ những nếp nhà cổ và mang đến sức sống mới cho ngôi làng. Làm sao vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ gìn được nhưng giá trị văn hóa và kiến trúc của làng.

Cụ Nguyễn Thiện Tú tâm sự: “Cơn lốc đô thị hóa diễn ra chung quanh làng Cựu, nhưng dân làng chúng tôi luôn ý thức và tự hào về giá trị kiến trúc của những ngôi nhà cổ, không ai muốn đập phá để xây mới kiểu nhà ống, nhà phân lô tân thời đầy rẫy ở khắp nơi. Làm sao có thể đánh đổi những ngôi nhà cổ quý giá để lấy những ngôi nhà ống bê-tông. Vì thế, làng Cựu vẫn giữ gìn được nét đẹp kiến trúc độc đáo của mình”.

Với cụ Tú cũng như nhiều người dân làng Cựu, những giá trị kiến trúc độc đáo đó không phải là thứ đưa ra để thỏa hiệp, cũng không phải như ván cờ có thể xóa đi chơi lại, bởi một khi xóa đi sẽ không bao giờ có lại được nữa.