Nước thiêng ngã ba Hạc

Đền Tam Giang, tên thường gọi là đền Bạch Hạc, tọa lạc bên bờ sông Lô (thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), thờ các vị thần, các danh tướng có công đánh giặc, giữ nước. Ngôi đền cổ 1.300 tuổi nổi tiếng linh thiêng, là điểm đến quen thuộc của khách thập phương hành hương về đất Tổ.

Nước thiêng ngã ba Hạc

Theo sử sách, đền Tam Giang sơ khởi là một đạo quán được gọi là quán Thông Thánh và xuất hiện từ năm Vĩnh Huy (650 - 655). Sau được đổi thành đền và được tu sửa nhiều lần. Đền thờ Đức Thánh Cả hay còn gọi là Thổ Lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương, một nhân vật thuộc thời đại Hùng Vương; Đức Thánh bà (Thánh mẫu đức sinh Quách A Nương, nữ tướng thời Hai Bà Trưng) và Đức Thánh Hai (Chiêu Văn vương tả thánh Thái sư Trần Nhật Duật, danh tướng thời nhà Trần). Tên của ngôi đền cổ được đặt theo địa thế đặc biệt - điểm hợp lưu của ba dòng sông Lô, Đà, Thao. Từ vị trí của đền đến ngã ba sông khoảng 400 m. Đền Tam Giang có hai lễ hội chính. Lễ hội mừng ngày sinh Đức Thánh diễn ra trong ba ngày, từ mồng 8 đến mồng 10 tháng ba âm lịch, trùng với hội Đền Hùng. Lễ hội thứ hai vào ngày 25 tháng 9 âm lịch là ngày Đức Thánh hóa, cùng hội mừng chiến thắng quân Nguyên Mông. Nhiều hoạt động được tổ chức trong những ngày này như lễ rước nước, lễ tế, thi ném còn, đánh đu, chọi gà, giã bánh dầy và thi bơi chải trên sông Lô. Du khách thập phương nô nức về dự hội và tham gia các trò vui. Những ngày bình thường cũng có rất đông người về thăm đền, làm lễ dâng hương. Gần đây, nghe tiếng thơm ngã ba Hạc thơ mộng, nhiều người thuê thuyền trôi dòng sông Lô về ngã ba sông thưởng ngoạn cảnh mây trời, sông nước kỳ vĩ.

Theo cụ Nguyễn Văn Cống, Ban quản lý đền Tam Giang, việc chuẩn bị cho lễ rước nước được chuẩn bị rất kỹ. Đoàn rước nước gồm đội tế nam 13 người, đội tế nữ 13 người mặc trang phục riêng, đại diện các tổ chức, hội, xóm. Nam, nữ tham gia đội tế được lựa chọn từ những gia đình có truyền thống tốt. Sáng 8-3 âm lịch, thuyền chở đoàn rước đến đúng điểm xoáy nước giao nhau của các dòng sông, nơi được cho là nước thiêng, vô cùng thanh khiết. Đoàn thực hiện nghi thức tế lễ trên sông hết sức trang trọng, lấy nước vào chóe sứ để dâng lên trước án, cùng với các phẩm vật khác để bắt đầu màn tế lễ.

Trước đó, đúng 12 giờ đêm hôm trước ngày khai hội, nhà đền thực hiện nghi thức bao sái tượng, lau chùi ban thờ để mở khám vào sáng hôm sau. Mọi công việc dù nhỏ nhất cũng được các bô lão trong làng chú ý chau chuốt, với tất cả tấm lòng biết ơn tổ tiên có công dựng nước và giữ nước. Hội thi bơi chải diễn ra ngày 9-3 âm lịch, gồm bốn giáp (bốn chải) Tiên Hạc, Đông Nam, Thần Trúc, Bộ Đầu. Mỗi giáp một chải và mỗi chải một mầu.

Quần áo của các tay chèo, cờ và mái chèo đồng mầu với mầu chải. Mỗi chải có 24 khoang gọi là phách với 48 tay chèo, một người lái và một người gõ mõ hiệu. Hội thi bơi chải tổ chức đúng dịp giỗ Tổ thu hút hàng vạn người xem. Theo tư liệu lịch sử, đền Tam Giang gắn với nhiều chiến công đánh giặc, giữ nước. Đạo quân của Thổ Lệnh và Thạch Khanh có công đánh thắng giặc và hai ông được phong thần. Tương truyền, cuộc thi bước qua sông của hai vị thần Thổ Lệnh và Thạch Khanh để lại một vết chân trước đền Tam Giang và một gót chân tại Bến Gót (nay là phường Bến Gót, thành phố Việt Trì). Bến Tam Giang, bãi sông Bạch Hạc được Hai Bà Trưng chọn làm nơi đóng thuyền chiến và luyện rèn quân sĩ. Đền Tam Giang là nơi đồn trú của tướng quân Trần Nhật Duật trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ ba (1287 - 1288) và là nơi rèn thủy chiến trong nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm khác.

Vùng Bạch Hạc gắn với những truyền thuyết từ thời đại Hùng Vương dựng nước và lịch sử chống giặc ngoại xâm sau này, đang lưu giữ nhiều tục hèm - những bí mật trong các nghi thức tế lễ. Về với lễ hội đền Tam Giang, tham gia vào các hoạt động văn hóa, du khách sẽ cảm nhận được những điều bí ẩn, thiêng liêng của vùng đất cổ.