Nốt trầm của xiếc

Vừa chia vui với nụ cười rạng rỡ của hai anh em, NSƯT Quốc Cơ-Quốc Nghiệp, sau khi vượt qua thử thách và chính thức xác lập kỷ lục Guinness thứ tư tại Milan (Italia) vào ngày 3/2/2023, người hâm mộ thực sự bất ngờ, khi được biết đây sẽ là kỷ lục cuối cùng trong sự nghiệp trình diễn quốc tế của hai tài năng xiếc - dù người vừa 39 tuổi, người mới 34 tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
Nốt trầm của xiếc

Đánh cược tính mạng cùng may - rủi

Một hành trình vượt lên chính mình để chinh phục những đỉnh cao mới gây thót tim cho cả người ở trong lẫn ngoài cuộc, khi cả ba lần tập dượt tại Nhà thi đấu quận 6, bậc thang Cầu Mống (TP Hồ Chí Minh) và sân khấu chính thức tại Milan đều nhận về thất bại. Thậm chí cú ngã trước giờ G một ngày khiến vết thương cũ ở cổ Quốc Nghiệp tái phát, phải liên tục uống thuốc giảm đau và khiến thần kinh của cả hai anh em cực kỳ căng thẳng.

Sẽ dễ đồng cảm với cảm giác ấy, khi biết cặp đôi từng suýt phải giã từ nghề xiếc, sau tai nạn kinh hoàng năm 2009 ở Đài Loan (Trung Quốc) của Quốc Nghiệp. Bác sĩ từng khuyên anh bỏ nghề để giữ mạng sống, sau chấn thương cổ rất nặng. Đó là còn chưa kể cú ngã kế tiếp khiến đốt sống cổ bị vẹo chèn vào màng cứng và tủy khiến khả năng bị liệt rất cao. Vậy mà bằng ý chí sắt đá và nghị lực phi thường, hai chàng trai với trang phục cờ đỏ sao vàng đã liên tiếp xác lập 4 kỷ lục thế giới, đã đứng trong Top 4 cuộc thi tìm kiếm tài năng đình đám Britain’s Got Talent...Để mang xiếc Việt đi xa, để cái tên Việt Nam vang lên dõng dạc trên những đấu trường đình đám, họ đã phải dũng cảm đối mặt cùng may rủi, cùng chấn thương và sẵn sàng đánh đổi cả máu cùng nước mắt.

Sân khấu tròn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam từng chứng kiến NSƯT Tuyết Hoàn tỏa sáng với những tiết mục mạo hiểm trên cao. Và cũng chính trên sàn diễn thân thuộc này, sau cú ngã định mệnh từ độ cao 2 mét, chị bị liệt, phải ngồi xe lăn suốt phần đời còn lại dù năm 2013 đó, Tuyết Hoàn vừa kết hôn với một nam đồng nghiệp và chưa kịp có con, bao ước mơ còn dang dở. Nhiều đồng nghiệp của chị như Trần Ngọc Mỹ Hạnh, Lê Văn Tài, Bùi Nhị Linh, Dương Lệ Quyên... cũng đã từng dính chấn thương, cả lúc tập luyện lẫn khi biểu diễn. Gương mặt trẻ Phùng Tuyết Phương vẫn không quên được lần tập luyện bị gãy tay, khi mới theo học xiếc được hai năm. Phải kiên trì khổ luyện lắm, Phương mới có thể bắt kịp chúng bạn và trở thành “hạt giống” của Liên đoàn với giải Vàng tại Liên hoan xiếc toàn quốc 2021.

