Ký ức vẫn tươi màu
Đường Lê Thị Bạch Cát hiện nay nằm ở vị trí kết nối giữa đường Lê Đại Hành với Tuệ Tĩnh, thuộc phường 13, quận 11 và cũng rất gần với ngôi trường THCS mang tên nữ liệt sĩ ở gần đó.
Nhưng nơi nữ liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát ngã xuống, những người cao tuổi ở hẻm 83, đường Đề Thám, quận 1 lại hay quen với bí danh của cô, là Sáu Xuân. Hỏi thăm bà con nơi đây, ai cũng biết đền Nhơn Hòa là nơi thờ cô Sáu Xuân rất linh thiêng, vì cô hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, và không tìm được thân xác.
Bà Phạm Kim Anh (bí danh Sáu Dung, ngụ quận Bình Thạnh) nhớ lại: Năm 1964, tôi và Sáu Xuân gặp nhau khi chuẩn bị rời miền bắc vào nam, gọi là đi B, cả hai chúng tôi đều viết đơn tình nguyện. Đêm 21-12-1964, tôi và Sáu Xuân chia tay người yêu, nước mắt ướt cả ngực các anh. Sáu Xuân động viên đoàn chúng tôi gồm 400 người rằng đi B là danh dự, phải tròn sứ mệnh của người thanh niên. Khi ấy Sáu Xuân là giáo viên Trường đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, rất trẻ khỏe và rạng ngời. Một mình cô ấy có thể mang vác gấp 1,5 lần người khác trên ba-lô xẻ dọc Trường Sơn. Năm 1965 khi vào đến Trung ương Cục miền nam, cả hai chúng tôi được Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định (I4) Trần Trọng Tân nhận về Khu Đoàn khu I4, sau đó Sáu Xuân về làm Quận ủy viên phụ trách thanh niên, Bí thư Chi bộ Võ trang liên quận 2, 4 (nay là quận 1). Năm 1968 khi nghe tin Sáu Xuân hy sinh, tôi đau đớn lắm. Hình ảnh người đồng chí trẻ tuổi, xinh đẹp, mạnh mẽ Sáu Xuân vẫn nguyên vẹn trong tâm tưởng tôi, như mới hôm qua thôi!”.
Chúng tôi đã có dịp được trò chuyện với nhiều nhân chứng lịch sử khác, những người đã được chính nữ biệt động thành Lê Thị Bạch Cát giác ngộ, hay cùng hoạt động, chiến đấu, trong tâm trí họ, vẫn lưu dấu hình ảnh một nữ chiến sĩ thông minh, quả cảm, không quản ngại hy sinh, dũng cảm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, được cấp trên biểu dương, khen ngợi. Trong đợt một Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, đơn vị do Lê Thị Bạch Cát chỉ huy đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch.
Không khuất phục
Bà Lê Hồng Quân, là người chiến đấu cùng với Lê Thị Bạch Cát, kể: “Chuẩn bị cho đợt 2 Mậu Thân, đồng chí Năm Quyết thay mặt cấp ủy truyền đạt mệnh lệnh cho chúng tôi, rằng “Bộ chỉ huy tiền phương chỉ đạo cơ sở nội thành, kể cả các đơn vị võ trang, biệt động phải phóng tay phát động đưa bạo lực khởi nghĩa của quần chúng phát triển. Biệt động nội đô nếu chỉ chiến đấu giỏi mà không phát động được quần chúng khởi nghĩa, nổi dậy thì xem như chỉ thực hiện được một nửa nhiệm vụ. Sau đó, đồng chí Năm Quyết thay mặt cấp trên truyền đạt quyết định thành lập Quận Đoàn 2, có bốn người gồm: Lê Thị Bạch Cát (Sáu Xuân) - Bí thư; Tôi - Lê Hồng Quân - Phó Bí thư; cùng Ủy viên là nữ đồng chí Trần Thị Diễn (Tám Tôn). Ngoài ra còn thành lập Đội Võ trang tuyên truyền quận 2, do Sáu Xuân phụ trách chung; Tám Tôn phụ trách tuyên truyền; còn tôi - Hồng Quân phụ trách võ trang”.
