Nối quá khứ để xây hiện tại

Vừa diễn ra trọng thể, lễ kỷ niệm nửa thế kỷ ngành Hán Nôm, Khoa Văn học-Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, ngoài sự nhìn lại con đường 50 năm (1972-2022), cuộc hội ngộ thân tình các thế hệ thầy và trò, còn mang bóng dáng một cuộc hội ý về chiến lược phát huy di sản Hán Nôm trong xã hội hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) trao học bổng cho sinh viên xuất sắc. Ảnh: TTXVN
Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) trao học bổng cho sinh viên xuất sắc. Ảnh: TTXVN

Sự kết nối tự nhiên các ý kiến đại diện các thế hệ sinh viên, lớp nhà giáo lão thành, lãnh đạo bộ môn Hán Nôm, khoa, trường, phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, thư của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã "phác thảo" ra kỳ vọng không chỉ với riêng một trong ba địa chỉ đào tạo về lĩnh vực Hán Nôm trong cả nước. Mà lớn hơn, đó là sự nghiệp bảo tồn, tôn vinh văn hóa, xây dựng các giá trị nhân văn trong hiện tại và tương lai. Và làm nền tảng cho công cuộc đó, trong kho tàng văn hóa dân tộc có hệ thống tư liệu Hán Nôm đồ sộ qua hàng chục thế kỷ dựng nước và giữ nước; gắn liền với lịch sử đất nước trên mọi khía cạnh: hành chính, pháp luật, bang giao, giáo dục, khoa cử, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật…

Với niềm tự hào về nền tảng đó và nhiều thành tựu lớn của ngành Hán Nôm trong nhiều thập niên qua, đã có những đề xuất thiết tha về việc quan tâm hơn nữa đến phát triển ngành; tích cực đổi mới dạy và học; lưu trữ lâu dài và lan tỏa nguồn tư liệu, phục vụ hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, hợp tác trong nước, quốc tế…

Những năm gần đây, sự đóng góp của các giá trị truyền thống đang chứng minh sức mạnh tiềm tàng, khả năng sinh sôi, thích ứng thời đại của dòng chảy văn hóa dân tộc. Ở quy mô rộng khắp, là sự phục hồi các lễ hội truyền thống; việc tu tạo các di tích văn hóa, lịch sử. Nhiều địa phương đã khai thác hiệu quả di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vào phát triển du lịch. Trong nghệ thuật, có cả một dòng chảy âm nhạc mang âm hưởng dân ca, diễn xướng cổ truyền bền bỉ và đằm thắm. Qua sáng tạo của thế hệ mới, công chúng nhận ra hiệu quả khai thác mỹ thuật cổ vào các thiết kế hiện đại của tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, thời trang, hàng hóa tiêu dùng… Văn tự Hán Nôm đã được biết đến rộng rãi hơn qua dòng chảy nghệ thuật thư pháp; qua việc tu tạo các di tích, danh thắng; qua sự vinh danh ở tầm quốc gia, khu vực, quốc tế đối với di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản triều Nguyễn, sách cổ "Hoàng Hoa sứ trình đồ", hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế… Đó đều là những gợi mở phong phú cho sự phát huy giá trị nguồn di sản đặc sắc này dưới nhiều hình thức.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 23/11/2021 truyền đi thông điệp lớn về phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa vào đời sống hiện đại; lấy văn hóa làm nền tảng cho các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh hiện tại, những con người được trao truyền chữ viết, tâm hồn, ý nguyện của tiền nhân đang có nhiều cơ hội lan tỏa vẻ đẹp của di sản Hán Nôm vào xã hội một cách rộng rãi, phổ biến, gần gũi hơn. Cách mà các nhà nghiên cứu từ góc nhìn hiện tại, gọi di sản này là "tài sản", là "văn hóa", là "ký ức dân tộc" hôm nay và ngày mai… cũng chính là sự thúc giục về trách nhiệm vinh dự đó. Như lá thư chúc mừng của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cổ vũ với tinh thần đồng hành: "Nhiệm vụ của ngành Hán Nôm là phát huy các giá trị hàm chứa trong di sản Hán Nôm, nối liền mạch văn hóa giữa quá khứ và hiện tại, góp phần phục vụ quốc dân, phục vụ xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".