Nghèo, để người bệnh tìm đến
Xuất phát từ những chuyến đi làm xa, những lần đi chữa bệnh khi có người nhờ vả, ông Bình nhận thấy ở đời có quá nhiều người khổ, ý tưởng làm từ thiện bắt đầu được ông nung nấu. Ông tâm sự: “Tôi ăn uống chẳng bao nhiêu. Nhu cầu không cần nhiều. Nên làm được gì cho người khác thì cố gắng”.
Nói thì như vậy, nhưng căn nhà cấp bốn của ông xám màu rêu phong, có thể nói là khá xập xệ. Thậm chí có người hàng xóm bảo ông mà làm kinh tế, thì nhà cửa phải to nhất vùng. Nhưng ông thầy thuốc Đỗ Thanh Bình dường như chẳng quan tâm đến điều đó. Ai hỏi, ông lại bảo: “Ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu”. Rồi ông giải thích thêm, nhà thầy thuốc phải giản dị thì bệnh nhân mới đến, tức là có thể đón được mọi người nghèo.
Ông Bình trao học bổng cho học sinh nghèo.
Nhiều khi bệnh nhân đến gõ cửa vào lúc đêm khuya, ông thầy thuốc già chẳng ngại ngùng mở cửa, đón tiếp. Bệnh nhân Bùi Văn Lành ở TP Quảng Ngãi cho biết: “Có lần tôi đưa cháu đến khám vì đau bụng. Ông giỏi các bệnh về dạ dày và xương khớp. Tôi bấm giờ ấy mà chuyển đi viện thì người ta cũng nghỉ rồi. Với lại thấy ông Bình có tấm lòng, chúng tôi nhờ luôn. Nhưng như thế thì ông ấy đã khổ vì người khác nhiều quá”.
Đến giờ, sau mấy chục năm, bệnh nhân của ông, chủ yếu là những người lao động, đã có ở khắp tỉnh Quảng Ngãi. Ông Bình giúp rất nhiều người đau cột sống đỡ bệnh, trong khi, nếu phải đến viện sẽ rất tốn kém, lâu dài. Ông Nguyễn Hộp, ở mãi miền quê huyện Nghĩa Hành, mắc bệnh cột sống nhiều năm, nhờ ông Bình đã khỏi bệnh sau ba tháng điều trị. Ông Hộp nói: “Chúng tôi tìm đến ông Bình không chỉ vì biết ông ấy chữa bệnh hiệu quả, mà vì ông ấy có lòng thương người, chữa bệnh tận tâm mà không lấy tiền công. Với người nghèo thì cho thuốc miễn phí. Có khi ông ấy còn cho cả tiền mang về mua thức ăn bồi bổ nữa. Cũng có người bảo ông ấy lấy ít thì cũng phải lấy. Ông ấy tốt nhưng sống cũng còn quá vất vả”.
Kết nối tấm lòng
Bệnh nhân đến bốc thuốc đều nhìn thấy một chiếc hộp bên ngoài có ghi dòng chữ “Kết nối những tấm lòng”. Ở đó, thi thoảng có người bệnh sau khi được ông Bình chữa xong bước đến, nhẹ nhàng xếp vài đồng tiền lẻ nhăn nhúm, thấm màu mồ hôi bỏ vào hộp. Họ tự nguyện, tất cả đều như muốn gửi gắm một điều gì đó vào chiếc hộp gỗ kia, gửi gắm vào tấm lòng của ông lão. Ông lập quỹ để một phần lấy tiền mua thuốc duy trì phòng khám, đồng thời gom góp mỗi tuần đủ một triệu đồng trao tặng cho những mảnh đời khốn khó khác mà ông được biết. Người thì bị tai nạn, người ốm đau bệnh tật đến khánh kiệt gia đình. Lại có trường hợp người già neo đơn không nơi nương tựa, hay con trẻ bơ vơ vì mồ côi cha mẹ… Rồi ông còn trao học bổng cho các em học sinh là con ngư dân nghèo, giúp các em có tinh thần học tập tốt.
Hỏi, vậy con cái ông thì sao? Ông nói: “Ba đứa con tôi đã có phúc có phần, đều lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Giờ tôi cống hiến cho đời. Còn vợ tôi, bà ấy rất ủng hộ tôi làm việc nghĩa. Dù có lúc, bà ấy cứ bảo tôi cần nghỉ ngơi cho đỡ nhọc. Nhìn tôi cứ như bị giời hành!”. Lại hỏi, có lúc nào ông thấy mệt mỏi? Ông lắc đầu: “Mệt mà giúp được người, mà góp cho cuộc sống nhiều nụ cười, thì tôi cũng vơi đi mệt nhọc”.
Chữa bệnh hiệu quả, ông Bình được nhiều người biết đến, bệnh nhân tìm đến mỗi ngày một đông. Một số “mạnh thường quân” nghe tiếng, biết ông chịu sống nghèo vì người khác, cứ bước thấp bước cao, ăn mặc xềnh xoàng thì đến vờ khám bệnh, rồi bí mật gửi lại tiền. Gặp chuyện thế, ông thấy áy náy lắm. Thôi thì người ta cũng có lòng. Ông không dùng nhưng còn nhiều người cần tới. Nghĩ vậy ông lại mang tặng những người nghèo khổ khác. Cứ thế, bằng cách góp nhặt tình thương, ông mang đến biết bao niềm hy vọng cho những cuộc đời.