“Xiếc là nghệ thuật đặc thù được tạo nên bởi tính phi thường mà tính phi thường thì luôn song hành với hiểm họa chực chờ. Mỗi sai sót phải trả giá rất đắt, lắm khi bằng cả máu, cả tính mạng. Không chỉ cần tài năng cùng sự kiên trì khổ luyện, xiếc đòi hỏi lòng dũng cảm để vượt qua sợ hãi, dám thách thức và chinh phục mọi giới hạn để đạt tới thành công”, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ. Trong các nghề có yếu tố biển diễn, xiếc là lĩnh vực nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất. Nhào lộn, đi thăng bằng trên dây, bay trên không trung, đế trụ... là những tiết mục xiếc hấp dẫn không thể thiếu nhưng thắt dây an toàn hay sử dụng lưới bảo hiểm thì không phải lúc nào cũng được phép thực hiện. Bảo hiểm thân thể, lẽ ra phải mua ở mức đặc biệt thì Liên đoàn hiện chỉ có thể cầm cự được khoản bảo hiểm thương tích mức thấp, gặp tai nạn nghề nghiệp thì mức tiền hỗ trợ cũng không được bao nhiêu. Cũng chính “Hoàng tử trăn” đã từng bốn lần suýt chết vì bị trăn cuốn tới nghẹt thở, co giật. Anh bảo, tỉnh dậy trong bệnh viện, người đầy thương tích, cánh tay nham nhở bật máu mà chỉ được nhận vài trăm nghìn đồng thanh toán bảo hiểm nên các nghệ sĩ xiếc rất tâm tư.

Quá khó để an tâm tận hiến cho nghề

Vừa trở về từ chuyến lưu diễn tại Tây Ban Nha, sau khi xuất sắc dành Vương miện Vàng Công chúa xiếc tại Liên hoan xiếc quốc tế tổ chức tại thành phố Xaratov (CHLB Nga) vào tháng 10 năm 2022, Hồng Thúy và Phạm Hướng - hai cô gái trẻ xinh đẹp đã làm nên sức quyến rũ của Đu son cười ngượng nghịu, khi nghe tôi tò mò về mức thu nhập hằng tháng tại Liên đoàn xiếc.

Vào trường trung cấp từ năm 12 tuổi, sau xấp xỉ chục năm là thành viên của Liên đoàn, đồng lương mà hai gương mặt tài năng được nhận đều chưa tới 5 triệu đồng. Cộng thêm tiền tập, tiền thù lao biểu diễn mới được khoảng 6 triệu đồng. Hỏi thu nhập khiêm tốn thế thì lo cho gia đình thế nào, hóa ra cả hai đều trông vào nghề tay trái là huấn luyện viên aerobic và yoga, một công việc thường được các nghệ sĩ nữ chọn lựa. Các đồng nghiệp nam thì nhận hợp đồng diễn bên ngoài, làm shipper... Khoản kiếm thêm xấp xỉ 10 triệu đồng mỗi tháng sẽ giúp họ lấy ngắn nuôi dài, để có thể tiếp tục theo đuổi đam mê nghiệp diễn khi chỉ còn vài năm tuổi nghề sung sức đợi chờ trước mặt.

Nốt trầm của xiếc ảnh 1

Tiết mục Đu son của hai nghệ sĩ Hồng Thuý và Phạm Hướng giành Vương miện Vàng Công chúa xiếc tại CHLB Nga tháng 10/2022 vừa qua.

Nghệ sĩ trong biên chế còn vất vả như thế, mức lương mà người ký hợp đồng chuyên môn nhận được chỉ 3-4 triệu đồng. Mà nguồn diễn viên hợp đồng này mới mang lại những nhân sự trẻ, khỏe, đẹp, tài năng đang độ chín cho Liên đoàn. Không thể có suất biên chế ngay, vì còn phụ thuộc vào chỉ tiêu rót từ trên xuống. Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải chờ tinh giản biên chế hai suất thì mới được có thêm một chỗ cho người trẻ nên cố co kéo lắm mà giờ vẫn còn khoảng 17% nghệ sĩ phải ký hợp đồng chuyên môn, đồng nghĩa với việc không nằm trong quỹ lương, tiền tập tiền diễn và cả lương tháng, bảo hiểm đều do Liên đoàn “giật gấu vá vai”, cân đối thu chi để thanh toán. Và với số buổi diễn không nhiều, chủ yếu chỉ tập trung vào một số dịp cao điểm như ngày 1-6, rằm Trung thu, Tết Nguyên đán..., ngay cả mức lương 3-4 triệu đồng/tháng kể trên cùng thù lao tập luyện 80 nghìn đồng/buổi, thù lao biểu diễn 120-200 nghìn đồng/buổi theo quy định, vốn chẳng nhiều nhặn gì cũng đã vượt quá khả năng chèo chống của Liên đoàn.

Phần đa các học sinh đều nhập Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam từ khi còn nhỏ (nữ từ 9-11 tuổi, nam từ 11-13 tuổi), sau 5 năm học tập, họ có thể trở thành diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Thực tế nghiệt ngã nằm ở chỗ, tuổi nghề của nghệ sĩ xiếc rất ngắn, nam chưa tới 40 tuổi, nữ chỉ quá 30 đã đành phải rời sàn diễn.

Đó cũng là lý do Quốc Cơ-Quốc Nghiệp chọn điểm dừng ngay tại thời điểm này, khi mà độ chín của nghề và sắc vóc dường như sung mãn nhất. Phải nghỉ diễn quá sớm trong khi tuổi về hưu thì lại theo chuẩn chung, 55-60 tuổi nên quãng thời gian làm việc còn lại trở nên đặc biệt khó khăn. Cố gắng bố trí công việc khác cho họ cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế vì thu nhập rất thấp, không thể cải thiện được. Người không may bị tai nạn nghề nghiệp, sức khỏe sa sút phải nghỉ mất sức sớm sẽ rất thiệt thòi vì lương hưu quá thấp.

Nghệ sĩ xiếc hiện nay đa phần chỉ có bằng trung cấp, dạng công nhân nghệ thuật, chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng 4, áp dụng hệ số lương viên chức loại B, nếu lên kịch bậc cũng rất khó thăng hạng cao hơn. Muốn chuyển công việc sau khi nghỉ diễn, họ phải có thêm một bằng chuyên môn, điều kiện gần như bất khả thi với những nghệ sĩ tuổi 30-40 đang nặng gánh gia đình, thu nhập khiêm tốn và đang phải đối mặt với bài toán mưu sinh nan giải. Giá kể giắt túi thêm cái bằng chuyên môn khác, họ có thể chuyển sang đảm nhận những công việc hỗ trợ biểu diễn như kế toán, hành chính, phụ trách âm thanh - ánh sáng chẳng hạn. Liên đoàn tận dụng được nguồn nhân lực tại chỗ, không phải tuyển dụng bên ngoài, lại thể hiện được sự đãi ngộ đầy nhân văn, không sử dụng nhân sự kiểu vắt chanh bỏ vỏ. Biết vậy nhưng ngân sách chi trả cho việc đào tạo chuyển ngạch này không có, đúng là cái khó bó cái khôn.

Tìm kiếm, đào tạo, vun xới tài năng xiếc đã khó. Bảo toàn được lực lượng, giúp họ cưỡng lại lời mời gọi hấp dẫn từ các đơn vị tư nhân vốn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” còn khó khăn gấp bội. Cuối năm 2015, Liên đoàn Xiếc cùng lúc nhận 12 lá đơn xin nghỉ việc của nhóm nghệ sĩ tham gia vở xiếc đình đám Làng tôi. Sau 5 năm lưu diễn thường xuyên tại nhiều nước trên thế giới, với khoản thù lao hậu hĩnh, họ quyết định từ bỏ cái nôi đã giúp họ trưởng thành nhưng nghèo tiền bạc cũng là điều dễ hiểu. Lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam vô cùng lo lắng và tiếc nuối, khi những show diễn hoành tráng tại các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, những chương trình tạp kỹ tụ hội những công nghệ biểu diễn hiện đại nhất đang hút về khá nhiều nhân lực của Liên đoàn. Với mức thu nhập từ 20-25 triệu đồng/tháng, tiết mục đơn giản và ít nguy hiểm hơn, “chảy máu chất xám” là một thực tế đáng buồn mà cánh chim đầu đàn về nghệ thuật xiếc này đang phải đối mặt.

Để những nghệ sĩ xiếc tài năng có thể dành trọn tâm sức, tài lực và tận hiến cho nghề, cần lắm những quyết sách thay đổi toàn diện và nhanh chóng. Cho dù NSƯT Tuyết Hoàn vẫn khẳng định, “tôi không ân hận khi theo nghề, nếu được chọn lại, tôi vẫn diễn xiếc mạo hiểm trên cao” thì tạo điều kiện tối đa để các tài năng xiếc an tâm sáng tạo những tác phẩm mang tính phi thường vẫn là điều cần phải làm ngay, trước khi quá muộn!