Do không thực hiện đúng được theo kế hoạch, nên cuộc chiến đấu của các đội biệt động nội đô bị địch tập trung lực lượng phản kích. Cuộc chiến đấu không cân sức, Sáu Xuân cùng một số đồng đội ở lại, chủ động thu hút địch để đồng đội phá vòng vây thoát ra ngoài, bảo toàn lực lượng.
Câu chuyện như vừa diễn ra ngày hôm qua. Bà Hồng Quân nhớ lại: “Khi định thần lại, địch bao vây hẻm 83 Đề Thám. Chúng tôi bám vào chướng ngại vật, đánh bật từng đợt tràn lên của chúng. Thật sự là ngày càng không cân sức khi địch tràn đến mỗi lúc một đông, trung liên và M79 nã tới tấp vào hẻm, Sáu Xuân quyết định cho mở đường máu rút lui, riêng chị ở lại thu hút hỏa lực, đánh lạc hướng chúng… Sau đó thì pháo nổ, tôi ngất đi”.
Một trái pháo rơi ngay trận địa làm Hà Văn Tiết hy sinh tại chỗ, Sáu Xuân, Văn Quang, Hồng Quân bị thương nặng. Sáu Xuân ra lệnh: “Chín Lùn và Tám Tôn đưa hai lựu đạn, trái đưa tôi thì để nguyên và trái đưa Hồng Quân thì rút chốt sẵn (lúc này đã mất một tay), các đồng chí tháo rời súng, quẳng đi xa để địch không thu được, trà trộn vào đồng bào rồi rút đi. Chúng tôi hy sinh, các đồng chí báo lại cấp trên giùm”.
Bà Tám Tôn không cầm được nước mắt: “Tôi quay lại vẫn thấy Sáu Xuân bắn đến viên đạn cuối cùng, ném quả lựu đạn cuối cùng, tôi thấy địch tràn lên, nghe tiếng hô của đồng đội: “Đả đảo đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh muôn năm!” và thêm 6 loạt đạn của địch, rồi mọi thứ im lặng. Bọn giặc hèn hạ đến nỗi lột đồ Sáu Xuân ra, đưa thi thể Hà Văn Tiết chồng lên thi thể Sáu Xuân để hạ nhục, rồi lôi xác họ xềnh xệch trên đường. Hình ảnh của Sáu Xuân - Lê Thị Bạch Cát vẫn luôn sống mãi trong lòng chúng tôi!”
Tìm trong hồ sơ lưu trữ của Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy có một văn bản xác nhận từ năm 1976. Có lẽ những người biết được cái chết bi hùng của Lê Thị Bạch Cát khi ấy đã rất tức tưởi cho số phận đồng đội, nên ngay sau ngày miền nam giải phóng, đã lập tức làm việc làm tròn đạo nghĩa: “Tôi là Năm Quyết (Trang Tấn Khương), từ năm 1965 tôi là Khu ủy viên Khu Sài Gòn - Gia Định, bí hiệu là I4. Tôi xác nhận đồng chí Sáu Xuân chiến đấu rất dũng cảm trong đợt 1 Mậu Thân, sau đó rút ra Căn cứ Phước Vân ở quận Cần Đước, tỉnh Long An. Đến đợt 2 Mậu Thân, đồng chí chiến đấu đến hết đạn và hy sinh, lính Mỹ và cảnh sát lấy xác đồng chí đi mất. Vì điều kiện công tác bí mật, sau Mậu Thân chúng tôi không rõ quê quán đồng chí Sáu Xuân ở đâu để báo tử”.
Người liệt nữ anh hùng ấy, sau này đồng đội mới biết, tên thật là Lê Thị Bạch Cát, sinh ngày 10-10-1940 tại xóm Mai Đông, xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nay là khối 4, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò.
Tháng 8-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, Sở GD và ĐT tỉnh Nghệ An và thân nhân các liệt sĩ nhà giáo đi B (đồng đội với Lê Thị Bạch Cát) đã có đơn gửi cấp thẩm quyền đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát.